Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:40 (GMT +7)
Ai không nên ăn gạo nếp, xôi?
Chủ nhật, 23/07/2023 | 10:50:11 [GMT +7] A A
Gạo nếp thơm ngon, bổ dưỡng có thể chế biến thành nhiều món ngon nhưng không phải ai cũng có thể ăn được, vậy ai không nên ăn gạo nếp, xôi?
Gạo nếp là thực phẩm bổ dưỡng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon trong đó có xôi, chè, bánh và là loại thực phẩm có thể hỗ trợ chữa bệnh. Tuy nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng một số người được khuyến cáo không nên ăn gạo nếp. Vậy, ai không nên ăn gạo nếp?
Gạo nếp có tác dụng gì?
Báo Vietnamnet dẫn nguồn BSCK II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, gạo nếp chứa nhiều protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ.
Trong Đông y, gạo nếp gọi là nhu mễ, có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế, chỉ hãn. Gạo nếp có vị ngọt, tính dược nóng ấm, có thể sử dụng trong các trường hợp đau đầu, chóng mặt, loét dạ dày, ho ra máu, ít sữa.
Một số món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp
Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp được Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn của TS Nguyễn Đức Quang:
Rượu nếp (cơm rượu): cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt (gạo xay) rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, qua quá trình lên men ta được cơm rượu. Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị.
Nước gạo nếp rang: gạo nếp 1kg. Ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường uống. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén.
Chữa nôn mửa không ngừng: gạo nếp 20g, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng lấy nước uống.
Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng: gạo nếp 10g, mai mực 10g, cam thảo 10g, bằng sa phi 5g, mẫu lệ nung 10g, hoàng bá 10g, kê nội kim 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa liệt dương: cám nếp 12g, hoài sơn 12g, đinh lăng 12g, ý dĩ 12g, hoàng tinh 12g, hà thủ ô 12g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, trâu cổ 8g, cao ban long 8g, sa nhân 6g. Để riêng cao ban long; các vị khác sắc lấy nước, hòa tan cao và uống trong ngày.
Ai không nên ăn gạo nếp?
Gạo nếp tuy tốt cho sức khỏe nhưng một số người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn gạo nếp:
Người thừa cân, béo phì
Báo Lao động dẫn nguồn tờ Baidu cho biết, do gạo nếp có hàm lượng tinh bột và năng lượng tương đương với cơm trắng, đặc biệt nếu bạn thường thích ăn xôi cùng các loại thức ăn kèm theo như trứng, thịt, xúc xích… thì sẽ càng khiến tình trạng béo phì gia tăng. Do đó, những người thừa cân, béo phì nên hạn chế ăn xôi.
Bệnh nhân tiểu đường
Gạo nếp sau khi vào dạ dày sẽ nhanh chóng được hấp thụ và chất chứa trong đó là tinh bột, nếu người bệnh tiểu đường ăn quá nhiều thì đường huyết sau bữa ăn sẽ tăng nhanh trong thời gian ngắn và không thể kiểm soát được.
Người có vết thương bị mưng mủ
Những vết thương hở, đặc biệt khi bị viêm sẽ rất lâu lành. Nếu ăn thức ăn dẻo, khó tiêu, nóng như xôi và các thức ăn từ gạo nếp khác sẽ càng làm tình trạng nặng thêm có thể gây mưng mủ.
Vì vậy những người mới phẫu thuật, người có vết thương bị sưng viêm nên kiêng thức ăn này và chỉ ăn lại khi các tổn thương đã lành và bình thường trở lại.
Người mới phục hồi bệnh
Sau khi khỏi bệnh nặng, cơ thể tương đối yếu, lúc này cần ăn nhiều thức ăn lỏng bổ dưỡng để dạ dày từ từ phục hồi, nếu ăn nhiều thức ăn làm từ gạo nếp thì gánh nặng cho cơ thể, khó tiêu hóa và khiến cơ thể suy nhược hơn.
Trên đây là những người được khuyến cáo không nên ăn gạo nếp. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa gạo nếp nhé.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()