4
18
/
1100155
"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
longform

Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Nhiều người cho rằng 2 tỉnh đã “quay” vào ô may mắn. Vì 1 tỉnh thì đặc thù hoạt động giao thương hàng hóa ít, 1 tỉnh thì nằm ở gần như đoạn cuối đường đi của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này. Nhưng trong diễn biến vô cùng phức tạp của biến thể Delta thì ô may mắn không hẳn là bỗng dưng mà có!

Là một đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, đầu mối của hoạt động giao thương hàng hóa, du lịch, dịch vụ trong nước, quốc tế mà đến thời điểm này giữ được là tỉnh “xanh” trong cuộc chiến với biến chủng Delta là thành công rất lớn của Quảng Ninh.

Thành công đó có được trước hết ở việc tỉnh đã vận dụng thực hiện hiệu quả chiến lược nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước và “4 tại chỗ” với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đó chính là, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở một cách cao hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để giữ được địa bàn “sạch” trong 60 ngày qua và sẵn sàng ứng phó nếu lỡ không may “bão Delta” đổ bộ.

Liên tục trong 1 tháng qua vào ngày thứ 2 đầu tuần, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 đều họp trực tuyến với 13 địa phương cấp huyện và 177 xã, phường, thị trấn của tỉnh để triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Đó không chỉ là câu chuyện lên dây cót tinh thần luôn luôn, sẵn sàng trực chiến “chống dịch như chống giặc” từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở mà chiến thuật “3 trước” của Quảng Ninh đang tiếp tục được áp dụng trước tình hình mới ở yêu cầu cao hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

“Chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức ngày càng lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh do diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, khó kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 ở trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam và thủ đô Hà Nội. Trong khi tỉnh vẫn phải duy trì, đảm bảo sự lưu thông thuận lợi đối với các phương tiện, hàng hóa ra vào tỉnh, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy “3 trước, 4 tại chỗ” năm 2021 của Quảng Ninh phải được ứng biến rất linh hoạt, kịp thời, phù hợp. Tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở cộng với phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, nhất là nguồn lực “chính trị, tinh thần, niềm tin” của Nhân dân, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của Vùng mỏ anh hùng theo phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một pháo đài phòng, chống dịch bệnh” – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Nguyễn Xuân Ký cho biết.

“Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn “non”” – Nguyên tắc chống dịch lần thứ 4 này đã được quán triệt và thẩm thấu một cách nhuần nhuyễn từ người đứng đầu tỉnh đến toàn bộ hệ thống chính quyền cơ sở 13 huyện, 177 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Cả hệ thống chính trị với nguyên tắc chống dịch là nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, làm thực chất và hiệu quả. Quảng Ninh đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nâng cao vai trò gắn với ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu. Đang làm rất quyết liệt nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng phù hợp hiệu quả trong tình hình dịch diễn biến phức tạp và tình huống xấu có thể xảy ra. Phương châm chống dịch “3 trước, 4 tại chỗ” được ứng biến linh hoạt hơn từ tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Quán triệt 1 nguyên tắc bất di bất dịch là ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm, cách ly triệt để, thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn, điều trị tích cực, chặn đứng nguồn lây, khóa chặt ca bệnh, dập tắt ổ dịch để Quảng Ninh dù trong bất kể tình huống nào cũng làm chủ được tình hình.

Mỗi ngày trên bản tin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, vẫn có 2 địa phương nằm trong vùng xanh an toàn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà mỗi người dân đang sinh sống ở Quảng Ninh cảm nhận một cách tự hào. Bảo vệ mình, bảo vệ tỉnh xanh, bảo vệ vị trí tiền đồn vùng Đông Bắc, bảo vệ một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, góp phần cùng cả nước bảo vệ binh lực trong “cuộc chiến chống giặc Covid-19” – đó là tinh thần Quảng Ninh!

Từ ngày 20/8, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục siết chặt hơn nữa việc quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh như: Yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính 48 giờ và xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mới được vào địa bàn tỉnh.

Quyết định này đang làm nóng mạng xã hội những giờ qua. Dù cũng còn có những ý kiến cho rằng, đây là điều kiện quá ngặt nghèo, quá khó khăn cho người có nhu cầu muốn vào tỉnh nhưng với hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh thì đây là biện pháp chỉ đạo cao hơn, quyết liệt hơn để cùng đồng tâm bảo vệ “tỉnh xanh” trước “cơn bão” biến chủng Delta đang lan rất nhanh và rất mạnh ở các địa phương trong cả nước.


