Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:04 (GMT +7)
Ai thống trị nhạc Việt 2025?
Thứ 4, 01/01/2025 | 15:09:07 [GMT +7] A A
Sau một năm bùng nổ của các chương trình truyền hình về âm nhạc, Vpop 2025 dự kiến sẽ tiếp tục khai thác khía cạnh này, đi cùng với những trào lưu âm nhạc mới đang đổ bộ mạnh mẽ.
2024 là một năm khá sôi động của nhạc Việt. Số lượng sản phẩm âm nhạc nhiều với sự góp mặt của cả những tên tuổi mới, trẻ trung cho đến những cái tên lão làng, đã có chỗ đứng, thậm chí đã lâu không hoạt động đều giúp bức tranh Vpop trở nên sinh động hơn.
Năm 2025, nhạc Việt được dự đoán sẽ tiếp tục có sự gia tăng về cả mặt chất lượng cũng như số lượng, và các nghệ sĩ sẽ tiếp tục khai thác những khía cạnh, những trào lưu đang nở rộ trong thời gian gần đây.
Game show tiếp tục thống trị
Sau một thời gian dài mất nhiệt, cùng với sự cản trở của dịch bệnh, các game show âm nhạc không còn có tầm ảnh hưởng lớn như thời điểm Vietnam Idol hay The Voice đang làm mưa làm gió nữa. Vẫn có một vài chương trình truyền hình đạt được sự chú ý như Rap Việt hay The Masked Singer, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, nhưng chỉ đến năm nay, thông qua 2 chương trình Anh Trai vượt ngàn chông gai và Anh trai Say “Hi”, game show mới thực sự vươn lên trở thành một “thế lực” mới và giành được quyền kiểm soát thị trường âm nhạc.
Lên sóng gần như cùng thời điểm và tạo ra hàng loạt cuộc so kè hấp dẫn về cả mặt âm nhạc cũng như truyền thông, Anh Trai vượt ngàn chông gai và Anh trai Say “Hi” đã gần như làm thay đổi cả bộ mặt Vpop.
Nếu như Anh Trai Say “Hi” thống trị mảng nhạc số, truyền thông, định hình xu hướng âm nhạc trong năm 2024 với loạt bản hit nổi bật như Catch me if you can, Ngáo ngơ, Tình đầu quá chén, thì Anh trai vượt ngàn chông gai lại nổi bật khi mang đến những khía cạnh mới mẻ của nhiều nghệ sĩ gạo cội và khai thác chất liệu dân gian trong các màn trình diễn, đạt hiệu quả chuyên môn cao như ở các tiết mục Trống Cơm, Mẹ yêu con, Dạ cổ hoài lang.
Cả 2 chương trình đều góp phần thúc đẩy văn hóa thần tượng vốn không phát triển quá mạnh mẽ ở Vpop nếu như so với các nền công nghiệp giải trí Kpop, Jpop hay thậm chí là ở Thái Lan. Nếu như trước đây, số lượng fan club của nghệ sĩ có số lượng thành viên đông đảo, hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện tại đã xuất hiện thêm loạt FC “mới nổi” rất chịu chi, có những chiến dịch quyên góp được đến cả trăm triệu để ủng hộ cho thần tượng như FC của Bùi Công Nam, Quang Hùng Master D hay Dương Domic.
Đặc biệt, cả 2 chương trình đều tạo ra làn sóng xem concert rất lớn, với Anh trai Say “Hi” là 4 đêm diễn, và Anh trai vượt ngàn chông gai là 2 đêm diễn, tất cả đều có khả năng bán vé tốt. Điều này không chỉ giúp ích cho thị trường âm nhạc, giúp thị trường sôi động, thúc đẩy khán giả chi tiêu cho nghệ thuật nội địa nhiều hơn, mà còn góp phần nâng tầm tiêu chuẩn cho chính các nhà tổ chức biểu diễn, giúp cho các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, đặc sắc hơn.
