Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:15 (GMT +7)
Ấn Độ tiếp tục mua dầu Nga bất chấp lệnh trừng phạt của EU
Chủ nhật, 04/12/2022 | 22:01:01 [GMT +7] A A
Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga ngay cả sau khi lệnh cấm vận và trần giá của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 5/12.
Trang Oilprice.com dẫn tuyên bố của một quan chức Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết quốc gia này sẽ tiếp tục mua bất kỳ loại nhiên liệu nào cần thiết đối với nền kinh tế của nước này.
Quan chức trên nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng dầu mỏ của Nga - cụ thể là đối với các dịch vụ vận chuyển và chí phí bảo hiểm - do phương Tây áp đặt sẽ không áp dụng đối với Ấn Độ. Bởi lẽ, New Delhi không có ý định sử dụng các dịch vụ của phương Tây để vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển vào nước này.
Sau khi Ba Lan cuối cùng cũng đồng ý tham gia áp đặt mức giá trần, EU đã nhất trí hạn chế giá dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng - cao hơn mức giá mà dầu Ural của Nga đang giao dịch hiện nay. Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ dừng giao hàng đến bất kỳ quốc gia nào áp dụng mức trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của nước này.
Đáng lưu ý, chính sách giới hạn giá dầu của EU chỉ áp dụng cho các quốc gia sử dụng tàu và các công ty bảo hiểm phương Tây để vận chuyển dầu qua đường biển. Điều đó có nghĩa là nó sẽ không có hiệu quả đối với Ấn Độ.
Mức trần giá 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất và lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. Sau đó, một lệnh cấm vận quy mô lớn hơn đối với các sản phẩm dầu thô của Nga sẽ được áp dụng từ tháng 2/2023.
Giới phân tích đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về cách thức trần giá dầu và lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Việc Ấn Độ và có thể cả Trung Quốc tiếp tục mua dầu thô của Nga mà không cần sử dụng các dịch vụ phương Tây chắc chắn sẽ làm giảm tác dụng của các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, những người trong ngành cũng lưu ý rằng chỉ có một số lượng hạn chế các tàu và công ty bảo hiểm không thuộc phương Tây có thể đưa dầu của Nga ra thị trường.
Tuần trước, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mua dầu thô từ Nga với mức chiết khấu lớn 33,28 USD so với dầu Brent, có nghĩa là họ đã mua được giá rất hời so với mức giá trần.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()