Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:57 (GMT +7)
Ấm áp năm học mới ở vùng cao
Chủ nhật, 27/08/2023 | 10:53:33 [GMT +7] A A
Kề cận năm học mới, thay vì phải “ngược sơn” về bản trên con đường vắt vẻo qua sườn núi hoặc có nguy cơ phải nghỉ học để phụ giúp gia đình thì nay nhiều học sinh đã yên tâm tới trường.
Nâng cánh giấc mơ
Nhắc tới giáo dục vùng cao, biên giới nhiều người vẫn nghĩ về việc thiếu thốn lớp học, thầy cô. Thế nhưng năm học 2023 - 2024, giáo dục ở vùng cao, biên giới Bình Liêu đã có nhiều chuyển biến. Không khí chuẩn bị năm học mới cũng rất sôi động.
Chúng tôi có chuyến khởi hành sớm lên tới điểm Trường Tiểu học Hoành Mô, cách trung tâm Hoành Mô và trường chính chừng 4 - 5km. Để tiện đi lại, tôi mượn chiếc xe máy của các thầy cô ở trường chính Tiểu học Hoành Mô lên điểm trường ở thôn Đồng Cậm. Vượt qua đoạn dốc cao, chiếc xe gằn lên, càng lên cao tai tôi như ù đi.
Tới điểm trường của Tiểu học Hoành Mô, tôi được thầy giáo Nguyễn Xuân Khuyến, chào đón niềm nở. Thầy Khuyến là người gốc Đông Triều, gắn bó với giáo dục Bình Liêu chừng 15 - 20 năm nay. Dù còn 2-3 tuần nữa mới vào năm học mới nhưng ngôi trường đã khá sạch sẽ, khang trang với khu bán trú mới đang được xây dựng. Các thầy cô tất bật dọn dẹp, sửa sang điểm trường. Nếu không có điểm trường bán trú này, các em học sinh ở các thôn bản như: Cao Sơn, Loòng Vài, Bắc Sơn… xa điểm trường từ 5-14km, khó lòng tới trường.
Thầy Khuyến cùng các cô giáo trực tiếp dẫn chúng tôi vào thôn Đồng Cậm thăm hỏi tình hình học tập của học trò. Thôn Đồng Cậm cách trường chừng 4km, đường đi thoáng nhưng khá quanh co, qua hai, ba con dốc. Điểm đến đầu tiên thầy Khuyến dẫn tôi vào thăm là nhà em Lý Hà Thu, dân tộc Tày. Năm nay Thu lên lớp 3. Gia đình em rất nghèo.
“Cả gia đình 4 người nhà cháu đều trông chờ vào công làm thuê của cha và phần diện tích rừng trồng hồi nhỏ của cả gia đình ông nội. Thu nhập hàng năm không đáng là bao, khiến việc học của cháu cũng ít được quan tâm"- Thầy Khuyến chia sẻ.
Tiếp theo, chúng tôi tới thăm em Lý Bảo Ngọc, dân tộc Tày, học sinh lớp 4. Nhà Ngọc nằm trên đỉnh đồi, căn nhà tranh vách đất nhỏ là mái ấm của gia đình 5 người. Bố mẹ em sức khoẻ yếu, các anh cũng bị bệnh bẩm sinh. Gia đình Ngọc thuộc diện đặc biệt khó khăn.
"Thu nhập hàng tháng ít lắm chỉ đủ ăn. Thế nhưng con rất hiếu học. Bảo Ngọc là học sinh giỏi nhiều năm liền. Trẻ nhỏ trên vùng cao tầm tuổi này đã rất được việc rồi. Các con có thể giúp việc nhà, đi làm thêm, nhặt hồi, quế… nên đôi khi việc học cũng không được gia đình coi trọng như ở thành phố”- Cô giáo chủ nhiệm lớp Nông Thị Tần, người sâu sát với hoàn cảnh của học sinh giỏi này kể.
Được biết, nhằm đảo bảo tốt nơi ăn chốn ở, đảm bảo đủ lực lượng giáo viên đứng lớp cho các em trong bối cảnh giáo viên ngành giáo dục đặc biệt vùng cao đang thiếu nhiều, các thầy giáo cô giáo ở nơi đây ngoài việc trau dồi chuyên môn còn luôn chăm lo chỗ ở tại khu bán trú, ngôi nhà cho các em học sinh xa nhà. Đó là công việc thường niên ý nghĩa của thầy cô trường Tiểu học Hoành Mô.
“Năm học 2023 - 2024, trường có trên 90 em học bán trú/ tổng 525 học sinh của trường. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khá nặng nề với thầy cô của trường”- thầy Khuyến tâm sự.
