Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:31 (GMT +7)
Những bóng hồng chống “giặc Covid-19"
Thứ 4, 20/10/2021 | 09:47:00 [GMT +7] A A
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, gác lại những tâm tư tình cảm riêng, bỏ qua những rào cản về sức khỏe, tuổi tác, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, cùng lan tỏa tinh thần yêu thương, sẻ chia, quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tuyến đầu chẳng ngại hiểm nguy
Nhiều bệnh nhân cũng như những y, bác sĩ tại các Bệnh viện dã chiến số 6, số 12 (TP Hồ Chí Minh) không quên những món quà nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình được đưa tận cửa phòng; sự thân thiện, tận tình của một nữ điều dưỡng trong Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh. Đó là nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Tham gia nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch ngay từ những ngày đầu trong Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh tại Bệnh viện dã chiến số 6 rồi chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 12, chị Ngà cũng như các nhân viên y tế trong Đoàn luôn mang một khí thế quyết tâm chống dịch, hết lòng vì người bệnh, làm hết việc chứ không làm hết giờ. Ngày nào cũng vậy, vào ca trực, chị Ngà lại tự tay viết những dòng chữ: “Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch? Đất nước này sẽ ra sao? Tôi yêu Việt Nam! Tôi yêu Sài Gòn!”… lên bộ quần áo bảo hộ để động viên mình cũng như đồng nghiệp cùng cố gắng.
Chị Ngà được phân công tại bộ phận đón tiếp sàng lọc, lâm sàng và trực đường dây nóng 24h. Tham gia nhiệm vụ tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh, hằng ngày chứng kiến số ca bệnh cấp cứu và chuyển nặng, chị Ngà thêm thấu hiểu sự nguy hiểm và khốc liệt của dịch bệnh. Bất kể ngày, đêm, công việc của chị và các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến luôn tất bật. Chị Ngà cho biết: "Công việc của tôi mỗi ngày là đi tới từng phòng bệnh để kiểm tra thông tin, đo dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, SPO2 và phát thuốc tới từng bệnh nhân. Đồng thời, nắm bắt tình trạng cũng như tâm tư, nguyện vọng của người bệnh để giải thích, động viên kịp thời. Bộ phận trực hotline 24h chúng tôi liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của bệnh nhân. Chỉ cần bệnh nhân gọi thắc mắc hoặc cần giúp đỡ, chúng tôi có mặt tại phòng bệnh để hỗ trợ kịp thời".
Trong tổng số hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vừa qua có hơn một nửa là nữ. Mỗi chị có một hoàn cảnh khác nhau, người thì chồng là quân nhân trực chiến 100% quân số, phải mang con đi gửi; người thì cả 2 vợ chồng đều làm trong ngành Y tế, dù không cùng bệnh viện, nhưng đặc thù công việc, 2 con phải nhờ nội, ngoại trông nom; có cả những trường hợp con còn nhỏ chưa dứt hơi mẹ… nhưng họ đều chung tinh thần không một ai chùn bước. Gạt đi nỗi niềm riêng, họ luôn tận tâm, tận lực chăm lo cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Bởi điều mà họ quan tâm nhất, đặt lên hàng đầu lúc này chính là sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân. Chị Ngà chia sẻ: "Khi tới từng phòng bệnh chăm sóc, thăm hỏi và gửi bệnh nhân những món quà nhỏ do chính mình chuẩn bị, thấy sức khỏe mọi người hồi phục mỗi ngày, nhất là những cháu nhỏ chỉ vài tháng tuổi, tôi thực sự vui mừng. Nhìn ánh mắt, nụ cười của người bệnh, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cố gắng, giữ vững tinh thần, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, giúp họ sớm được trở về với gia đình".
Bên cạnh các nữ y, bác sĩ tình nguyện tham gia hỗ trợ, chia lửa cùng nhiều địa phương trong tâm dịch, còn có những “bóng hồng” không ngại nắng mưa, vất vả trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
Trái ngược với thân hình mảnh mai của một thiếu nữ, tình nguyện viên Trần Thị Anh Thư (SN 2005, xã Bình Dương, TX Đông Triều) trông rắn rỏi, đĩnh đạc khi tham gia nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cầu Vàng Chua (TX Đông Triều). Thư cùng các bạn đoàn viên thực hiện kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế, hỗ trợ các lực lượng niêm yết cabin, thùng xe đối với các trường hợp ra vào tỉnh. Không kể những ngày nắng nóng gay gắt hay những ngày mưa giông, Thư cùng các tình nguyện viên tại chốt hết lòng với công việc. Với Thư, trải nghiệm trực chốt là kỷ niệm thật đáng nhớ thời học sinh cũng như trong công tác đoàn của mình. Đó là khoảng thời gian quay cuồng với những chồng giấy khai báo y tế dày tới gang tay chỉ mới sau chừng nửa giờ làm; những giây phút đọc mờ cả mắt, viết tê tay… Nhưng với tinh thần “đâu khó có thanh niên”, Thư đã sắp xếp thời gian học tại trường cũng như trực tại chốt phù hợp.
Trần Thị Anh Thư tâm sự: "Các tiết học tại trường thường vào buổi sáng, nên em xin trực nhiệm vụ tại chốt từ 15h-22h hằng ngày. Lúc đầu mới nhận nhiệm vụ, tuổi vẫn còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trực chốt, nên em cũng có chút hồi hộp, lo lắng. Nhưng khi bắt tay vào làm, cảm nhận hết sự vất vả của các lực lượng, đặc biệt là nhận được sự ủng hộ, động viên, hỗ trợ của bố, mẹ em cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt, em càng thêm quyết tâm và cố gắng hơn. Em rất vui và hạnh phúc khi được góp sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống giặc Covid-19".