“Đến thời điểm này nếu không cứng rắn hơn nâng tiếp một bước nữa trong thực hiện chiến lược “4 hơn” (cao hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn) thì rất có thể chúng ta sẽ không bảo vệ được khung thành trước biến thể Delta”- Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết.

Từ vài tháng nay Quảng Ninh đã siết chặt chốt chặn các ngả đường (không, thuỷ, bộ) để mầm bệnh không lọt vào địa bàn. Đến thời điểm này nhìn lại quyết định dừng hoàn toàn hoạt động của xe vận chuyển khách liên tỉnh đến Quảng Ninh từ tháng 5/2021 của Quảng Ninh là rất chính xác và đúng thời điểm. Dù rằng khi đó số ca nhiễm Covid-19 của biến thể Delta mới chỉ rải rác ở một vài địa phương khu vực miền Trung và phía Bắc.

“Xe ô tô chở khách chính là một trong những phương tiện chở mầm bệnh đi nhanh hơn, rộng hơn, chúng ta đã rất sáng suốt khi tạm dừng hoạt động của loại phương tiện này từ tỉnh ngoài vào tỉnh. Đúng là ban đầu người dân thấy rất bất tiện nhưng giờ thấy thấm thía chiến lược phòng dịch ở mức cao hơn, nhanh hơn của tỉnh thế nên tất cả các chỉ đạo đưa ra thời gian gần đây đều rất được nhân dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành thực hiện rất tốt” – Chủ tịch UBND TX Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết.

Nhanh hơn, quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, ở bên trong Quảng Ninh cũng đã rất khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin diện rộng lớn từ trước đến nay theo phương án “tiêm cuốn chiếu” tạo vùng xanh an toàn theo đúng quy định. Những huyện miền núi biên giới như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái chỉ trong thời gian hơn 1 tháng đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi 1, hoặc 2 mũi cho nhân dân địa bàn. Không cân nhắc, không đo đếm, không kén cá chọn canh, đối với người dân Quảng Ninh được tiêm vắc-xin sớm là hạnh phúc! Và Quảng Ninh đến thời điểm này khẳng định tổ chức việc tiêm vắc-xin rất hiệu quả, không để xảy ra bất kỳ tình huống đáng tiếc nào.

“Tính đến ngày 20/8, hơn 45.000 người dân các xã giáp biên tại huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà và TP Móng Cái đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, đạt hơn 98% diện tiêm chủng lần này. Trong đó, riêng huyện Bình Liêu đã tiêm cho hơn 15.000 người, cơ bản hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người trên 18 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng, chiếm gần 50% dân số toàn huyện. Như vậy vùng các địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh sẽ là một vùng xanh an toàn sớm của cả nước”- Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết.

Nhìn sự quá tải của hệ thống y tế các tỉnh khu vực phía Nam, Quảng Ninh tự rút ra bài học đi trước, cao hơn, nhanh hơn và phải hiệu quả. Đó là, xây dựng phương án sẵn sàng cơ chế điều hành, điều phối, xử lý khi có tình huống 1.000, 5.000 ca F0 trên địa bàn và tính tới phương án có 10.000 ca F0. Theo đó, nếu có 500 ca F0 thì các cơ sở y tế hiện nay đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận, thu dung, điều trị. Nếu có 1.000 ca F0 chuyển Bệnh viện đa khoa Hạ Long thành Bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 số 3. Đối với trường hợp có 5.000 ca F0, tỉnh sẽ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực tại cơ sở vật chất của Bệnh viện Lão khoa (Bệnh viện số 4). Nhân lực y tế để thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây sẽ giao cho Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Bãi Cháy đảm trách.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết: Đến thời điểm này Quảng Ninh đã sẵn sàng toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ứng phó với tình huống xấu nhất nếu xảy ra, nhất là các vật tư y tế tiêu hao, thuốc men, ô xy, máy thở tỉnh đã có dự trù rất căn cơ”.

