Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:23 (GMT +7)
"Ai gọi cứu hỏa, chúng tôi sẵn sàng!"
Thứ 4, 23/09/2020 | 11:37:06 [GMT +7] A A
Chữa cháy là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, luôn đòi hỏi tinh thần dám hy sinh, sáng tạo. Đám cháy xảy ra, mức độ thiệt hại được tính bằng giây. Vì thế, người lính cứu hỏa luôn trong tư thế “Ai gọi cứu hỏa, chúng tôi sẵn sàng”, bất kể ngày đêm, bất kể hiểm nguy, chiến đấu với "giặc lửa" để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân...
Có lệnh là đi, sẵn sàng xuất kích
Đối với CBCS cảnh sát PCCC&CNCH, những giấc ngủ đêm luôn là tranh thủ, bởi chẳng biết lúc nào, tiếng kẻng báo cháy vang lên, ngọn lửa đang hoành hành ở đâu đó, lại vội vàng bật dậy, lên đường.
Vụ cháy cửa hàng điện máy 320m2 tại huyện Tiên Yên tối 17/9/2020 đã được dập tắt sau 4h chữa cháy tích cực. |
Với nhiều người dân xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên), tối 17/9 vừa qua là một đêm không ngủ. Vụ cháy cửa hàng điện máy rộng 320m2 ngay quốc lộ, thuộc địa phận thôn Đông Thắng sẽ còn là câu chuyện được xôn xao trong một thời gian dài. Vụ cháy xảy ra tại cửa hàng gia đình kinh doanh buôn bán thiết bị điện máy, luyện kim cơ khí. Căn nhà có kết cấu khung thép, mái tôn, tường gạch bao quanh, cửa cuốn bên ngoài, hoàn toàn bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn do chập điện, chỉ trong phút chốc. Điều may mắn là nhờ phát hiện và hô hoán của hàng xóm, chủ nhà cùng 2 con nhỏ đã thoát ra ngoài an toàn theo đường cửa sổ.
Trung tá Nguyễn Huy Kiên, Đội trưởng Đội CC&CNCH khu vực Tiên Yên, cho biết: Đơn vị nhận được tin báo cháy từ trực ban 114 Công an tỉnh lúc 20h30, ngay lập tức xuất 2 xe chữa cháy cùng 14 CBCS đến nơi xảy ra cháy. Khi có mặt tại hiện trường, ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà, đang có nguy cơ cháy lan sang nhà dân liền kề. Ngay khi đó, 2 mũi tấn công triển khai phun nước làm mát và ngăn chặn cháy lan, 1 mũi trinh sát tìm kiếm các nguồn nước xung quanh, nhưng khu dân cư không có quy hoạch nguồn nước chữa cháy...
Công tác huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ luôn được chú trọng với phương châm "4 tại chỗ". |
“Với dung tích quy chuẩn của xe chữa cháy, chỉ vài phút lượng nước trên xe sẽ hết. Trong khi đó, tình hình lúc đó rất cấp bách. Đám cháy quá lớn, phức tạp, lượng chất cháy nhiều, rất khó khăn cho quá trình chữa cháy. Vì thế, chúng tôi phải huy động CBCS phối hợp với lực lượng Công an huyện, quân đội và người dân múc nước bằng xô chậu, máy bơm nước hút dưới kênh mương tiếp nước xe chữa cháy. Đồng thời, huy động 1 xe téc của Công ty Môi trường đô thị huyện Tiên Yên, 2 xe chữa cháy của Công an huyện Hải Hà và Công an TP Cẩm Phả. Sau 4h chữa cháy tích cực, phối hợp nhiều lực lượng, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn" - Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Đội CC&CNCH khu vực Tiên Yên, cho biết.
