Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
Ăn mì tôm gây ung thư: Chuyên gia nói gì?
Thứ 2, 09/08/2021 | 13:43:40 [GMT +7] A A
Mì tôm (hay còn gọi là mì gói, mì ăn liền) là thực phẩm tiện ích được rất nhiều người yêu thích. Thế nhưng khi có tin đồn mì gói gây ung thư khiến không ít người hoang mang. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào?
Mì tôm gây ung thư: Góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng
Gia đình chị Trần Thị H., (trú tại Linh Đàm, Hà Nội) 2 năm nay không dám ăn mì tôm vì sợ "ung thư". Chị H. kể trước kia cũng hay mua thùng mì tôm về để mọi người ăn khi nhỡ bữa nhưng gần đây nhiều thông tin về mì tôm khiến chị sợ hãi và nói không với mì tôm.
Thậm chí, con gái chị H. rất thích ăn mì nhưng chị cũng phải vừa "doạ" con vừa "rắn" không cho con ăn nữa. Những thông tin mì tôm gây ung thư đã tạo nhiều hoang mang đối với các bà nội trợ bởi đây là món ăn có mặt trong hầu hết các gia đình và được yêu thích bởi mọi lứa tuổi.
Có thể tin đồn "mì tôm gây ung thư" xuất phát từ thực phẩm này chứa chất phụ gia bảo quản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép cho vào trong thực phẩm, bao gồm cả trong mì ăn liền đều được quy định giới hạn về hàm lượng an toàn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ. Nếu sử dụng đúng liều lượng thì cơ thể sẽ tự động đào thải các chất này ra ngoài mà không gây nên các biến đổi bất thường hay sinh ung thư. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm được các cơ quan quản lí có thẩm quyền cấp phép.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết thêm, thực phẩm nào cũng có hai mặt, đó là mặt tốt và mặt hạn chế. Ngay cả những thực phẩm quen thuộc nhất, thường được sử dụng hàng ngày (thịt đỏ, dầu thực vật…), nếu tiêu thụ quá mức hoặc chế biến sai cách đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mì ăn liền là thức ăn nhanh tiện lợi với thành phần dinh dưỡng chính là chất bột đường, người tiêu dùng có thể chế biến mì ăn liền cùng với 1 số thực phẩm khác để thành bữa ăn giàu dinh dưỡng và ngon miệng hơn bằng cách bổ sung thêm rau củ, hải sản, thịt, cá, trứng…
Chuyên gia công nghệ thực phẩm: Mì tôm và ung thư không hề liên quan tới nhau
Đứng dưới góc độ của một chuyên gia công nghệ thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, mì ăn liền và ung thư không hề liên quan tới nhau. Trên thế giới chưa ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh thực phẩm này là nguyên nhân gây ung thư. Theo đó, những tin đồn thất thiệt kiểu này giống như con "ngáo ộp" khiến người tiêu dùng luôn rơi vào trạng thái vừa ăn, vừa lo.
PGS Thịnh nhấn mạnh, hiện nay mọi vấn đề từ tuyển chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất mì ăn liền uy tín đều đảm bảo an toàn, loại trừ mọi yếu có thể gây ung thư cho người tiêu dùng.
Theo đó ông cũng giải thích thêm, việc kiểm soát đầu vào rất quan trọng - bởi nếu nguyên liệu bị mốc sẽ dẫn đến nhiễm độc tố vi nấm gây bệnh ung thư. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể yên tâm khi các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng nguyên liệu nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế và rất phổ biến như: bột mì, muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô… để sản xuất nên mì ăn liền. Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào ở các công ty lớn và thương hiệu có uy tín cũng rất chặt chẽ, đảm bảo tất cả những yêu cầu tuyệt đối an toàn thực phẩm theo quy định của Quốc gia (Bộ Y tế Việt Nam). Vì thế không thể có hiện tượng nguyên liệu bị hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc được đưa vào sản xuất.
Còn về vấn đề dầu chiên và quá trình chiên hiện nay theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng đã được các công ty mì ăn liền uy tín kiểm soát chặt chẽ, chủ động khống chế được sự hình thành các chất độc hại cho cơ thể người tiêu dùng. Đầu tiên phải kể tới việc dùng dầu thực vật dạng rắn với ưu điểm không dễ bị biến chất trong quá trình chiên nên không gây chất có ảnh hưởng đến sức khỏe. Loại dầu này có nguồn gốc từ dầu cọ, sản xuất bằng phương pháp làm lạnh tự nhiên. Cùng với đó là việc kiểm soát nhiệt độ chiên ổn định và rút ngắn thời gian chiên. Đơn cử như tại Acecook Việt Nam, dầu chiên được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước có áp suất cao tới khoảng 9 bar và nhiệt độ của hơi nước đạt đến khoảng 180℃, nhờ đó dầu được đun nóng đến khoảng 160℃ - 165℃ trước khi đưa vào hệ thống chảo kín để chiên mì. Hệ thống cấp hơi nước bão hòa hoàn toàn được điều khiển tự động đảm bảo nhiệt độ của dầu trong chảo luôn ổn định ở mức khoảng 160℃ - 165℃. Nhờ duy trì nhiệt độ vừa phải, ổn định nên không xuất hiện quá trình Acrolein (hình thành do sự phân hủy của glycerin ở nhiệt độ trên 180℃), một trong những nguyên nhân gây ung thư trong quá trình chiên thực phẩm.
Không những thế, trong quá trình chiên, mỗi lượt mì đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút và làm hao hụt một lượng dầu nhất định. Do đó, dầu mới sẽ được bổ sung một cách đều đặn, liên tục thông qua hệ thống định lượng tự động, không để xảy ra tình trạng tái sử dụng dầu cũ. Đồng thời, dầu luôn được kiểm soát chỉ số oxy hóa theo TCVN và Codex để đảm bảo nằm trong giới hạn chất lượng cho phép (≤ 2mg KOH/gram dầu).
Thay vì lo lắng trước những tin đồn thiếu căn cứ, chuyên gia cũng khuyên người tiêu dùng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động hợp lý. Khi ăn mì tôm nên bổ sung thêm rau xanh (rau muống, cải xanh, xà lách xoong, nấm rơm, rau thơm…); hải sản (tôm, mực, cua…); thịt (heo, bò, gà); cá, trứng… để tô mì thêm giàu dinh dưỡng và ngon miệng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()