Không chỉ tham gia hỗ trợ kiểm soát phương tiện ra vào tỉnh, những lúc rảnh rỗi, Thư cùng các bạn đoàn viên tại chốt còn hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ công việc hậu cần. Sự xuất hiện của những cô gái khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện như một làn gió mát, thổi bay đi cái nắng nóng gay gắt tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch những ngày hè vừa qua.
Hậu phương hết lòng san sẻ
Trong cuộc chiến với “giặc Covid-19", bên cạnh các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch, nhiều hội viên các cấp hội phụ nữ tỉnh cũng đang tất bật chẳng nghỉ ngơi. Từ việc ngày đêm miệt mài với các hoạt động vì cộng đồng, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch Covid-19, đến nấu những suất ăn miễn phí, đi chợ thay, may khẩu trang, làm tấm chắn giọt bắn tặng nhân dân và những người nơi tuyến đầu chống dịch... Mỗi nhóm thực hiện theo một cách khác nhau, nhưng đều chung một tấm lòng san sẻ đến tuyến đầu chống dịch với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ tự quản phòng, chống dịch Covid-19 khu Hai Giếng 2 (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) vẫn luôn cần mẫn với công việc cộng đồng. Hơn 10 năm gắn bó với công tác khu phố, trải qua nhiều vị trí khác nhau, bà Hoa luôn tâm huyết, tận tâm, nhiệt tình với công việc. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, không quản ngày đêm, bà chủ động tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động chung tay phòng, chống dịch.
Bà Hoa đã huy động sự tham gia của các tổ trưởng dân phố trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Bà vận động các tổ trưởng tạo nhóm Zalo tổ dân phố để đưa các thông tin cần thiết, các hộ dân thông tin phản hồi về tình hình đời sống của mình, nhất là trong thời điểm khu phố thực hiện phong tỏa do có trường hợp F0. Nhờ đó, khu phố đã giải quyết kịp thời các khó khăn của người dân, giúp họ an tâm trong thời gian thực hiện phong tỏa.
Bà Hoa còn cùng các cán bộ khu phố thường xuyên tuyên truyền bằng loa di động, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn; tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch; phục vụ tiêm chủng; tuyên truyền vận động người dân tích cực đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Bà Hoa bộc bạch: Muốn làm tốt công tác phòng chống dịch thì phải gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tuyên truyền, vận động, tạo nên sự đồng thuận cao. Từ đó góp phần tạo sự thay đổi trong nhận thức để họ chủ động tích cực cùng chung sức tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Như trong đợt vận động ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, chỉ trong 3 ngày, nhân dân khu phố đã ủng hộ được hơn 58 triệu đồng.
Cũng nhờ phương châm “gần dân, sát dân” mà bà Hoa thấu hiểu được những người có hoàn cảnh khó khăn. Bà cùng Ban Điều hành khu phố, tổ trưởng dân phố chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch và hỗ trợ, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kịp thời nắm tình hình nhân dân, báo cáo lãnh đạo phường để giải quyết. Đến nay đã có 15 người dân khu phố có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ. Việc làm ý nghĩa của bà luôn được người dân trong khu đồng tình, ủng hộ và tin tưởng.
Cũng trong những ngày tháng 9 vừa qua, người dân địa phương đã quen thuộc với hình ảnh chị Phan Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) cùng các cán bộ, hội viên phụ nữ từ sáng sớm đến nửa đêm nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm của người dân ủng hộ; tất bật thống kê, phân phối sắp xếp đóng gói cẩn thận từng món quà để trao tặng các lực lượng tuyến đầu, các địa phương khó khăn do dịch bệnh. Chị Dung tích cực chỉ đạo các chi hội trưởng phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền bằng loa phát thanh ở mỗi thôn, khu, vận động, kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các nhà hảo tâm, các gia đình hội viên, phụ nữ và người dân tích cực tham gia ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chị Dung chia sẻ: Chỉ trong vòng 4 ngày, hơn 46 triệu đồng cùng với hơn 3 tấn gạo, nhiều vật phẩm thiết yếu như dầu ăn, lạc, mì chính... đã được người dân xã mang đến Nhà văn hóa để ủng hộ. Những món quà nhỏ nhưng chứa đựng những tình cảm trân quý, gửi gắm tình yêu thương, động viên, niềm tin về chiến thắng đại dịch của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân xã hướng về thành phố mang tên Bác.
Trước đó, khi tình hình dịch trên địa bàn còn phức tạp, chị Dung cùng cán bộ hội viên các chi hội phụ nữ trong xã đã triển khai mô hình “Bữa ăn 3 ca” trong thời gian 1 tháng, trực tiếp nấu ăn hỗ trợ các lực lượng tham gia tại 7 chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn với nguồn kinh phí xã hội hóa. Các cán bộ, hội viên của Hội LHPN xã còn tự tay làm và trao tặng trên 2.000 chiếc khẩu trang cùng hàng nghìn tấm chắn giọt bắn cho lực lượng tuyến đầu.
Mỗi người một nhiệm vụ, một hoàn cảnh, công tác khác nhau, nhưng tinh thần kiên cường, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Vùng mỏ luôn được các chị khẳng định và lan tỏa. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đồng nghĩa với nhiệm vụ của các chị chưa thể ngừng nghỉ. Họ vẫn đang nêu cao quyết tâm, chung sức cùng tỉnh giữ vững "vùng xanh" an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, cùng với cả nước vững vàng chiến thắng đại dịch.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()