Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:46 (GMT +7)
Ấn Độ có thể sớm đối diện với làn sóng dịch mới, COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc trước kỳ nghỉ lễ lớn
Thứ 2, 20/09/2021 | 08:24:39 [GMT +7] A A
Đến sáng 20/9, thế giới có trên 229,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,7 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 42,89 triệu ca mắc và hơn 691.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 26.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ thông báo sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9 tới, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra tham vọng lớn hơn về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có kế hoạch mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 để hỗ trợ các nước, và tại hội nghị có thể sẽ hối thúc các nước khác cũng làm điều tương tự.
Tại Mỹ, vào thời điểm này, hầu hết các trường đã đón học sinh tới học trực tiếp tại lớp trong năm học mới. Tuy nhiên, hậu quả của việc học trực tuyến trong thời gian dài là nay tỷ lệ trẻ béo phì tại Mỹ đã tăng mạnh. Đây là vấn đề nóng đang được nhiều báo chí tại Mỹ nhắc đến.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/9, nước này ghi nhận hơn 30.800 ca mắc mới COVID-19 và 296 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 445.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các bang cần chuẩn bị cho tình huống gia tăng các ca nhiễm trong dịp lễ hội sắp tới. Theo đó, các bang cần tiến hành phân tích sâu về tình hình COVID-19, củng cố cơ sở hạ tầng y tế, gia tăng dự trữ thuốc men thiết yếu và tăng cường nguồn nhân lực.
Về mùa lễ hội sắp đến, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, các bang được chỉ đạo đảm bảo và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh tụ tập đông người và có quá nhiều người trong không gian kín. Bộ Y tế Ấn Độ cũng hướng dẫn các bang theo dõi chặt chẽ tình hình số ca bệnh ở các huyện hàng ngày để xác định những tín hiệu cảnh báo sớm và đảm bảo áp dụng biện pháp hạn chế nếu cần thiết. Các chuyên gia cảnh báo, Ấn độ có thể sớm phải đối diện với làn sóng dịch mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 150.100 ca mắc COVID-19 mới và hơn 900 trường hợp tử vong. Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 590.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Các bang và vùng lãnh thổ của Australia đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phòng COVID-19 cho người dân. Mục tiêu là để từng bước chuyển từ mục tiêu loại bỏ COVID-19 sang chiến lược sống chung với dịch bệnh này.
Thủ hiến bang Victoria tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài suốt nhiều tuần qua tại bang này khi 70% cư dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine, dù có hay không có thêm ca bệnh mới. Hiện đã có khoảng 43% người dân bang Victoria đã được tiêm đủ liều. Và mục tiêu này có thể đạt được vào khoảng ngày 26/10. Bang New South Wales cũng áp dụng kế hoạch tương tự và hiện đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế đối với việc tụ tập đông người.
Cho đến nay, khoảng 52% cư dân bang New South Wales đã được tiêm chủng. Cũng theo kế hoạch, Australia sẽ từng bước mở cửa lại biên giới quốc tế khi 80% dân số được tiêm đủ liều COVID-19. Tới nay, nước này đã ghi nhận hơn 85.600 ca mắc, trong đó có 1.162 trường hợp tử vong.
Tại nước láng giềng New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern dự kiến sẽ công bố quyết định về việc điều chỉnh cấp độ cảnh báo đối với Auckand và khu vực còn lại của đất nước trong ngày 20/9. Hiện Auckland vẫn đang được áp đặt lệnh phong tỏa ở cấp độ cảnh báo 4 cho đến nửa đêm 21/9.
Ngày 19/9, New Zealand ghi nhận thêm 22 ca mắc mới COVID-19. Hiện quốc gia châu Đại dương này có hơn 4.000 ca mắc, trong đó có 27 bệnh nhân thiệt mạng.
Ngày 19/9, Iran đã mở cửa trở lại các bảo tàng sau hơn 14 tháng đóng cửa vì dịch bệnh. Du khách có thể thăm quan các bảo tàng với việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, trong đó có giới hạn lượng khách trong cùng một thời điểm. Iran là một trong các quốc gia có lịch sử lâu đời, có hơn 700 bảo tàng. Trước khi đóng cửa vào tháng 5/2020, các bảo tàng trên khắp Iran đã thu hút hơn 21 triệu khách vào năm 2019. Sau khi mở cửa bảo tàng, giới chức Iran hy vọng có thể mở cửa lại trường học trong thời gian tới.
Trong 24 giờ qua, Singapore đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới tại nước này gia tăng sau một thời gian áp dụng chính sách mở cửa. Tuy nhiên, trong 28 ngày qua, tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ tại Singapore chiếm tới 98,1%.
Bộ Y tế nước này khẳng định, tỷ lệ tiêm chủng cao của Singapore đã ngăn ngừa được nhiều trường hợp bệnh nặng. Tuy nhiên, Bộ Y tế Singapore lưu ý rằng, một số bệnh viện công đang chứng kiến sự gia tăng những người có các triệu chứng nhẹ, đồng thời kêu gọi người có các triệu chứng nhẹ nên đến những phòng khám đa khoa thay vì các bệnh viện để nhường chỗ cho người thực sự cần sự chăm sóc khẩn cấp. Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh, dù làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay tại nước này không phải là điều bất ngờ nhưng người dân vẫn cần tiếp tục duy trì cảnh giác.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho những nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để nâng cao sự bảo vệ của hệ miễn dịch. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 19/9, Thủ tướng Ismail nhấn mạnh, việc triển khai mũi tiêm tăng cường cho các nhóm có nguy cơ cao như có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và người cao tuổi sẽ được triển khai sau khi tỷ lệ tiêm chủng quốc gia đạt 80% nhóm người trưởng thành. Theo dự kiến, hoạt động này có thể được triển khai từ đầu tháng 10 tới. Đến nay, Malaysia đã tiêm cho hơn 78% người trưởng thành. Còn theo tổng dân số, nước này đã tiêm cho hơn 67% người dân.