Với tiềm năng còn rất rộng lớn, mảng gameshow tại nhạc Việt 2025 chắc chắn sẽ tiếp tục được khai thác. Mùa 2 của Anh trai vượt ngàn chông gai cùng “bản nữ” của Anh trai say “Hi” - Em xinh say “Hi” - cũng đang được rục rịch sản xuất. Chưa kể các chương trình đã lên sóng trước đó như Rap Việt, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, hay chương trình hiếm hoi thiên về vocal như The Masked Singer, vẫn còn giữ được sức nóng và có lượt người xem ổn định.
Album/EP tiếp tục là lựa chọn hàng đầu
Trong 2 năm gần đây, số lượng album và EP đến từ các nghệ sĩ Việt có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng. Đặc biệt, chuỗi album của các nghệ sĩ gen Z phát hành trong năm 2023 đã tạo nên cú bùng nổ lớn, làm thay đổi diện mạo của Vpop và xác lập sự thống trị của lứa nghệ sĩ mới trên thị trường.
Trong năm 2024, trào lưu này vẫn tiếp tục nở rộ. Bên cạnh những tên tuổi gen Z tiếp nối làn sóng từ 2023 như Mỹ Anh, Orange, nân, thị trường nhạc Việt còn đón nhận một số cái tên mới ra mắt cũng phát hành album, EP khá chỉn chu ngay từ sản phẩm đầu tiên như Thể Thiên, m tú, Thoại Nghi, Ánh Sáng Aza. Các rapper vẫn đang thể hiện sức hút chưa hề thuyên giảm với một loạt album nhận được sự ý lớn như 421 của Karik, Nhân trần của Big Daddy, An của Lil Wuyn, The Wxrdies của Wxrdie, Medicine của Coldzy, FLVR của Low G kết hợp với tlinh,...
Đặc biệt, 2024 còn là năm chứng kiến sự quay trở lại của nhiều tên tuổi gạo cội. Ngay đầu năm nay, người nghe đã được thưởng thức 2 album đến từ các diva nhạc Việt: Hồng Nhung với album Đài phát thanh công cộng gồm 7 sáng tác từ nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng; Trần Thu Hà với album Những con sông ngón tay gồm 13 ca khúc của nhạc sĩ Phan Đức Minh, phổ thơ Phan Lê Hà.
Nửa cuối năm, Tùng Dương quay trở lại với album phòng thu thứ 6 có tên Multiverse được xây dựng concept đa vũ trụ công phu, tuyển chọn các tác phẩm từ nhiều nhạc sĩ khác nhau. Những ngày cuối cùng của năm 2024, Nguyên Thảo cũng chính thức tái xuất với album Nụ Cười hợp tác với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, sau quãng thời gian ở ẩn dài.
Rõ ràng, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng streaming, việc phát hành EP/album sẽ có lợi hơn hẳn hình thức phát hành single đơn lẻ như giai đoạn trước đây. Những thành tích trên các nền tảng nhạc trực tuyến giờ đây cũng được nghệ sĩ coi trọng, chứ không còn chỉ chạy đua về lượt xem hay top trending nữa. Hơn thế, với sự lên ngôi của stream, nghệ sĩ không cần đầu tư quá nhiều về mặt hình ảnh mà vẫn có cơ hội đưa ca khúc của mình trở thành hit.
Rõ rệt nhất là Tùng Dương, khi anh lựa chọn đầu tư MV cho Cánh chim phượng hoàng và Đàn ông không cần khóc, nhưng ca khúc Tái sinh trong album mới là sản phẩm làm mưa làm gió, đưa Tùng Dương trở lại vị trí xu hướng ngang hàng với các đàn em.
Với nhiều lợi thế thấy rõ, album và EP vẫn sẽ là xu hướng của năm 2025 ở nhạc Việt. Đây cũng là một xu hướng tích cực cho Vpop, khi không chỉ chạy đua về số lượng, các nghệ sĩ còn tập trung nhiều vào việc xây dựng không gian âm nhạc hòa hợp cùng concept độc đáo, điều mà một single đơn lẻ không làm được. Nó khiến cho các nghệ sĩ thể hiện rõ cá tính nghệ thuật của mình hơn, và khán giả cũng có nhiều lựa chọn hơn là chỉ độc một ca khúc, độc một MV.
Pop và Rap/hiphop vẫn thống trị thị trường?
