Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:04 (GMT +7)
“Âm vang đồng quê”- bản hòa tấu của rối
Thứ 6, 08/04/2022 | 11:01:04 [GMT +7] A A
“Âm vang đồng quê” là chương trình rối mới vừa được Nhà hát Múa Rối Việt Nam ra mắt. Đó là bản hòa tấu nghệ thuật sinh động kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ rối cạn, rối nước với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Chương trình “Âm vang đồng quê” do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn có kết cấu gọn ghẽ trong gần 60 phút, đưa người xem đến với không gian nghệ thuật vừa sống động duyên dáng, vừa diễm lệ huyền ảo được dệt nên bởi sự gặp gỡ giữa múa rối với âm nhạc, vũ đạo, giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại nhằm tái hiện và tôn vinh những nét văn hóa tiêu biểu nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Người xem được “thưởng lãm” những lễ hội làng truyền thống cùng tiết mục “Trống hội-Hát văn-Hầu đồng”, những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa làng quê “Đánh đu-Chọi gà-Múa rồng”; được mãn nhãn với hình ảnh những chiếc nón quai thao xuất hiện từ trên cạn xuống nước một cách đầy bất ngờ trong tiết mục “Múa nón”, được đắm say với vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam; chứng kiến hoạt động đồng áng thú vị của người nông dân trong những ngày mùa vụ với tiết mục “Ngày mùa-Đánh cáo”...
Hai tầng diễn trên cạn, dưới nước kết hợp kỹ xảo âm thanh, ánh sáng hiện đại, tinh tế cùng nhiều thử nghiệm sáng tạo đã làm nên chiều sâu cho không gian sân khấu mở, góp phần tái hiện sắc màu huyền diệu, lung linh riêng có của nghệ thuật múa rối. Theo dõi “Âm vang đồng quê”, khán giả không chỉ thích thú với tạo hình con rối sinh động, ngộ nghĩnh mà còn bất ngờ với sự xuất hiện của người thật trên sân khấu để diễn và tương tác cùng rối. Tất cả đã góp phần mang đến một bữa tiệc nghệ thuật chinh phục được người xem cả về phần nghe, nhìn và cảm xúc.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đây là chương trình đặc biệt được xây dựng hướng đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Tâm lý du khách khi tham quan một điểm đến không chỉ muốn khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, danh lam thắng cảnh mà còn muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng và đời sống con người nơi đó.
Ấy là lý do trong “Âm vang đồng quê”, bên cạnh ngôn ngữ rối, ê-kíp sáng tạo còn kết hợp nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau như chầu văn, hầu đồng, kịch, múa truyền thống, đương đại... cùng sự xuất hiện của dàn nhạc dân tộc để tái hiện các lễ hội, trò chơi, đời sống nông nghiệp, đời sống tâm linh của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Sự kết hợp khéo léo ấy vừa làm nổi bật nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, vừa góp phần bổ trợ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của nghệ thuật múa rối.
Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam cho hay, chương trình được dàn dựng, biên tập theo hướng nâng cao, làm mới, kết nối lại một số tiết mục đặc sắc của nhà hát đã đạt giải cao tại các liên hoan, hội diễn sân khấu trong nước, quốc tế; kết hợp thêm các hoạt cảnh, tiết mục rối mới như: đánh đu, hầu đồng rối nước, hát văn rối cạn... Tùy theo lịch trình, khả năng sắp xếp thời gian thưởng thức nghệ thuật của các đoàn khách, nhà hát có thể điều chỉnh, kết cấu lại chương trình theo hướng cô đọng hơn với những phiên bản chỉ dài 50, 30 hay 20 phút... Nhà hát cũng đang có những không gian sân khấu được thiết kế theo quy mô khác nhau, phù hợp để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của từng đoàn khách số lượng khác nhau, bảo đảm sự ấm cúng về không gian và chất lượng nghệ thuật.
Tại buổi diễn ra mắt, “Âm vang đồng quê” nhận được đánh giá cao từ nhiều doanh nghiệp lữ hành. Giám đốc Công ty Easy Way Travel Vũ Thị Thanh Hà nhận định: Chương trình đã mang đến ấn tượng mạnh khi thể hiện sự dụng công đầu tư cho con rối, trang phục, âm thanh, ánh sáng... Tuy nhiên, bà Hà cũng lưu ý đây là chương trình không chỉ dành cho khách du lịch trong nước mà còn hướng đến du khách nước ngoài nên nhà hát cần có thêm phần giới thiệu ngắn gọn bằng song ngữ trước buổi diễn để du khách quốc tế có thể cảm nhận đầy đủ, rõ ràng hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam cũng như nét độc đáo của nghệ thuật múa rối.
Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty Real Vietnam Travel Nguyễn Thành Trung cho rằng: Nghệ thuật rối, nhất là múa rối nước lâu nay luôn thu hút khách quốc tế vì sự mới lạ, độc đáo. Nhưng khi xem xong, thường họ chỉ thấy hay, thấy lạ mà không hiểu, vì thế rất cần có hình thức giới thiệu trước tới du khách về chương trình. Bên cạnh đó, nên đưa thêm vào chương trình những yếu tố hài hước phù hợp với từng nhóm khách trong các buổi diễn để gia tăng sự thích thú; đồng thời gắn kết thêm sự tương tác với khán giả trong quá trình diễn. Ông Trung cũng gợi ý Nhà hát Múa Rối Việt Nam nên nghiên cứu để tạo dựng một không gian trải nghiệm rối cho du khách khi đến thưởng thức nghệ thuật tại nhà hát.
Ở đó, du khách có thể nhập vai những nghệ sĩ điều khiển con rối, có thể chụp ảnh cùng rối, mặc thử những trang phục của nhân vật rối hay mua những mô hình rối thu nhỏ, sản phẩm lưu niệm đặc trưng về rối... Cách làm này không chỉ làm sâu sắc hơn những trải nghiệm của du khách mà còn là hình thức quảng bá hiệu quả cho nhà hát cũng như nghệ thuật múa rối Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()