“Phương án kịch bản đã được xây dựng nhưng cơ chế vận hành, điều phối, xử lý y tế phải được tập dượt rất thành thục. Chúng ta đã có các phương án 35 ca F0 thì làm gì, 500, 1.000, 5.000 và tính đến 10.000 ca F0 cách xử lý thế nào? Dự trù tình huống xấu ở mức cao hơn thì chúng ta sẽ có giải pháp ứng phó chủ động hơn. Tuyệt đối không chủ quan, không lơ là không thoả mãn “non”, luôn luôn chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở với phương châm cao hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn– đó là điều tôi luôn luôn phải nhắc nhở từ Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Biến chủng Delta vô vùng nguy hiểm và khó lường, hậu quả gây ra ở các tỉnh khu vực phía Nam đã quá lớn, chúng ta có mạnh tay hơn để bảo vệ “tỉnh xanh” chắc chắn nhân dân rất ủng hộ và tuyệt đối tuân thủ” – Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhắc nhở khi kiểm tra cơ chế điều phối hoạt động của ngành Y tế ngày 19/8.

“Cửa đóng then cài” cứng rắn thực hiện “4 hơn” – Quảng Ninh xác định đây là thời điểm lịch sử bảo vệ “tỉnh xanh”.

Giữa những diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19 năm 2021, thậm chí, thời điểm đầu năm, Quảng Ninh còn là một trong 2 địa phương được coi là “tâm dịch” khi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, thế nhưng, chưa bao giờ chuỗi sản xuất của tỉnh bị đứt gãy. Lãnh đạo tỉnh khẳng định: Giữ “vùng xanh” cho chuỗi sản xuất, chính là giải pháp quan trọng để giữ an toàn cho nền kinh tế, cũng là đảm bảo đời sống cho nhân dân và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp!

Các chuỗi sản xuất của Quảng Ninh có ở hầu khắp các ngành, lĩnh vực, từ nông - lâm - ngư nghiệp đến công nghiệp, thương mại,… đã, đang hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu cho địa phương, đảm bảo đời sống cho hàng trăm ngàn lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhất là đã xuất hiện các biến chủng mới, có tốc độ lây lan nhanh hơn trước đây, để không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, Quảng Ninh đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp rất quyết liệt. Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp, chính quyền địa phương tập trung kiểm tra, chỉ đạo người lao động tạm thời không di chuyển ra khỏi tỉnh; các trường hợp đi - về từ vùng dịch, tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm phải thực hiện cách ly, giám sát theo quy định; tổ chức định kỳ lấy mẫu xét nghiệm xác suất, luân phiên tại các phân xưởng, nhà máy để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, đảm bảo thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh thông qua kết quả xét nghiệm. Ứng dụng công nghệ số qua thiết bị di động thông minh cũng đã được áp dụng cho người lao động, như: Bluezone, Ncovi, Tờ khai báo y tế (http://tokhaiyte.vn), sử dụng mã QR Code… giúp rút ngắn quá trình khai báo, kiểm tra y tế.

Đáng chú ý, từ tháng 7/2021, Quảng Ninh đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng (đợt 5). Một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm sớm là các đơn vị sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, đơn vị sản xuất lớn như ngành sản xuất than, điện - nơi có lực lượng lao động rất đông đảo, điều kiện làm việc khép kín trong hệ thống nhà xưởng. Điều này cho thấy quyết tâm cũng như tầm nhìn từ sớm của tỉnh trong việc giữ “vùng xanh” những khu vực sản xuất của tỉnh. Bởi chỉ một ca mắc Covid-19 trong các đơn vị sản xuất cũng có thể gây ra ngưng trệ sản xuất trên diện rộng. Giải pháp này của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, người lao động hưởng ứng và triển khai thực hiện nghiêm túc thời gian qua. Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam cho biết: Việc tiêm vắc-xin cho CBCNV trong KCN Cảng biển Hải Hà nói chung và KCN Texhong Hải Hà nói riêng sẽ giúp cho chúng tôi đảm bảo an toàn cho người lao động, đồng thời duy trì được nhịp độ sản xuất, đáp ứng tốt tiến độ, chất lượng các đơn hàng.

Được biết, cơ bản trong tháng 7, các đơn vị sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho CBCN-LĐ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 6 năm 2021 (từ ngày 26/7 đến 2/9). Trong đó, tiếp tục dành hàng ngàn liều cho nhóm đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ thường xuyên tiếp xúc đông người...