Kể từ năm 2020, sau khi Rap Việt mùa 1 lên sóng, Rap/Hiphop đã có vị rất khác biệt tại Vpop. Không chỉ các nghệ sĩ thuần rap xuất hiện nhiều hơn, các trào lưu rap thịnh hành trên thế giới du nhập vào Việt Nam nhiều hơn, mà ngay cả ở địa hạt pop các rapper cũng lấn sân với những sản phẩm melodic rap (như của tlinh, MCK) hay hợp tác với những nghệ sĩ mainstream.
Rap Việt mùa 4 lên sóng năm 2024 đã từng có những thời điểm bị nghi ngờ về sự thành công. Tuy nhiên, càng về cuối, chương trình càng chứng minh được rằng sức hút của thể loại này vẫn chưa thuyên giảm. Các phần thi trong chương trình liên tục leo lên vị trí cao nhất trên top trending, nhận được lượt thảo luận rất lớn như Lướt trên con sóng, Anh đã làm gì đâu,...
Vậy nên, tới năm 2025, rap/hiphop dự kiến vẫn sẽ là thể loại dẫn đầu trên thị trường. Đặc biệt, với sự lên ngôi quán quân của Hustlang Robber tại Rap Việt, sự phát triển của rap có thể sẽ rẽ sang một hướng mới. Trước đây, melodic rap hay trap vẫn là thể loại được ưa chuộng hơn cả nhờ phần phối khí thời thượng và sở hữu giai điệu bắt tai, còn thiên hướng lyrical thì lại thường được đánh giá cao về mặt chuyên môn.
Tới Rap Việt mùa 4, Robber đã chứng minh mumble rap cũng rất thu hút và có thể đạt được sự công nhận về mặt chất lượng. Thể loại này đã thịnh hành nhiều năm nay ở thị trường US - UK, nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Sự thành công của Robber được kỳ vọng sẽ kéo theo trường phái này phát triển, tạo nên sự mới mẻ, đa màu sắc cho Rap/hiphop Việt.
Ngoài ra, pop sẽ vẫn là thể loại chủ đạo và có thể định hình được thị trường. Năm 2024, các bản hit từ Anh trai say “Hi” đã làm điều này rất tốt với những ca khúc dance pop trẻ trung kết hợp thêm rap, cùng các bản ballad có nhiều sự tươi mới đã thống trị top trending. Dự kiến năm 2025, xu hướng này vẫn sẽ được tiếp diễn bởi sự dễ nghe, dễ tiếp cận với đông đảo công chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một vài điểm sáng thú vị mà các nghệ sĩ khác mang lại cho pop. Tiêu biểu có thể kể đến Mono khi anh kết hợp với funk và nghệ thuật biểu diễn popping trong ca khúc Đi tìm tình yêu được giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Orange và Phùng Khánh Linh thì tìm cách đưa những ảnh hưởng của rock, alternative vào những ca khúc pop tưởng chừng cơ bản nhưng mang lại hiệu quả tốt (Em nên yêu cô ta, Ước anh tan nát con tim). marzuz làm mới pop với những thể loại điện tử táo bạo như trance, drum and bass trong album ả. Ánh Sáng Aza dù mới xuất hiện nhưng cũng tạo được sự chú ý khi mang những âm thanh trendy nhất từ Kpop như Atlanta Bass, New Jack Swing vào EP đầu tay. Synth Pop thì được nhiều nghệ sĩ indie sử dụng với các biến tấu lạ tai, hấp dẫn. Những hướng đi này cũng là gợi ý để các nghệ sĩ pop lựa chọn những chất liệu mới mẻ, thú vị hơn cho các sản phẩm phát hành trong năm 2025 của mình.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhạc Việt trong năm 2024 báo hiệu một năm 2025 với nhiều thay đổi tích cực hơn nữa. Đến cuối cùng, người được lợi nhất vẫn là công chúng, khi có thể được thưởng thức nhiều chất liệu âm nhạc đa dạng cũng như được tham gia vào một thị trường ngày càng chuyên nghiệp và chỉn chu hơn.
Theo Znews
Liên kết website
Ý kiến ()