Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:28 (GMT +7)
An toàn tiêm chủng cho trẻ em
Thứ 5, 05/08/2021 | 10:19:50 [GMT +7] A A
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh, "phủ sóng" đến 177/177 trạm y tế cấp xã. Trên địa bàn tỉnh còn có 63 cơ sở tiêm chủng dịch vụ (41 cơ sở công lập, 22 cơ sở) tham gia tích cực chương trình.
Để trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất gián đoạn hoạt động tiêm chủng thường xuyên, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị y tế cơ sở. Trong đó, triển khai sâu rộng công tác truyền thông, vận động người dân cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch; duy trì phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và triển khai tiện ích tin nhắn nhắc lịch tiêm chủng; giám sát, chỉ đạo thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Các xã, phường thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng gắn với chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các trạm y tế lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng theo khung giờ, đảm bảo không quá 20 người/điểm tiêm chủng trong cùng thời điểm và không quá 50 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng. Các điểm tiêm được bố trí từ 2-3 ngày để thực hiện tiêm vắc-xin; bố trí phòng tư vấn, khám sàng lọc, phòng tiêm, theo dõi sau tiêm... đảm bảo theo đúng quy trình, quy định an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Nga (phường Hà Tu, TP Hạ Long) có con trong độ tuổi tiêm chủng, cho biết: Gia đình thường đưa con đến phòng tiêm của CDC Quảng Ninh. Công tác phòng, chống dịch hiện được nhân viên y tế tuyên truyền, hướng dẫn rất chu đáo, sổ tiêm được ghi và hướng dẫn cẩn thận, nên gia đình không bỏ lỡ mũi tiêm nào của con, rất yên tâm đưa con đi tiêm tại đây.
CDC Quảng Ninh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tăng cường giám sát một số bệnh truyền nhiễm, nhằm kịp thời phát hiện vùng có nguy cơ cao lây lan. 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm ghi nhận 23 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 ca dương tính với EV71 (test nhanh), 21 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 8 ca dương tính; 3 trường hợp viêm não do vi rút; 8 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút; 289 ca mắc thuỷ đậu; 1.260 trường hợp cúm mùa...
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, trước khi trẻ đi tiêm, các bậc phụ huynh cần nắm rõ tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ đang có bệnh, ốm, cần thông tin để bác sĩ có chỉ định về việc hoãn tiêm hay không. Cha, mẹ cần cho trẻ ở lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi; khi về tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24-48 giờ sau tiêm; nếu thấy có biểu hiện bất thường, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chuẩn bị tốt các điều kiện tiêm chủng, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ hằng năm trên địa bàn tỉnh đạt trên 95%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 9. 208 trẻ dưới 1 tuổi tiêm đủ 8 loại vắc-xin; 8.846 trẻ 18 tháng tuổi được tiêm phòng sởi, rubella; 7.629 phụ nữ có thai được tiêm trên 2 liều vắc-xin phòng uốn ván... Thực hiện tốt công tác tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, từ đó triển khai hiệu quả kế hoạch bổ sung tiêm đầy đủ, kịp thời, 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng trong cộng đồng.
Cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mở rộng. Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng kiểm soát đại dịch. Khi trẻ nhỏ chưa có chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19, thì người lớn cần tiêm vắc-xin để hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ, chăm sóc những người không đủ điều kiện tiêm chủng. Bên cạnh đó, cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()