Thêm một giải pháp “đi trước” của Quảng Ninh nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời trước mọi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, chính là chủ động xét nghiệm sàng lọc Sars-CoV-2 trên diện rộng, ưu tiên thực hiện sớm đối với người làm việc trong các đơn vị sản xuất, khu vực sản xuất. Trong đợt cao điểm từ ngày 7 đến ngày 12/8, toàn tỉnh đã triển khai tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho người lao động, công nhân các công trường xây dựng, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh, tính từ ngày 31/7 đến ngày 12/8, toàn tỉnh đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho trên 25.000 lao động, tại 56/56 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 80,75%. Tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Những nỗ lực của tỉnh đã giúp cho các vùng sản xuất, đơn vị sản xuất của Quảng Ninh đến nay đều an toàn, duy trì nhịp độ sản xuất tốt. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nội tỉnh. Về sản xuất công nghiệp - được xác định là trụ cột tăng trưởng của tỉnh năm 2021 tiếp tục có bứt phá. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 8,83%, lũy kế 7 tháng tăng 6,72% cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng (tăng 11,6% cùng kỳ năm 2020), đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như dệt may, thực phẩm, nông sản,... đến các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Trung Quốc, EU.

Để giữ “vùng xanh” cho chuỗi sản xuất nói riêng, cũng như “vùng xanh” cho nền kinh tế địa phương, Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp, lao động trong lĩnh vực vận tải, giao nhận, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục, siêu thị...

Với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế 2 con số, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn phức tạp, Quảng Ninh vẫn ưu tiên dành nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển; đồng thời, tiếp tục khơi thông hiệu quả dòng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Quyết tâm này giúp cho các dự án, công trình của tỉnh liên tiếp được triển khai, góp phần quan trọng tô điểm trong bức tranh kinh tế của tỉnh nhiều màu tươi sáng hơn giữa đại dịch Covid-19 năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định: Các nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn này đối với tỉnh rất quý giá, là động lực bền vững để phát triển KT-XH địa phương. Chính vì vậy, đối với nguồn vốn đầu tư công, tỉnh đã xem xét, rà soát, lựa chọn rất kỹ lưỡng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư. Cùng với đó, đối với các dự án ngoài ngân sách, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong triển khai dự án. UBND tỉnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm với tỉnh nếu để xảy ra các dự án chậm tiến độ GPMB, chậm giải ngân vốn đầu tư công hoặc còn gây khó dễ, không tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án. Quảng Ninh cũng xác định rõ, mọi hoạt động trên các công trình, dự án đều phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, thực hiện phòng, chống dịch bệnh ở cấp độ cao nhất.

Chính sự quyết liệt này mà trong đại dịch Covid-19, trên các dự án, công trình trên địa bàn Quảng Ninh vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Để đáp ứng tiến độ dự án đặt ra, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị, thi công liên tục, như: Dự án cầu Cửa Lục 1, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả,…

Tính đến ngày 25/7/2021, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2021 của tỉnh đạt trên 18.717 tỷ đồng, chiếm 57% tổng chi ngân sách địa phương; giải ngân đạt 42,3% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,5%). Về tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 42,3% theo kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020; cấp huyện giải ngân đạt 39,1% theo kế hoạch, tăng 6,4% cùng kỳ. Công tác xử lý nợ đọng XDCB, thu hồi vốn ứng từng bước được xử lý dứt điểm đáp ứng quy định và yêu cầu.

Với quan điểm “Kiên quyết không để lãng phí nguồn lực đầu tư dù chỉ 1 đồng”, tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2021. Cụ thể, có 19 dự án, công trình phải giảm nguồn vốn đầu tư với tổng số tiền trên 684 tỷ đồng. Trong đó, giảm nguồn vốn đầu tư đối với 16 dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân đạt 50% kế hoạch đến 30/6, 1 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt 100% đến 30/9 và 2 dự án hoàn thành không còn nhu cầu về vốn. Qua đó, để tập trung cho các dự án động lực đang triển khai, hoặc đã hoàn thành quyết toán, như: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều giai đoạn 1; nâng cấp hồ chứa nước Cao Vân; Tuyến đường hành hương khu vực Chùa Hồ Thiên với khu vực Chùa Ngọa Vân; cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341; mở rộng Bệnh viện Bãi Cháy giai đoạn 3… Những dự án này khi hoàn thiện, sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Cùng với các dự án đầu tư bằng ngân sách, dù đang trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, thế nhưng Quảng Ninh vẫn thu hút dòng vốn đầu tư ngoài ngân sách rất lớn. Riêng trong tháng 7/2021 đạt trên 2.236 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đạt trên 282.236 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm trên 24.926 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 38 dự án vốn trong nước, tổng vốn đăng ký là 257.310 tỷ đồng.