Rời điểm trường Tiểu học Hoành Mô, chúng tôi về Trường Tiểu học Vô Ngại (xã Vô Ngại) để tìm hiểu về không khí chuẩn bị cho năm học mới. Kề cận năm học mới, không khí chuẩn bị của thầy cô trường Vô Ngại đã khá tất bật. Ngoài trang hoàng trường, điểm nổi bật nhất là khu bán trú cho các học sinh xa nhà đã sớm được vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị chu đáo chăm lo nơi ăn, chốn ở tốt nhất cho khoảng 60 học sinh bán trú. Đây là học sinh được về từ 4 - 5 điểm trường gồm: Ná Nhái, Bản Nàng, Mạ Chạt - Cầu Sắt, Nà Nuông- Nà Mo.
Thầy Lương Dư Phúc, Hiệu trưởng nhà trường vừa dẫn chúng tôi đi xem khu bán trú khang trang, vừa chia sẻ: Ngoài công việc chuẩn bị đón năm học mới thì việc chăm lo mái ấm cho học sinh bán trú là nhiệm vụ quan trọng của trường. Ngoài ra trường còn phải quan tâm tới một số học sinh nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Đó là hai trường hợp học sinh ở Bản Nàng, cách 8km, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhìn sân trường, khu bán trú và sự tất bật của thầy cô trường Vô Ngại, có thể thấy thấy năm học mới đang tới rất gần.
Thêm nhiều ngôi trường xây mới
Không chỉ chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng ở những ngôi trường vùng cao này là chăm lo, xây dựng môi trường, “mái ấm” cho học sinh bán trú ở vùng khó, sâu xa, dồn từ các điểm trường về.
Năm học mới 2023 - 2024, thầy cô Trường Tiểu học Hoành Mô có niềm vui nhưng cũng kèm theo nỗi lo khi phải chăm lo học tập, đời sống, tạo mái ấm thực sự cho các em học sinh xa nhà. “Để các em có một mái ấm thực sự, yên tâm học hành, trường cử ra một tổ gồm bảo vệ, quản sinh và giáo viên chủ nhiệm. Hỗ trợ cho các con ăn, cấp dưỡng, quản sinh, kèm cặp, dạy các em học 19 - 21h. Đồng thời, định hướng cho các em làm quen với cách sống tập thể, lối sống sạch sẽ, khoa học, hoà đồng” - thầy Khuyến, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.
Để giúp học sinh ổn định cuộc sống, yên tâm học hành; các em yên tâm gắn bó với trường lớp, mỗi trường lại có một hoạt động, một cách làm riêng. Nhiều trường xây dựng các CLB văn hoá thể thao phù hợp với lứa tuổi như: Văn nghệ dân tộc truyền thống, các câu lạc bộ Cờ vua cùng các hoạt động văn hoá thể thao, các mô hình CLB văn nghệ…
Đối với các em bán trú đầu cấp từ lớp 1 - 2, có khoảng trên 10 em. Tuy nhiên các em học sinh quá nhỏ nên các em học theo bán trú ngày, tức là các em chỉ ở bán trú, ăn trưa, nghỉ ngơi rồi chiều được các phụ huynh đón về” - thầy Phúc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Mô hình trường bán trú đã khắc phục những khó khăn về khoảng cách địa lí, các em bớt phải đi lại, bảo đảm sức khỏe, có nhiều thời gian giành cho việc dạy học đối với học sinh và giáo viên. Đồng thời duy trì và củng cố sĩ số, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, mặt khác góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh và gia đình. Việc duy trì sĩ số học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục đã chuyển biến rõ nét. Nhiều trường duy trì sĩ số đạt 100%. Không có học sinh bán trú bỏ học trong năm học”- đồng chí Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bình Liêu vui mừng chia sẻ.
Một niềm vui đến với học sinh huyện vùng cao biên giới Bình Liêu, là năm học mới 2023 - 2024, huyện được quan tâm đầu tư sửa chữa, xây mới nhiều trường học. Tới nay, tổng số công trình xây mới, nâng cấp, cải tạo là 4 trường (bán trú tiểu học & THCS Đồng Văn, Tiểu học Đồng Tâm, Tiểu học Lục Hồn, Tiểu học Tình Húc) và tiến hành sửa chữa nhỏ hơn 40 hạng mục tại 14 trường học trên địa bàn.
Đồng thời, ngành giáo dục Bình Liêu đã có các tờ trình đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo đánh giá và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với 5 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Bình Liêu năm 2023 (trong tháng 8/2023), gồm: Mầm non Đồng Văn, Mầm non Đồng Tâm, Tiểu học Đồng Tâm, Tiểu học Lục Hồn, Bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Đồng Văn.
Nắng ấm mùa thu, không khí năm học mới đang rộn ràng ở các ngôi trường mới khang trang, những mái ấm thực sự. Năm học mới đang về gần với học sinh vùng cao Bình Liêu.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()