Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:35 (GMT +7)
Ấn Độ và Trung Quốc cấm cửa phóng viên để trả đũa lẫn nhau
Thứ 6, 09/06/2023 | 14:59:19 [GMT +7] A A
Ấn Độ và Trung Quốc đang hạn chế tối đa số lượng phóng viên, nhà báo được cấp phép của đối phương có mặt trên đất nước mình.
Theo kênh CNN, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ đang rạn nứt giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngày 9/6, New Delhi đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc tạo điều kiện lưu trú dài hạn cho các nhà báo Ấn Độ làm việc và đưa tin tại nước này, đồng thời cho biết hai bên vẫn giữ liên lạc về vấn đề trên.
Theo một nguồn tin trong giới truyền thông Ấn Độ tiết lộ, năm nay, ba trong số bốn phóng viên làm việc tại các ấn phẩm lớn của Ấn Độ có trụ sở tại Trung Quốc đã bị Bắc Kinh thu hồi giấy ủy nhiệm.
Trong khi đó, tuần trước, Bắc Kinh cho biết họ chỉ còn một phóng viên ở Ấn Độ, với cáo buộc New Delhi đối xử bất công và không gia hạn thị thực cho các phóng viên của họ.
“Phía Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết.
Sự việc là điểm nóng mới nhất trong mối quan hệ rạn nứt giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này. Việc cắt giảm số lượng nhà báo có khả năng làm xói mòn hơn nữa mối quan hệ song phương.
Căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn gia tăng sau khi vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài bùng phát thành đụng độ chết người ở Aksai Chin-Ladakh vào năm 2020.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/6 đã từ chối bình luận về số lượng nhà báo Trung Quốc ở nước này. Ông Arindam Bagchi khẳng định: “Tất cả các nhà báo nước ngoài, trong đó có cả các nhà báo Trung Quốc, đã theo đuổi các hoạt động tác nghiệp ở Ấn Độ mà không gặp bất kỳ hạn chế hay khó khăn nào trong việc đưa tin”.
Ông Bagchi cũng không xác nhận về việc có phóng viên Ấn Độ nào bị mất giấy phép hoạt động ở Trung Quốc hay không, nhưng cho biết họ gặp khó khăn khi hành nghề ở quốc gia này.
Báo The Hindu hồi tháng 4 đăng một bài báo nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã quyết định “đóng băng” thị thực của phóng viên Ananth Krishnan và Anshuman Mishra của đài truyền hình công cộng Ấn Độ Prasar Barahti.
Trả lời tại thời điểm đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang đáp trả việc đối xử không công bằng đối với các phóng viên của họ gần đây, sau khi New Delhi yêu cầu phóng viên Tân Hoa Xã về nước vào tháng 3. Trước đó, năm 2021, một phóng viên của kênh CGTN cũng bị yêu cầu về nước dù có thị thực hợp lệ.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà báo bị vướng vào những vụ tranh cãi về địa chính trị trong thời gian gần đây.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã thực hiện một “cuộc đàn áp chính trị” vào năm 2020 sau khi Washington cắt giảm số lượng công dân Trung Quốc được phép làm việc trong các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ.
Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách trục xuất phóng viên tại một số tờ báo lớn của Mỹ. Cả hai bên cũng áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các tổ chức truyền thông của nhau. Số lượng phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc đã giảm dần trong những năm gần đây.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()