Hiện Malaysia ghi nhận tổng số người nhiễm COVID-19 lên hơn 2 triệu trường hợp. Với thêm 324 ca tử vong, tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 ở nước này hiện là hơn 23.000 bệnh nhân.
Lào đã áp dụng biện pháp phong tỏa cục bộ 4 quận nội thành và một phần của 3 quận khác từ 0h ngày 19/9. Quyết định được đưa ra sau khi trong những ngày gần đây, số ca nhiễm cộng đồng ở thủ đô Vientiane tăng mạnh, được cho là do người dân không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của Chính phủ.
Quyết định phong tỏa 4 quận nội thành và một phần của 3 quận khác ở thủ đô Vientiane được đưa ra sau khi Bộ Y tế Lào ngày 18/9 ghi nhận chuỗi lây nhiễm lớn ở một nhà máy may mặc trên địa bàn với 247 ca, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở thủ đô Vientiane từ đầu dịch lên hơn 3.000 người. Theo đó, từ ngày 19/9 đến hết ngày 30/9, việc đi lại ở các vùng phong tỏa hoàn toàn bị cấm, trừ trường hợp được cấp phép. Các nhà máy ở khu vực bị phong tỏa cũng phải đóng cửa, trừ nhà máy được xác nhận là đủ điều kiện hoạt động.
Trong khi đó, Vientiane sẽ trưng dụng lại một số trường học để làm nơi cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh việc phong tỏa, mức phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng sẽ bị tăng rất nặng, có thể lên đến 10 triệu Kip (khoảng 24 triệu đồng Việt Nam) hoặc đối mặt với biện pháp truy tố.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống một làn sóng lây nhiễm mới có thể xuất hiện, thủ đô Vientiane cũng lên kế hoạch mở thêm bệnh viện dã chiến và các điểm xét nghiệm lưu động. Hiện thủ đô Vientiane cũng đang áp dụng lệnh giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Bộ Y tế Lào ngày 19/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 371 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 303 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số người nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 19.185 ca, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, thủ đô Vientiane tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất cả nước với 225 ca; trong đó, ổ dịch tại một nhà máy may mặc trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp khi ghi nhận 179 trường hợp mắc COVID-19 trong một ngày.
Ổ dịch mới tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vẫn phức tạp. Ngày 19/9, thành phố Hạ Môn có thêm 39 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 28 ca nhiễm biến thể Delta. Hiện chính quyền địa phương đang đẩy nhanh các hoạt động kiểm soát. Hiện tại, chính quyền thành phố đang đang tăng cường xét nghiệm diện rộng với người dân. Đợt xét nghiệm lần 3 dự kiến hoàn tất trong 20/9.
Thành phố đã đưa vào hoạt động 6 phòng xét nghiệm cabin để tăng nhanh khả năng xét nghiệm lên mức 800.000 mẫu mỗi ngày. Xét nghiệm diện rộng được coi là một trong các biện pháp quan trọng, giúp Trung Quốc kiểm soát nhanh, hiệu quả các ổ dịch.
Chính quyền thành phố Hạ Môn ngày 19/9 đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết trong 3 ngày Tết Trung thu sắp tới. Chính quyền thành phố cũng lệnh đóng cửa các công viên, điểm du lịch và nơi tổ chức thi đấu thể thao, đồng thời tạm dừng các hoạt động đông người, bao gồm tour du lịch, hội chợ và biểu diễn. Những biện pháp trên được công bố vào ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày nhân dịp Tết Trung thu, mùa du lịch cao điểm khắp Trung Quốc. Du khách cũng không được phép vào các khu dân cư ở Hạ Môn nếu không có sự chấp thuận.
Các phương tiện giao thông không thiết yếu bị cấm ra vào các khu dân cư. Hoạt động ăn uống tại nhà hàng, quán cà phê và những địa điểm khác bị cấm. Kể từ ngày 10/9, tỉnh Phúc Kiến đã ghi nhận 292 ca nhiễm trong cộng đồng. Dịch bùng phát ngay trước kỳ nghỉ lễ lớn là Tết Trung thu và Quốc khánh.
Ngày 19/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 66 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/9, trong đó có 43 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 23 người nhập cảnh. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục là 95.689 ca, trong đó 4.636 người đã tử vong và 90.126 bệnh nhân đã bình phục.
Bộ Y tế Nhật Bản sẽ cho phép các bác sĩ thực hiện phương pháp điều trị bằng hỗn hợp thuốc kháng thể cho bệnh nhân COVID-19 đang cách ly tại nhà sau khi tính an toàn của phương pháp này được xác nhận. Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân được tiêm đồng thời hai loại thuốc qua đường tĩnh mạch để ức chế virus SARS-CoV-2. Việc điều trị bằng phương pháp này ban đầu chủ yếu dành cho các bệnh nhân đã nhập viện. Đến nay, Bộ Y tế Nhật Bản quyết định mở rộng điều trị cho bệnh nhân trên toàn quốc bằng phương pháp trên với điều kiện, các bác sĩ phải theo dõi tình trạng của bệnh nhân trong 24 giờ sau khi dùng thuốc.
Bộ này cũng cho biết sẽ kiểm tra xem các cơ sở y tế chịu trách nhiệm có sẵn hệ thống giám sát bệnh nhân cách ly tại nhà, cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh hay không. Osaka sẽ là địa phương đầu tiên tại nước này áp dụng phương pháp điều trị "hỗn hợp kháng thể" cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()