Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:26 (GMT +7)
Ăn giặm sớm hay muộn thì tốt cho trẻ?
Thứ 3, 21/11/2023 | 23:29:01 [GMT +7] A A
Nhiều người quan niệm cho trẻ ăn giặm sớm để đủ chất, cứng cáp, nhưng không ít người lại cho ăn giặm muộn vì sữa mẹ tốt. Vậy thực hư vấn đề này ra sao? Thời điểm nào trẻ ăn giặm là phù hợp nhất?
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết ăn giặm là ăn bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời điểm thích hợp cho trẻ ăn giặm là tròn 6 tháng tuổi.
Cũng có nhiều người quan niệm cho ăn bổ sung sớm trẻ sẽ cứng cáp hơn và không bị đói. Vì vậy, nhiều bé đã được cho ăn bổ sung từ tháng thứ 4, thứ 5, thậm chí từ tháng tuổi thứ 3.
Ngược lại, quan niệm nuôi con của các mẹ hiện đại là sữa mẹ tăng sức đề kháng, tốt cho sự phát triển của trẻ nên trẻ bú càng lâu càng tốt nên kéo dài thời gian cho trẻ ăn giặm tới 8-9 tháng tuổi.
Tuy nhiên, cả hai quan niệm này đều hoàn toàn sai về khoa học. Thực tế, cho ăn sớm và muộn đều ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.
Ăn giặm sớm dễ gây viêm loét và đau bụng khi trưởng thành
Bác sĩ Phúc phân tích việc ăn giặm sớm không liên quan tới cứng hay yếu, biết đi nhanh hay chậm, mà hoàn toàn do gien di truyền, thể chất của cháu nhỏ, thai đủ hay thiếu tháng và chế độ dinh dưỡng. Việc ăn giặm sớm còn gây ra nhiều phiền toái cho đứa trẻ mai sau này.
Bởi vào tháng thứ 3-4, cháu nhỏ đang phát triển biểu mô đường tiêu hóa. Chưa thể đủ chức năng để hấp thu những thực phẩm cứng và thô như bột và rau. Khả năng tiết men tiêu hóa của tụy và gan (2 cơ quan tiết dịch tiêu hóa lớn nhất) còn rất thấp, chưa đủ khả năng để tiêu hóa các thực phẩm trong chế độ ăn giặm. Bé sẽ bị tiêu chảy và sống phân.
Mặt khác, trẻ chưa mọc răng, phản xạ nhai và tiết nước bọt khi nhai chưa xuất hiện. Do đó, việc thích nghi với nhai là vô nghĩa. Thêm vào đó, thực phẩm cứng có thể làm xước bề mặt dạ dày non nớt. Bé có thể sẽ bị viêm loét và đau bụng trường diễn lúc trưởng thành.
Phản xạ nhai không có, phản xạ nuốt chưa điều hòa, nước bọt tiết chưa nhiều, đây là những vấn đề cản trở hoạt động đưa thực phẩm vào dạ dày. Sẽ rất nguy hiểm nếu như bột của chế độ ăn giặm đi nhầm vào đường thở và gây sặc.
Ăn giặm muộn nguy cơ thiếu chất
Việc cố kéo dài thời gian cho bú đơn thuần và trì hoãn việc cho ăn giặm cũng không tốt cho trẻ em. Vì ngoài thời gian 6 tháng, đứa trẻ có sự phát triển vượt bậc về thể chất và các cơ quan. Các biến đổi này bao gồm: não bộ to ra, chân tay to ra, cơ thêm dày và dài, xương bắt đầu cứng, gan, lách, thận bắt đầu hoàn chỉnh.
Để tham gia vào các hoạt động này, bé phải được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Một mình sữa mẹ sẽ không đáp ứng đủ hết tất cả các nhu cầu cho bé.
Mặt khác, thời điểm này cũng là thời điểm hệ tiêu hóa của bé bắt đầu có sự đòi hỏi về cảm giác thể tích. Bé sẽ rất nhanh đói nếu chỉ bú mẹ đơn thuần. Do đó, bé ngủ sẽ không sâu, chơi sẽ không lâu, hay thức giấc đi tìm vú mẹ.
Ngoài thời gian 6 tháng, cơ thể người mẹ cũng có sự biến đổi hormon theo hướng giảm chất lượng sữa. Hormon tiết sữa có tên là prolactin sẽ giảm dần và thế chỗ vào đó là các hormon sinh dục thiếu nữ như estrogen.
Người mẹ hoàn toàn có thể mang thai đứa thứ 2 vào thời điểm này. Sự ít đi về thể tích và kém đi về chất lượng sữa đã làm sữa mẹ đơn thuần không còn đủ tốt cho bé. Do vậy, nếu trì hoãn việc ăn giặm ra tận tháng 8-9 thì thực không tốt cho sức khỏe trẻ em.
Tùy trẻ để tính cách ăn giặm hợp lý
Theo bác sĩ Cao Hồng Phúc, ăn giặm là rất cần thiết và bắt buộc cho sức khỏe trẻ em. Nó vừa cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đứa trẻ, lại giúp bé tập làm quen dần với thức ăn cứng và lợn cợn hơn sữa mẹ.
Thời điểm ăn giặm đúng nhất và khoa học nhất là tháng thứ 6 của năm đầu tiên. Ngay khi em bé đã có nhú răng sữa đầu tiên ở vị trí hai răng cửa, bạn đã có thể tiến hành cho bé ăn giặm. Đó là dấu hiệu nói lên sự đáp ứng của hệ tiêu hóa với chế độ ăn giặm.
Bạn yên tâm là lúc này bé sẽ không bị sặc, bé sẽ không bị đau bụng và sống phân nữa. Một số bé mọc răng sớm hơn thời điểm 6 tháng thì có thể tiến hành sớm hơn 1 tháng. Nhưng dù thế nào thì cũng không tiến hành chế độ ăn giặm dưới 4 tháng tuổi.
Có một số em bé mọc răng chậm hơn, cơ thể yếu hơn thì bạn có thể trì hoãn. Có thể kéo dài đến tháng thứ 7 mới cho ăn giặm. Nhưng tuyệt đối không trì hoãn việc ăn giặm đến sau 9 tháng tuổi. Khi tiến hành chế độ ăn giặm, bạn vẫn cho bé bú như bình thường.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()