Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:56 (GMT +7)
Ấn Độ bày tỏ không muốn tham gia 'NATO châu Á'
Thứ 4, 02/10/2024 | 16:59:32 [GMT +7] A A
Ấn Độ không có chung tầm nhìn về một "NATO châu Á" do tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đề xuất.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đưa ra tuyên bố trên vào ngày 1/10.
Ngoại trưởng Jaishakar phát biểu tại một sự kiện của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, nhấn mạnh rằng Ấn Độ chưa bao giờ là đồng minh hiệp ước của một quốc gia khác. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: "Chúng tôi không nghĩ đến kiểu kiến trúc chiến lược đó”.
Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba làm Thủ tướng thứ 102 của nước này. Cùng ngày, ông Ishiba cho biết sẽ tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với những quốc gia thân thiện để chống lại các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất mà đất nước ông phải đối mặt kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ông Ishiba đã gợi ý thành lập “NATO châu Á”, để quân đội Nhật Bản đồn trú trên lãnh thổ Mỹ và thậm chí là chia sẻ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Washington như một biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ ý tưởng này. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan năm 2023 từng khẳng định rằng Washington không muốn thành lập một NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương - ông Daniel Kritenbrink gần đây nói rằng còn quá sớm để bàn luận về điều đó.
Ông Ishiba vẫn nhấn mạnh ý tưởng của mình vào ngày 27/9, khi phát biểu tại một cuộc họp báo rằng "sự suy giảm tương đối về sức mạnh của Mỹ" khiến một tổ chức hiệp ước châu Á trở nên cần thiết.
Ấn Độ và Nhật Bản, cùng với Mỹ và Australia, là một phần của "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD).
Vào ngày 21/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm của ông Ishiba là Fumio Kishida cùng Thủ tướng Australia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh QUAD.
Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo đã công bố bước đi an ninh chung tại vùng biển châu Á trước những thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù QUAD ngày càng chú tâm đến các vấn đề an ninh, Ấn Độ vẫn nhấn mạnh rằng họ không có ý định trở thành một liên minh quân sự.
Trong một diễn biến khác, vào tháng 9 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm tại St. Petersburg (Nga) nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề biên giới còn vướng mắc. Hai bên nhất trí sẽ làm việc "khẩn trương" để chấm dứt hoàn toàn những bất đồng ở khu vực phía Đông Ladakh.
Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp và tuyên bố lãnh thổ chồng lấn dọc theo Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()