Youssef Nader, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đức, Luke Farritor, thực tập sinh SpaceX tại Mỹ, và Julian Schilliger, sinh viên ngành robot người Thụy Sĩ, hôm 5/2 giành được giải thưởng trị giá 700.000 USD nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đọc cuộn giấy 2.000 năm tuổi cháy đen trong vụ phun trào núi lửa Vesuvius.
Giấy cói Herculaneum là tập hợp gồm khoảng 800 cuộn giấy Hy Lạp bị carbon hóa trong vụ phun trào núi lửa chôn vùi thị trấn La Mã cổ đại Pompeii vào năm 79, theo ban tổ chức Thử thách Vesuvius. Giống như những khúc tro đã cứng lại, các cuộn giấy bị hư hỏng nặng, thậm chí vỡ vụn khi người ta cố gắng mở chúng ra. Chúng hiện được lưu giữ tại viện Institut de France ở Paris và Thư viện Quốc gia Naples. Ban tổ chức Thử thách Vesuvius đã tiến hành chụp CT độ phân giải cao 4 cuộn giấy và đưa ra nhiều giải thưởng trị giá khoảng một triệu USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu chúng.
Bộ ba nhà nghiên cứu Nader, Farritor và Schilliger đã sử dụng AI để giúp nhận diện mực trên giấy cói, tìm ra những chữ Hy Lạp vốn mờ và gần như không thể đọc được. "Một số văn bản có thể viết lại hoàn toàn lịch sử của những thời kỳ quan trọng trong thế giới cổ đại", Robert Fowler, chủ tịch Hiệp hội Herculaneum, nói. Thử thách Vesuvius đòi hỏi các nhà nghiên cứu giải mã 4 đoạn văn gồm ít nhất 140 ký tự, với ít nhất 85% ký tự có thể phục hồi được.
Năm ngoái, Farritor đã giải mã từ đầu tiên trong một cuộn giấy - "màu tím" trong tiếng Hy Lạp. Hiện tại, họ đã giải mã khoảng 5% cuộn giấy. Tác giả cuộn giấy có lẽ là nhà triết học Philodemus. Ông viết về âm nhạc, ẩm thực và cách tận hưởng những thú vui cuộc sống, theo Nat Friedman, thành viên ban tổ chức. Friedman cho biết, giai đoạn tiếp theo của cuộc thi sẽ thúc đẩy nghiên cứu giải mã 85% cuộn giấy.
Việc phục hồi các văn bản cổ sẽ là bước đột phá lớn. Theo dữ liệu từ Đại học California Irvine, ước tính chỉ khoảng 3% - 5% văn bản Hy Lạp cổ còn tồn tại. "Đây là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng trong nghiên cứu giấy cói Herculaneum và triết học Hy Lạp nói chung. Đây là thư viện duy nhất đến với chúng ta từ thời La Mã cổ đại", chuyên gia Federica Nicolardi tại Đại học Naples Federico II nói.
Ý kiến ()