Hiện nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó phải kể đến: Dự án Trung tâm thương mại Lotte; Khu du lịch, dịch vụ, đô thị ven biển (Khu A) tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; Khu đô thị mới Ninh Dương (Giai đoạn 1);… Cùng với các dự án đang triển khai, dự kiến trong tháng 10/2021, có thể khởi công 2 dự án lớn là Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh và dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Để hỗ trợ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh - Investor Care. Nhiệm vụ của tổ công tác là tham gia hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đề xuất với tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương phối hợp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, nhằm tạo thuận lợi trong đẩy nhanh tiến độ dự án. Đặc biệt, ở một số dự án mang tính động lực, lâu dài, tỉnh thành lập các tổ hỗ trợ riêng, như: Tổ công tác hỗ trợ các dự án của Tập đoàn Thành Công; Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, Tổ công tác hỗ trợ triển khai các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN trên địa bàn TX Quảng Yên,…

Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra thực tế việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngay trên các công trường. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý triệt để những vấn đề làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công dự án.

Đang được sống trong vùng “xanh” an toàn là niềm tự hào, hạnh phúc của người dân Quảng Ninh. Mỗi ngày kết thúc với thông tin không xuất hiện ca F0 trên địa bàn là một ngày quyết tâm hơn nỗ lực, cố gắng, kiên quyết bảo vệ “tỉnh xanh” trước “cơn bão” biến chủng Delta của hơn 1 triệu người dân tỉnh Quảng Ninh.

Bác sỹ Ninh Văn Chủ, Giám đốc CDC Quảng Ninh viết trên trang facebook của mình: “Chính sách chống dịch có thể “cứng”, cũng có thể “thô bạo” nhưng mục tiêu cuối cùng của chính quyền cũng là để không một người dân hay lực lượng chống dịch phải “ra đi” một cách vô ích. Cuộc chiến thật khốc liệt và đẫm máu, hãy cùng nhau cố gắng để vượt qua từng ngày. Hy vọng ngày mai sẽ khác!”.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã phá vỡ hoàn toàn đồng hồ và bản đồ dịch bệnh Covid-19, với số ca nhiễm mới trên thế giới, tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, thủ đô Hà Nội tăng lên mỗi ngày cho thấy sự phức tạp, nguy hiểm, khó kiểm soát của tình hình dịch bệnh. Hơn lúc nào hết thời điểm này việc đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết là mệnh lệnh hành động của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, các địa phương từ cấp cơ sở.

Quảng Ninh đang là một “tỉnh xanh” an toàn, việc tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ cho Tổ quốc, cho đất nước là trách nhiệm, là nghĩa vụ được cả hệ thống chính trị của tỉnh nhận thức một cách sâu sắc và quyết liệt thực hiện bằng quyết tâm cao nhất. “Siết chặt quản lý, kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh, ngăn chặn triệt để mọi nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn; xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động ở cộng đồng, trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế khoa học, hiệu quả… là 2 biện pháp quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay để chúng ta không bị bị động, bất ngờ về ca bệnh, mầm bệnh” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh cho biết.

Yêu cầu phải có xét nghiệp PCR âm tính 48 tiếng, có xác nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, tổng kiểm tra hành chính… đó là những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ địa bàn an toàn trong lúc nước sôi lửa bỏng. Và để những biện pháp kỹ thuật đó hiệu quả thì niềm tự hào đang được sống trong vùng “xanh” an toàn cần được thể hiện rõ từ trách nhiệm chủ thể của người dân. “Chính trị, tinh thần, niềm tin” là nguồn lực, “kỷ luật và đồng tâm” là pháo đài chống dịch. Đặt sức khỏe, tính mạng là trên hết, trước đó là trách nhiệm chung của mỗi người trong phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ đạo sản xuất: Vũ Tuấn

Thực hiện: Ngọc Lan - Hồng Nhung

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn



Chiến lược "5k + Truyền thông + Công nghệ + Vắc xin"
Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.   
   
Quyết tâm giữ vững "Địa bàn xanh"
Quảng Ninh đang giữ được địa bàn an toàn nhờ việc chặn đứng đường lây, khoá chặt các ca bệnh, kiểm soát chặt địa bàn.   
   
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
Tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, nhất là nguồn lực, cơ sở vật chất y tế, nhân lực tinh nhuệ…    
   
Tạo những "vùng xanh" an toàn
Tiêm vắc xin được xác định là chiến lược quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.   
   
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
“Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất” - Đây là quyết tâm lớn mà Quảng Ninh đã đặt rõ trong chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19.   
   
Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, tinh thần “Toàn dân chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc” luôn sục sôi trong mỗi người dân đất Mỏ.    

.