Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:43 (GMT +7)
An toàn phòng cháy chữa cháy cho các chợ
Thứ 3, 12/03/2024 | 14:44:38 [GMT +7] A A
Chợ là nơi thường xuyên đông đúc, nơi tập kết nhiều hàng hóa phục vụ giao thương, vì thế luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các nơi này được các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.
Chợ Rộc (xã Tiền An, TX Quảng Yên) là một trong những chợ truyền thống luôn tấp nập hoạt động mua bán. Chợ được xây dựng mới khoảng 6 năm, với hơn 100 ki ốt, chủ yếu bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ khô, quần áo... Để đảm bảo an toàn PCCC, Công ty TNHH Thanh Thảo Quảng Ninh (chủ đầu tư, quản lý) đã đầu tư đầy đủ hệ thống trang thiết bị gồm bình chữa cháy, họng nước vách tường, bể, máy bơm chữa cháy… Đồng thời, nguồn điện được chia làm 3 nhánh riêng biệt (điện chiếu sáng phục vụ bảo vệ, điện PCCC, và điện kinh doanh). Do chợ chỉ hoạt động ban ngày, không có tủ bảo ôn để lưu thực phẩm qua đêm, nên khi các hộ kinh doanh nghỉ, nguồn điện phục vụ kinh doanh được ngắt hoàn toàn.
Ông Vũ Mạnh Tới, Trưởng Ban Quản lý chợ Rộc, cho biết: Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TX Quảng Yên thường xuyên kiểm tra và huấn luyện nghiệp vụ, tuyên truyền cho đơn vị cũng như các hộ kinh doanh tại chợ nắm được nội quy, quy định PCCC tại chợ. Lực lượng bảo vệ tuần tra kiểm soát 24/24h, nhằm phát hiện kịp thời những sự cố để báo cáo Ban xử lý và thay thế những thiết bị, phương tiện kỹ thuật không đạt yêu cầu.
Kinh doanh quần áo tại chợ Rộc, bà Vũ Thị Mừng, chia sẻ: Không chỉ nhắc nhở thường xuyên, Ban Quản lý chợ cũng thường mở loa phát thanh để tuyên truyền về nội quy, quy định PCCC, vì thế chúng tôi luôn tuân thủ, không bày hay sắp hàng hóa chắn lối đi hoặc chắn tủ PCCC.
Hiện toàn tỉnh có 135 chợ truyền thống đang hoạt động với nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán các loại. Tuy nhiên, bên cạnh các chợ đã được xây mới, cơ bản đáp ứng các quy định về PCCC, phần lớn các chợ truyền thống đã xây dựng từ lâu, trước khi Luật PCCC 2001, sửa đổi năm 2013 có hiệu lực, nên gặp nhiều khó khăn, bất cập về PCCC, vướng về kinh phí cũng như hạ tầng phục vụ sửa chữa.
Trên thực tế, chợ truyền thống là loại hình luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Điển hình là vụ cháy tại dãy ki ốt ngoài nhà chợ chính thuộc chợ Cột 3 (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) vào hồi 1h10’ ngày 22/11/2023, gây thiệt hại toàn bộ tài sản và hàng hóa trong 8 ki ốt kinh doanh. Hoặc trước đó, ngày 16/9/2023, chợ Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đã xảy ra sự cố cháy tại khu vực quầy hoa quả phía cổng phụ, mặc dù thiệt hại không đáng kể nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác đảm bảo an toàn PCCC tại chợ.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Quảng Ninh tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá toàn bộ thực trạng công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác bảo đảm an toàn điện... đối với các chợ, trung tâm thương mại.
Theo Thiếu tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), Ban Quản lý các chợ cần tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức PCCC cho nhân viên, bảo vệ, tiểu thương và cả người mua hàng; tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện, tiến hành thay thế đối với thiết bị đã cũ, hỏng. Ngoài ra, cần kiểm tra toàn bộ các điều kiện về đường, lối thoát nạn bên trong chợ; thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị chữa cháy tại chỗ đã trang bị, bảo đảm hoạt động theo đúng công năng thiết kế. Đồng thời, siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ, tuần tra kiểm soát quanh khu vực, nhất là ban đêm, để kịp thời phát hiện, xử lý nếu xảy ra sự cố.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()