Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:56 (GMT +7)
Khát vọng từ Ba Đình nắng
Thứ 4, 01/09/2021 | 07:10:20 [GMT +7] A A
Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình đầy nắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 76 năm đã qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vang vọng non sông, thấm sâu vào trái tim mỗi người dân đất Việt. Mùa thu năm ấy, mùa thu cách mạng đầy hào khí sôi sục và náo nức mãi là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ cổ vũ quân và dân ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Khúc khải hoàn mùa thu lịch sử
Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đang sống trong thời khắc mùa thu tháng 8 và Quốc khánh 2/9 lịch sử vô cùng ý nghĩa. Trở về thời điểm lịch sử 76 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng với cả nước tiến hành các cao trào cách mạng, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh. Đặc biệt, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại ngày 19/8/1945 đã đưa nước Việt Nam lên một vị trí mới, tầm vóc mới. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới...”. Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”. Và bản Tuyên ngôn kết thúc bằng những lời lẽ đanh thép: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
76 năm qua, bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc, trở thành niềm tự hào vô hạn của dân tộc ta, di sản tinh thần vô giá của thời đại Hồ Chí Minh, trở thành động lực - sức mạnh dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững tin đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Phát huy tinh thần ấy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn sát cánh cùng cả nước chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đóng góp công lao của mình vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng vạn con em của Quảng Ninh đã tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc chiến đấu đầy gian khổ và ác liệt ấy, biết bao người con yêu quý của quê hương đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, đó là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thực hiện công cuộc đổi mới, trong hơn 35 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên, tận dụng các tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh thực sự khởi sắc và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Trong giai đoạn 1986-1991, Quảng Ninh đã ổn định cơ bản tình hình kinh tế - xã hội, trước hết là ổn định và phát triển sản xuất than, góp phần ổn định thị trường giá cả, tài chính, tiền tệ; ổn định cung cấp lương thực, thực phẩm để cải thiện một bước đời sống nhân dân. Giai đoạn 1991-1995, kinh tế - xã hội ở tỉnh nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển, tạo được thế phát triển một cách vững chắc; tăng nhanh khả năng tích luỹ và cải thiện đời sống nhân dân. Giai đoạn 1995-2001, trong quá trình CNH-HĐH, tỉnh Quảng Ninh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và du lịch, phát triển và tăng cường nguồn lực kinh tế, đổi mới và hoàn thiện quan hệ sản xuất, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho bước phát triển sau những năm 2000.
Đặc biệt trong 10 năm gần đây, Quảng Ninh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột phá, nhất là sự vận dụng chủ động, sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có chủ trương đường lối hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện rõ qua nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cải cách hành chính, chủ động đề xuất và quyết liệt thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương; xây dựng các quy hoạch để kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng… Nhờ đó, quy mô và tiềm lực kinh tế, chất lượng tăng trưởng của Quảng Ninh được cải thiện rõ rệt.
Xứng đáng là phên dậu vùng Đông Bắc Tổ quốc
Từ một tỉnh nghèo phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, còn lệ thuộc vào sự trợ giúp của Trung ương, đến năm 2004, Quảng Ninh vươn lên thành địa phương tự cân đối và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số thu nội địa cao nhất cả nước; liên tục ở vị trí thứ 5, thứ 6 từ năm 2011 đến nay. Trong đó tốc độ tăng trưởng có bứt tốc mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm. Riêng năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn đạt tăng trưởng hơn 10%, điều tiết ngân sách về trung ương hàng chục nghìn tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700 USD, gấp đôi mức trung bình cả nước.
Ngày nay, Quảng Ninh được bạn bè trong và ngoài nước biết đến không chỉ là trung tâm sản xuất công nghiệp, khai thác sản xuất, chế biến, kinh doanh than, nhiệt điện như trước đây mà là một trong những trung tâm du lịch quốc tế; là tỉnh duy nhất trong cả nước có 4 thành phố và tỷ lệ dân số đô thị đến nay đạt 64%, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Là tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, đi đầu với những mô hình mới đột phá thành công trong cải cách hành chính mà khâu đột phá là trung tâm phục vụ hành chính công thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị toàn tỉnh, tinh giản biên chế nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kiên trì thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", thúc đẩy mô hình đối tác công - tư huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động như: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã mở ra những thời cơ và vận hội mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng và đất nước.
Quảng Ninh còn là nơi đi đầu triển khai thành công chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được Chính phủ nhân rộng ra cả nước. Đồng thời là địa phương điển hình đang thực hiện thành công quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện, liên tục trong nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh trong những năm gần đây với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược cùng những thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế.
Đi đôi với quá trình phát triển kinh tế, trên quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã nêu lên, mà cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần.
Bước vào nhiệm kỳ mới - nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, kéo theo sự suy thoái về kinh tế và khủng hoảng về xã hội, trong bối cảnh đó, cùng với cả nước, quê hương Vùng mỏ của chúng ta cũng đã trải qua những thời điểm rất khó khăn khi phải căng mình đối mặt với nguy cơ đại dịch có thể xâm nhập, bùng phát và lây lan ra cộng đồng bất cứ vào ai, ở đâu, lúc nào. Nhưng với bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao cùng tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của con người Vùng mỏ, cả hệ thống chính trị và người dân Quảng Ninh đã đồng tâm hiệp lực, bình tĩnh chống chọi với đại dịch giữ vững địa bàn an toàn trong trạng thái bình thường mới. Thành công bước đầu trong cuộc chiến này đã lan tỏa niềm tin, tạo động lực để Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành những mục tiêu mới cao hơn.
Chặng đường phía trước mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhưng với niềm tin, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vùng mỏ đang tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân thêm niềm vui trong ngày Độc lập. Đó cũng là cách tỏ lòng tri ân bao thế hệ người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để tạo nên dáng hình đất nước hôm nay.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()