Thuợng tá Mè Văn Nguyên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), đến giờ vẫn không thể quên được hơn 3 tiếng đồng hồ vật lộn với khói lửa để dập tắt đám cháy ở Nhà máy nhựa thông Quảng Ninh (TP Uông Bí) chiều 21/6/2018. “Ngay khi nhận được tin báo, các lực lượng chữa cháy đã kịp thời đến hiện trường với 9 xe chữa cháy, 5 xe téc nước, 2 xe chỉ huy, 2 xe cứu hộ cứu nạn, 4 máy bơm cùng khoảng 800 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động, cấp cứu mỏ. Đám cháy bắt nguồn từ kho chứa nhựa thông, lại gặp thời tiết có gió lớn, nên ngọn lửa bùng lên dữ dội, kèm theo cột khói đen cao hàng chục mét cuồn cuộn bốc lên nghi ngút” - Thượng tá Nguyên nhớ lại.
Công an tỉnh tổ chức tập huấn công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH cho công an cấp xã, tháng 9/2020. |
Song song với quá trình chữa cháy, các lực lượng chức năng đã nỗ lực di chuyển và bảo vệ được 200 tấn nhựa thông, 100 tấn tùng hương, 20 tấn dầu thông, ước tính trị giá khoảng 12 tỷ đồng; đồng thời bảo vệ an toàn lực lượng tham gia chữa cháy...
Quảng Ninh những năm gần đây nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, đã giảm thiểu rất nhiều số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt không có thiệt hại về người. Số vụ cháy lớn, phức tạp không nhiều, thậm chí là ít so với nhiều địa phương khác, nhưng vẫn xảy ra những đám cháy nhỏ, thiệt hại không đáng kể.
Từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Quảng Ninh hiện có trên 4.500 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trong đó có trên 2.200 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. 5 năm trở lại đây đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự hình thành nhiều đô thị mới, các công trình nhà cao tầng, nhà máy sản xuất, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, gia tăng số lượng tàu du lịch... Đi đôi với phát triển chính là sự gia tăng các nguy cơ cháy nổ. Do đó, Quảng Ninh luôn được đánh giá là một trong những địa phương trọng điểm về công tác PCCC.
Chữa cháy tại cửa hàng sản xuất và kinh doanh chả mực, chợ Cái Dăm (TP Hạ Long), tháng 9/2020. |
Mặc dù vậy, trong 5 năm qua toàn tỉnh chỉ xảy ra 317 vụ cháy, nổ. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố điện; không xảy ra chết người do cháy. Với một địa bàn năng động, có tốc độ phát triển nhanh, mạnh, đa dạng lĩnh vực như Quảng Ninh, nhưng nguy cơ, tình hình cháy, nổ trên địa bàn đã được kiềm chế đáng kể.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH phải ngày càng hoàn thiện, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH toàn tỉnh thường xuyên được huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, chiến đấu, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách... Các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chuyên nghiệp luôn được đầu tư, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Máy xúc bốc cháy tại KCN Cái Lân (TP Hạ Long), tháng 9/2019; nguyên nhân do chập điện trong quá trình vận hành máy. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, sau khi sắp xếp lại theo mô hình tổ chức mới, 9/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã có đội cảnh sát PCCC; 3 địa phương còn lại có tổ hoặc cán bộ PCCC thuộc đội QLHC về TTXH công an cấp huyện… Theo đánh giá của Đảng ủy Công an tỉnh và cấp ủy các địa phương, mô hình tổ chức mới với mạng lưới rộng hơn, bám sát cơ sở và hoạt động hiệu quả hơn, đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới.
Với phương châm "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) và "Mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên về PCCC”, lần đầu tiên, các lớp tuyên truyền được mở tại các trường học, địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, các xã đảo. Nhiều mô hình phong trào toàn dân PCCC được thành lập, nhân rộng.
Chữa cháy máy xúc tại TP Cẩm Phả, tháng 7/2019. |
Thiếu tá Ngô Hải Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) chia sẻ: So với yêu cầu nhiệm vụ thì phương tiện, biên chế cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa thể đáp ứng được 100% yêu cầu. PCCC là trách nhiệm của toàn dân, do đó cần huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và nhân dân, phải gắn kết phong trào toàn dân tham gia PCCC và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm “4 tại chỗ” để phát huy sức mạnh tổng hợp trong PCCC&CNCH.
Chữa cháy ô tô trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tháng 3/2020. |
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()