Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:37 (GMT +7)
AI tiếp tục cách mạng hóa thương mại điện tử tại Việt Nam
Thứ 7, 25/01/2025 | 08:44:06 [GMT +7] A A
Hơn 92% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các tính năng AI trên sàn thương mại điện tử ít nhất 1 lần/tuần, cao hơn mức trung bình tại Đông Nam Á.
Bức tranh thương mại điện tử Việt Nam
Báo cáo “e-Economy SEA 2024" của Google, Temasek, Bain & Company công bố cuối năm 2024 cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt hơn 22 tỉ USD. Trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng sau Indonesia (65 tỉ USD) và Thái Lan (26 tỉ USD).
So với năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam đạt 18%, tỉ lệ chỉ xếp sau Philippines và Thái Lan.
Trong năm 2025, dự báo ngành thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt hơn 30 tỉ USD và tăng lên 63 tỉ USD vào năm 2030.
Sự tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam cũng gắn liền với sự bùng nổ và AI (trí tuệ nhân tạo). Các nền tảng lớn như Shopee, Lazada và TikTok Shop đang tận dụng trí tuệ nhân tạo, máy học và dữ liệu lớn để dự đoán hành vi của người tiêu dùng, điều chỉnh chiến lược tiếp thị, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó thúc đẩy doanh số.
Người dùng tin AI để mua sắm trên sàn thương mại điện tử
Theo báo cáo về ứng dụng AI trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Đông Nam Á được Lazada và công ty nghiên cứu thị trường Kantar, 92% người dùng Việt sử dụng các tính năng AI trên sàn thương mại điện tử ít nhất 1 lần/tuần, cao hơn mức trung bình khu vực ASEAN.
88% người dùng tại Đông Nam Á đưa ra quyết định mua hàng dựa trên những gợi ý, đề xuất từ AI và hơn một nửa (51%) cho rằng đánh giá sản phẩm và người bán là yếu tố quan trọng khi mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng tại Việt Nam nằm trong Top đầu về việc tin tưởng AI khi đưa ra các quyết định mua hàng trên thương mại điện tử.
Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm thanh toán thông minh. Theo khảo sát từ VISA, 86% người tiêu dùng Việt Nam biết đến GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong bán lẻ, hài lòng với những tiện ích mà nó mang lại, từ việc gợi ý về giá tốt hơn, tùy chọn sản phẩm được cá nhân hóa, đưa ra các đề xuất nhanh chóng…
Nỗ lực từ các sàn thương mại điện tử
Để tận dụng cơ hội từ AI, các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam đều có những hành động kịp thời để nâng cao trải nghiệm khách hàng tại Đông Nam Á và tại Việt Nam nói riêng.
Lazada đã cho ra mắt cho ra mắt bộ tính năng GenAI cho 4 khía cạnh chính của mua sắm thương mại điện tử, được gọi là 4Ds, gồm khám phá sản phẩm, độ tin cậy, ưu đãi và ra quyết định, nhằm mang lại trải nghiệm cá nhân hóa và tương tác hơn.
Ông James Dong, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lazada, cho biết: “Tại Lazada, chúng tôi coi GenAI là một phần quan trọng trong chiến lược dài hạn, tập trung vào khách hàng để nâng cao trải nghiệm mua sắm. Chúng tôi muốn dẫn đầu và mở ra một kỷ nguyên mới cho mua sắm trực tuyến. Tôi tin rằng GenAI sẽ không chỉ tạo nên cuộc cách mạng trong thương mại điện tử mà còn thay đổi hoàn toàn cách chúng ta mua sắm, bán hàng và tương tác".
Trong khi đó, TikTok Shop đã đầu tư hơn 500 triệu USD cho các công cụ công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách và không ngừng nâng cấp các quy trình kiểm duyệt, từ chối các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gỡ bỏ các sản phẩm hạn chế hoặc bị cấm, vô hiệu hóa các tài khoản người bán, gỡ bỏ tính năng thương mại của nhiều nhà sáng tạo nội dung vi phạm chính sách… trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, Shopee đã bắt tay với YouTube để ra đời YouTube Shopping. Với bước đi này, người xem có thể trải nghiệm mua sắm ngay trong khi đang xem nội dung của nhà sáng tạo, sau đó kiểm tra danh sách, thông tin của sản phẩm. Chỉ cần nhấp vào một sản phẩm ưng ý, người xem sẽ được dẫn trực tiếp đến trang bán hàng để mua sắm nhanh chóng và dễ dàng.
Sự hợp tác là bước đi quan trọng của 2 đơn vị để phù hợp với xu hướng mua sắm kết hợp giải trí hiện tại.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()