Qua những trang sách của nhà văn Sơn Nam viết về Nam Bộ, tôi nhất định tìm về nơi cuối cùng trên bản đồ Việt Nam để hiểu cho được thế nào là "Hương rừng Cà Mau" và nếm vị ngọt lành của mật ong rừng tràm. Đó là chuyến đi đoàn chúng tôi thực hiện vào năm 2020.
U Minh Hạ là vườn quốc gia rộng lớn tại tỉnh Cà Mau được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới với hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn và đa dạng động thực vật quý. Nơi đây còn là nhà của ong rừng tự nhiên chuyên hút mật từ nhụy hoa tràm, trổ rực rỡ nhất tầm tháng 3-4 hàng năm.
Toàn bộ rừng với diện tích khoảng 30.000 ha là một nguồn khổng lồ cung cấp hoa tràm và các loài hoa khác để ong hút nhụy làm mật. Ước tính sản lượng mật ong khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 800 tấn được người dân thu hoạch từ việc đi rừng.
Tôi và những người bạn rất phấn khích muốn xuyên rừng trải nghiệm ngay nhưng các anh săn ong nhà nghề khuyên không vội, từ từ rót ra chén mật ong mời chúng tôi nếm trước. Các anh bảo: "Thử thấy cái vị nó ngon chừng nào thì hăng đi rừng chừng ấy". Mật ong ở rừng U Minh Hạ trong và vàng như nước cam, sánh, ngọt, đậm đà mà không gắt, cả hương và vị nhẹ nhàng làm người thử cứ thòm thèm mãi.
Dân miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng hay gọi nghề này là gác kèo ong, hay "ăn ong". Thật ra gác kèo ong và ăn ong là hai giai đoạn của việc săn ong. Dưới những tán rừng tràm, ong được con người làm nhà cho ở mãi tận rừng sâu. Vì thế, để lấy được mật, người ăn ong phải vào rừng thường xuyên. Tùy người "có tay", mật ong được thu hoạch sau 30 ngày. Còn khi gác kèo không khéo, có khi mấy tháng mới thu được một ít. Để thu hoạch đúng lúc "chín" nhất, mật phải được thăm nom thường xuyên. Cứ thế người ăn ong rất rành rẽ mọi ngóc ngách sâu thẳm trong khu rừng.
Ở U Minh Hạ, người ta "ăn ong" quanh năm, cả mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch và mùa nắng bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 âm lịch. Thời điểm nào, đi "ăn ong" cũng vất vả. Có lẽ phải gọi mấy ông thợ gác kèo ong là nghệ nhân mới đúng vì vừa phải khéo léo, trầm tĩnh, gan dạ mà còn phải thấu hiểu tập tính của bầy ong mới có thể tiếp cận để lấy mật của chúng. Để thực hiện việc gác kèo, người thợ trước hết phải chuẩn bị bộ kèo, gồm thân kèo, trụ đỡ và cây nạng. Bộ kèo này làm từ thân tràm suông, có đường kính 10-15 cm, được lột sạch vỏ, phơi khô. Theo kinh nghiệm của anh Khanh, chủ khu du lịch Mười Ngọt, vị trí tốt nhất để gác kèo là nơi cây tràm nằm thấp, xung quanh nhiều hoa, trong khu vực trống, có ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo.
Thời gian gác kèo lý tưởng nhất là vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch. Khi đấy, những cơn mưa muộn cuối mùa rửa sạch mùi sắt ở chỗ 2 đầu nhánh kèo bị dao chặt vừa kịp khô. Ong kỵ mùi sắt của dao còn dính trên cây nên ngại đến làm tổ.
Nghe các anh giảng giải cách làm kèo và chăm từng chút một khi làm nhà cho ong, cả nhóm phải công nhận nghề này vừa công phu vừa tỉ mỉ. Để làm nghề, hầu như ai cũng dành trọn thanh xuân cho nó. Vất vả nhọc nhằn là thế, ánh mắt và nụcười của anh Khanh, 21 năm làm nghề, bỗng bừng sáng lạ thường. Anh hồ hởi chia sẻ với chúng tôi rất nhiều thứ như một hướng dẫn viên thực thụ của rừng già.
