"Đồng thuận là khi mọi thành viên đều nhất trí với cấu trúc của tuyên bố chung. Chúng tôi đang cố gắng để tất cả các bên tham gia, gồm cả Nga, G7 và Trung Quốc, đều hài lòng vì quan điểm của họ được đề cập", một quan chức Ấn Độ nói ngày 7/9.
Các quan chức Ấn Độ cho rằng dù tuyên bố chung của G20 có lên án những khổ đau mà chiến dịch của Nga gây ra ở Ukraine, tài liệu này cũng cần phản ánh quan điểm của Moskva và Bắc Kinh rằng đây không phải là một diễn đàn địa chính trị.
Các nước phương Tây muốn tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người thay Tổng thống Vladimir Putin dự sự kiện, cho biết Moskva sẽ chặn tuyên bố chung nếu nó không phản ánh lập trường của nước này về vấn đề Ukraine.
Dự thảo tuyên bố chung đã được nhóm đại diện các quốc gia G20 trao đổi trong bốn ngày trước khi lãnh đạo các nước bắt đầu thảo luận vào ngày 9/9.
Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách sử dụng vai trò chủ nhà của Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra ngày 9-10/9, để chứng tỏ khả năng tạo dựng sự thống nhất của New Delhi trong các vấn đề lớn toàn cầu.
Nếu hội nghị sắp tới không thể đưa ra tuyên bố chung, đây sẽ là lần đầu tiên G20 gặp phải điều này và có thể làm dấy lên hoài nghi về năng lực và ảnh hưởng của nhóm.
"Nó chắc chắn dẫn tới cuộc khủng hoảng tín nhiệm đối với nhóm G20", Creon Butler, giám đốc Chương trình Kinh tế và Tài chính Toàn cầu tại tổ chức Chatham House ở London, nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali, Indonesia năm ngoái, các lãnh đạo đã cố gắng đưa ra tuyên bố chung vào phút chót sau những tranh luận gay gắt về xung đột Ukraine.
Chuyên gia Butler dự đoán hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi sẽ đối mặt nhiều khúc mắc và khó khăn, song các nước cuối cùng vẫn sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung, vì G20 là mối liên kết quan trọng giữa nhóm quốc gia giàu có G7 và các nước đang phát triển.
Ý kiến ()