Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 01:11 (GMT +7)
An toàn cho trẻ
Chủ nhật, 29/05/2022 | 07:27:42 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em luôn thu hút sự quan tâm của xã hội. Không ít vụ việc bạo hành khiến trẻ thiệt mạng đã làm dư luận nhức nhối, căm phẫn. “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” vì lẽ đó được chọn là chủ đề của Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022.
Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 1-30/6/2022 với thông điệp và khẩu hiệu truyền thông như: Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình; hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; gọi số 111 để thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.
Trong thời gian qua, đã có không ít vụ bạo lực hành hạ, đánh đập trẻ em xảy ra gây sự bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt, nhiều vụ trẻ em bị hành hung đến mức thiệt mạng trong chính ngôi nhà của mình, bởi chính người thân, cha mẹ mình. Điển hình, như cuối tháng 12/2021, vụ việc bé gái N.T.V.A (8 tuổi) ngụ tại chung cư Sài Gòn Pearl (TP Hồ Chí Minh) bị mẹ kế hành hạ trong thời gian dài và tử vong với nhiều thương tích trên người đã khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Trước đó, tháng 3/2020, cơ quan pháp luật thành phố Hà Nội đã truy tố Nguyễn Thị Lan Anh và Nguyễn Minh Tuấn (cùng 29 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng) về các tội giết người và tàng trữ trái phép chất ma túy. Chỉ vì bé N.N.M. (3 tuổi, con gái của Lan Anh và người chồng trước) sang chơi. Thấy bé M. không nghe lời nên cả hai đã phạt bé gái ngồi trong chậu nhựa rồi liên tục dùng cán chổi bằng kim loại đánh, dùng tay tát cháu bé khiến cháu M. tử vong do chấn thương sọ não. Gần đây nhất, ngày 23/5/2022, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh) cũng đã xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Dung (sinh năm 1994, quê Thừa Thiên - Huế) về tội giết người. Chỉ vì con gái mình là bé C (3 tuổi) sau khi đi vệ sinh để phân dính dép mà Dung đã dùng tay tát thẳng vào mặt con, cầm hai chân bé dốc ngược lên, đập đầu bé xuống nền nhà nhiều lần, dùng tay đánh nhiều cái vào đầu, lưng, bụng và mặt của cháu C khiến cháu chấn thương sọ não, tử vong...
Theo các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực tội phạm học thì việc trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập hầu hết diễn ra trong những gia đình tan vỡ. Khi bố hay mẹ gá nghĩa với người khác, những đứa trẻ bỗng trở thành cái gai trong mắt họ. Nhưng hơn cả là trách nhiệm của người thân. Trước khi bị sát hại, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể. "Có thực sự khó để không thể biết trẻ bị bạo hành hay không? Tôi nghĩ là không" - Tiến sĩ, trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) suy ngẫm.
Theo ông, tiếng quát tháo, đòn roi, đổ vỡ, tiếng khóc ré vọng ra từ nhà bên, sao hàng xóm không thể nghe thấy. Bên cạnh đó, người cha, người mẹ dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm, lẽ nào không nhận ra những vết bầm tím vì đòn roi?
Từ các vụ án đau thương xảy ra, Tiến sĩ, trung tá Đào Trung Hiếu đặt ra vấn đề xã hội hệ trọng, đó là phải làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. "Ông bà, cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền, làm sao để gia đình Việt bền vững trước đại dịch có tên “ly hôn”. Chỉ khi gia đình bền vững, mới đỡ đi những vụ việc thương tâm liên quan đến trẻ em như đang thấy" - ông Hiếu bày tỏ.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()