Hôm chúng tôi đi rừng là vào khoảng giữa tháng 4 âm lịch, rừng tràm đang trổ hoa màu trắng, thơm dịu tựa như tóc mây thiếu nữ. Chúng tôi chia ra thành hai nhóm: một nhóm gác kèo ong mới, còn một nhóm đi ăn ong. Mật ong thu hoạch từ cuối mùa nắng sẽ ngon nhất. Ngược lại, vào mùa mưa, mật sẽ nhạt, không ngon bằng.
Chúng tôi sững sờ trước những tổ ong rừng U Minh Hạ to tướng, có tổ dài cả mét. Chúng trở lên lấp lánh khi gặp những tia nắng từ trên cao. Mỗi tổ ong trung bình có từ 3 đến 5 lít mật, tổ lớn có đến hàng chục lít.
Nhóm đi ăn ong chúng tôi đã chuẩn bị các dụng cụ cần thiết: bó đuốc con cúi làm bằng xơ dừa khô được bó chặt lại để hun khói, một thau hoặc xô đựng tàng ong (còn gọi là sáp ong), một cây dao và tấm lưới trùm cả người tránh bị ong đốt.
Sáng sớm hôm ấy, vừa hồi hộp, vừa phấn khích, chúng tôi lội rừng rồi chèo xuồng đi gỡ kèo ong. Trời mùa khô nên ít gió, lại có sương sớm nên khi chúng tôi hun khói, con cúi khó bắt lửa, ít rủi ro cháy rừng. Chúng tôi áp sát kèo ong khổng lồ, thổi khói từ phía trên gió cho ong bay đi, dùng dao cắt phần mật, tách phần mật ra khỏi tổ lớn, rồi cắt bớt phần tàng có màu đen, chỉ chừa lại một phần tàng thường khoảng 1/3 tổ để ong làm tổ mới. Tôi hoảng hốt vì vụng về gây tiếng động khiến mấy chục con ong bay ra. Dù có bị đốt cũng không được làm chết con ong nào, chúng tôi đã được dặn dò kỹ vì đối với người U Minh Hạ, ong là bạn và chúng tôi đang chia sẻ quà tặng của mẹ thiên nhiên.
Khi thợ "ăn ong" chạm vào tổ, chúng tôi lo sợ họ sẽ bị đốt. Bàn tay họ nhẹ nhàng "vuốt ve" tổ, theo phương châm "thu hoạch nhưng không tàn phá, tận thu". Họ tự nhận mình là người gác rừng cũng vì lẽ ấy.
Với vốn kinh nghiệm giàu có của mình, thợ "ăn ong" hun khói mù mịt để ong canh tổ bị say mà phớt lờ sự hiện diện của chúng tôi. Sau đó, chiếc kèo ong có một phần tổ khổng lồ được vác về nhà như chiến lợi phẩm. Ngồi trên xuồng quay đầu về bến, mọi người được thưởng thức ngay một phần mật còn tươi rói và tàng ong non ngon không thể tưởng, phần thưởng cho một buổi sáng đi rừng nhiều cảm xúc.
Ong non mềm tứa ra sữa quyện vào mật ong là một đặc sản được người U Minh trân quý cũng như hết lòng gìn giữ nghề "ăn ong" độc đáo gắn liền với lịch sử khai hoang Nam Bộ. Không lạ khi nghề này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có theo chân những người ăn ong vào sâu trong rừng U Minh Hạ, bạn mới hiểu được nghề "ăn ong" quý giá như thế nào để được bảo tồn như vậy.
Kèo ong có tổ ong được mang về, kết thúc ngày "ăn ong" thú vị.
Ý kiến ()