CNN ngày 21/5 dẫn ba nguồn tin cho biết nội dung dự thảo thỏa thuận ngừng bắn mà Hamas tuyên bố chấp thuận hôm 6/5 không giống những điều khoản trong tài liệu được Mỹ và Qatar trao cho nhóm vũ trang xem xét.
Nguồn tin cho hay một quan chức tình báo Ai Cập đã tự ý chỉnh sửa vài điều khoản trong dự thảo, dẫn tới làn sóng giận dữ và chỉ trích lẫn nhau giữa các quan chức Mỹ, Israel và Qatar, đồng thời khiến nỗ lực đàm phán rơi vào bế tắc. "Tất cả chúng tôi đều bị lừa", một nguồn tin nói.
Các nguồn tin cho biết Ahmed Abdel Khalek, quan chức tình báo cấp cao của Ai Cập, là người đã thay đổi nội dung dự thảo. Abdel Khalek là cấp phó của giám đốc tình báo Ai Cập Abbas Kamel, người dẫn đầu nỗ lực trung gian đàm phán của Cairo.
Theo một nguồn thạo tin, Abdel Khalek đã cung cấp thông tin không nhất quán cho Israel và Hamas. Người này cũng đưa nhiều yêu cầu của Hamas vào đề xuất đã được phía Israel ngầm chấp nhận nhằm đảm bảo thỏa thuận sẽ được nhóm vũ trang thông qua, song thông tin không được chia sẻ với các bên trung gian và đặc biệt là Tel Aviv.
"Tất cả các bên đều cho rằng tài liệu Ai Cập cung cấp có nội dung giống với văn bản đã được Israel phê duyệt và các nước trung gian như Mỹ, Qatar xem", nguồn tin cho hay. Nhưng trên thực tế, quan chức tình báo Ai Cập đã đưa thêm các yêu cầu của Hamas vào nội dung văn bản gốc, người này cho biết.
Theo một nguồn tin, Ai Cập quyết định hành động sau khi đại diện nước này trở về từ Israel và trao đổi với Hamas, trong đó nhóm vũ trang tỏ ý định không chấp nhận những gì phía Tel Aviv đã đồng ý.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns, người dẫn đầu nỗ lực trung gian đàm phán của Mỹ, đã hết sức phẫn nộ và xấu hổ khi biết tin Ai Cập bí mật thay đổi nội dung đề xuất ngừng bắn. Ông Burns, người thường nói năng nhỏ nhẹ và cư xử hòa nhã, "gần như tức đến nổ tung", một nguồn tin tiết lộ.
Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã thông báo với tình báo Israel rằng Ai Cập "hành động một mình" khi thay đổi nội dung dự thảo thỏa thuận, hai nguồn tin nói. Qatar được cho là sẽ đóng vai trò lớn hơn trong vòng đàm phán tiếp theo về hòa bình cho Dải Gaza.
Dù vậy, Ai Cập được kỳ vọng vẫn sẽ chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc đối thoại, do nước này có quan hệ gần gũi với Hamas và Israel ưu tiên Cairo hơn Doha trong vai trò trung gian đàm phán.
Ai Cập và Qatar chưa bình luận về các thông tin trên.
Khi được hỏi liệu có quan ngại gì về việc Ai Cập sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo về Dải Gaza hay không, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không trả lời thẳng vào vấn đề, mà nhấn mạnh rằng Tel Aviv chưa sẵn sàng chấp nhận các điều khoản có thể cho phép Hamas tấn công nước này một lần nữa.
"Tôi hy vọng Ai Cập hiểu Israel không thể đồng ý với những điều như vậy", ông Netanyahu nói hôm 21/5.
Ngày 6/5, Hamas thông báo đã chấp nhận đề xuất của Qatar và Ai Cập về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, trong đó có điều khoản yêu cầu Israel rút quân khỏi dải đất, cho phép người Palestine trở về nhà cũng như trao đổi tù nhân Israel và Palestine. Đề xuất này bao gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 42 ngày.
Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau đó tuyên bố đề xuất trên không đúng với những gì Israel đã thống nhất và không đáp ứng yêu cầu của Tel Aviv. Israel tuyên bố sẽ cử một phái đoàn tới gặp các nhà đàm phán để thảo luận lại.
Ý kiến ()