Khoảng 360 nghìn tai nghe không dây giả, trị giá khoảng 62,2 triệu USD đã bị thu giữ tại Mỹ trong 9 tháng đầu của năm tài chính 2021, theo báo cáo từ Cục Hải quan và Biên phòng nước này. Đây là con số cao kỷ lục về lượng tai nghe giả được đưa vào Mỹ, cao hơn mức 295 nghìn chiếc trong năm tài chính 2020.
Mới đây, cơ quan này cũng thông báo về một vụ thu giữ 5 lô hàng Airpods và Airpods Pro giả. Nếu được bán với giá niêm yết như sản phẩm thật của Apple, số hàng này sẽ mang lại cho kẻ buôn lậu số tiền hơn 1,3 triệu USD. Các sản phẩm này đều được xác định là vi phạm bản quyền và nhãn hiệu.
Theo TheVerge, các công ty gia công đã lợi dụng sự phổ biến của các loại tai nghe không dây của Apple, Samsung, Jabra, Sony... để trục lợi. Khoảng 80% số tai nghe giả này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một số lô hàng Airpods giả được cho là được sản xuất bằng chính khuôn đúc hàng thật, bị ăn cắp từ các nhà máy thuộc đối tác của Apple. Một số sản phẩm sao chép cả quy trình kết nối Airpods với iPhone và hiển thị số series sản phẩm như hàng chính hãng. Người dùng tinh ý mới phát hiện ra những chi tiết giả mạo.
Ngoài ra, một số hãng có tên tuổi cũng sản xuất các sản phẩm gây nhầm lẫn. Năm ngoái, OnePlus từng dính vào một vụ "lùm xùm" với Cục Hải quan Mỹ. Một lô tai nghe OnePlus Buds của hãng này bị thu giữ vì nghi ngờ là Airpods nhái, dù hai sản phẩm có chút khác biệt trong thiết kế.
Thị trường tai nghe không dây đang phát triển mạnh trên thế giới. Theo Strategy Analytics, doanh số của dòng sản phẩm này là khoảng hơn 300 triệu chiếc vào năm 2020, trong đó tai nghe True Wireless tăng trưởng 90%. Apple vẫn dẫn đầu với doanh thu trong năm 2020 đạt ít nhất 16 tỷ USD. Hãng cho biết đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật cũng như các trang thương mại điện tử để ngăn chặn việc khách hàng bị lừa mua hàng nhái.
Tại Việt Nam, Airpods nhái là mặt hàng được bán nhiều trên các chợ điện tử. Nhiều mẫu tai nghe có ngoại hình giống hệt tai nghe của Apple, có tính năng tự động kết nối, nhưng giá bán chỉ từ 100 nghìn đồng.
Ý kiến ()