Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:46 (GMT +7)
Ẩn họa ô tô chạy "rùa bò" trên cao tốc
Thứ 7, 11/06/2022 | 10:52:26 [GMT +7] A A
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ chỉ có quy định tốc độ tối đa, tối thiểu chứ chưa có quy định về tốc độ trên từng làn của đường cao tốc.
Vì vậy, rất nhiều tài xế ô tô di chuyển trên cao tốc với tốc độ rất chậm nhưng vẫn vô tư lưu thông vào làn bên trái (làn ngoài, dành cho xe chạy nhanh), nguy cơ mất ATGT và gây TNGT rất cao.
Xe đi chậm “nghênh ngang” trên làn xe đi nhanh
Khoảng 14h ngày 29/5, anh Phạm Tình (trú tại Hà Nội) điều khiển xe bán tải Mitsubishi Triton lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về Nam Định, với tốc độ 90km/h ở làn bên trái.
Bất ngờ, anh phát hiện một xe cùng chiều di chuyển với tốc độ thấp hơn (khoảng 70km/h) ở trước mặt.
“Do trời mưa nên tầm nhìn bị hạn chế, tôi bị bất ngờ nên phải chuyển làn đột ngột, xém chút thì lạc tay lái gây tai nạn. Theo biển chỉ dẫn trên cao tốc này, xe đi tốc độ từ 60-80km/h phải đi vào làn phía bên phải, tốc độ từ 80-100km/h sẽ đi vào làn bên trái, nhưng không hiểu sao rất nhiều người vẫn không chấp hành”, anh Tình bức xúc.
Cũng như anh Tình, anh Phạm Trường (tài xế taxi, trú tại Nam Định) không ít lần phải chuyển làn đột ngột, thậm chí phanh gấp khi chở khách di chuyển trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai do xe phía trước đi với tốc độ thấp nhưng lại lưu thông bên làn trái.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho biết, việc các xe chạy chậm (đặc biệt các xe tải, xe khách) đi vào làn dành cho xe đi nhanh buộc các xe chạy nhanh phải chuyển làn đột ngột.
Đây thường là nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT trên đường cao tốc.
Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, tình trạng xe đi chậm đi vào làn bên trái dành cho xe đi nhanh trên cao tốc không chỉ thể hiện ý thức tham gia giao thông chưa văn minh, mà còn khiến nhiều xe khác mất nhiều thời gian hơn dự kiến khi lựa chọn cao tốc.
Cần quy định tốc độ riêng cho từng làn?
TS. Vũ Anh Tuấn cho biết, hiện không phải tất cả mà chỉ một số tuyến và đoạn tuyến cao tốc tại Việt Nam mới có biển giới hạn tốc độ theo làn.
Vì thế, cần quy định tốc độ tối đa và tối thiểu trên mỗi làn đường ở tất cả các tuyến cao tốc, đi kèm biển báo màu xanh in hình các phương tiện được phép lưu thông phía trên mỗi làn.
“Ví dụ, tại làn dành cho xe đi chậm gắn thêm biển in hình xe tải và xe con, tức là cả xe tải và xe con đều sử dụng được làn này), trong khi làn cho xe đi nhanh gắn biển chỉ in hình xe con, kèm chú dẫn xe tải không được phép di chuyển vào”, TS. Tuấn giải thích.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cũng cho rằng, cần quy định tốc độ tối thiểu và tối đa trên các tuyến cao tốc cũng như việc chia tốc độ theo làn đường dành cho xe đi nhanh và xe đi chậm để đảm bảo ATGT trên tuyến.
“Khi quy định tốc độ theo làn đường, phương tiện nào không tuân thủ, cần thông qua việc giám sát bằng các thiết bị theo dõi trên cao tốc để phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm”, TS. Đức đề xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị viên Mạng xã hội giao thông OTO+ cho biết, hiện nay, một số các tuyến cao tốc đã bổ sung thêm quy định về tốc độ theo làn đường nhưng chưa đồng bộ, thậm chí quy định tốc độ tối đa trên từng tuyến cao tốc cũng có sự khác biệt để phù hợp với thiết kế hạ tầng từng tuyến.
Cụ thể, tại tuyến Hà Nội - Hải Phòng tốc độ tối đa 120km/h trong khi trên các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tốc độ này là 100km/h, trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai còn quy định tốc độ tối đa ở từng đoạn tuyến khác nhau, có đoạn tốc độ tối đa 100km/h, đoạn khác tối đa chỉ 80km/h.
“Tại nước ngoài có luật riêng dành cho các tuyến cao tốc do đây là đường dành cho các phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Cần luật hoá đồng bộ tốc độ tối thiểu và tối đa dành cho các phương tiện lưu thông trên tất cả các tuyến cao tốc tại Việt Nam”, ông Thắng góp ý.
Đồng tình, song TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cũng cho rằng, cần có thêm nhiều nghiên cứu vì mức độ ảnh hưởng của bất cứ điều chỉnh nào trên các tuyến đều có thể dẫn đến những vấn đề mới phát sinh.
Theo TS. Hiếu, vấn đề mất an toàn trên cao tốc hiện nay nổi cộm nhất là ý thức tham gia giao thông của chủ các phương tiện chưa cao.
Do đó, cùng với việc tuyên truyền, cung cấp thông tin để nâng cao ý thức, cần phải xử lý nghiêm vi phạm quy định tốc độ tối thiểu trên cao tốc để hạn chế việc các phương tiện di chuyển tốc độ chậm, gây cản trở quá trình lưu thông của các phương tiện khác.
Luật sư Đào Thị Liên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, các phương tiện đi với tốc độ thấp trên cao tốc sẽ làm mất đi tác dụng của loại đường này. Do đó, cần tăng nặng mức phạt phương tiện đi trên cao tốc nhưng không đạt tốc độ tối thiểu để tăng tính răn đe.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()