Lễ biên chế tàu ngầm hạt nhân INS Arighat diễn ra ngày 29/8 tại Trung tâm Đóng tàu (SBC) ở Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh.
Buổi lễ diễn ra tương đối kín đáo và phù hợp với tính bí mật của chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo mà Ấn Độ đang triển khai.
Arighat, nghĩa là "người hủy diệt kẻ thù" trong tiếng Hindi, mang số hiệu S3 và là chiến hạm thứ hai trong lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Arihant. Chiến hạm đầu tiên của lớp này là Arihant, có chiều dài 111 m, lượng giãn nước 6.000 tấn khi nổi và được biên chế tháng 8/2016.
Arighat được hạ thủy năm 2017, trải qua nhiều đợt thử nghiệm trên biển và dường như được chứng nhận sẵn sàng phục vụ vào đầu tháng 8. Arighat có một số cải tiến so với chiến hạm đầu tiên cùng lớp, song Ấn Độ chưa công bố chi tiết những thay đổi này.
Hai chiến hạm dùng cùng hệ thống đẩy gồm lò phản ứng nội địa công suất 83 MW, có thể đạt tốc độ 22-28 km/ khi nổi và 44 km/h khi lặn.
"Arighat có cùng kích thước, chiều dài và lượng giãn nước so với Arihant, nhưng tàu ngầm mới có thể mang nhiều tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika hơn", một nguồn tin của Times of India cho biết. "Tàu ngầm mới cũng có năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng tàng hình cao hơn nhiều so với chiến hạm trước".
Một số bên cho rằng Arihant và Arighat có 4 ống phóng chứa 12 tên lửa K-15 với tầm bắn 750-1000 km, có thể mang đầu đạn thường hoặc hạt nhân nặng một tấn. Arighat dường như có thể mang nhiều tên lửa K-15 hơn với một số thay đổi đáng kể về thiết kế. Chiến hạm cũng có thể mang các loại tên lửa khác.
K-15 được nhận định là mẫu chuyển tiếp, với vai trò chính là tăng kinh nghiệm của hải quân Ấn Độ trong vận hành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ấn Độ đang phát triển tên lửa K-4, dường như sẽ trang bị cho tàu ngầm Arighat. K-4 có tầm bắn lên tới 4.000 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân chiến lược nặng 2,5 tấn.
Chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo cho thấy Ấn Độ đang ưu tiên năng lực răn đe hạt nhân trên biển, sau nhiều năm tập trung vào vũ khí hạt nhân phóng từ bệ mặt đất và máy bay.
Lực lượng răn đe hạt nhân với tàu ngầm có khả năng sống sót cao nhất trong bộ ba hạt nhân chiến lược, đồng thời phù hợp với chính sách "không tấn công hạt nhân trước" của Ấn Độ. Theo đó, Ấn Độ cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị tấn công bằng loại vũ khí này.
Ý kiến ()