Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:42 (GMT +7)
Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện
Thứ 4, 25/01/2023 | 13:55:34 [GMT +7] A A
Có thể nói, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số là những thành tố chính tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất” của văn hóa Quảng Ninh. Con người nơi đây cũng hội tụ từ nhiều vùng miền, có khí chất phóng khoáng, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm... Vì thế, trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa giàu bản sắc, con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”.
Nền tảng của sự phát triển
Quảng Ninh được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các tài nguyên vô hạn và hữu hạn. Đây còn là nơi mang trong mình những giá trị riêng biệt, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nơi lưu giữ giá trị nổi bật của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, phát tích của thiền phái Trúc Lâm cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với di sản vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”. Con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp.
Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, riêng có ấy luôn được tỉnh Quảng Ninh trân trọng, bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, thiên nhiên, con người và văn hóa được xác định là 3 trụ cột để Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.
Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng ta về phát triển văn hóa ở một vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa hàng nghìn năm, với nhiều nét riêng, đặc thù, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng trong thống nhất của các dân tộc anh em trên vùng đất địa đầu Đông Bắc. Do đó, Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Kiên định với quan điểm xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Quảng Ninh, trước tiên tạo chuyển biến rõ nét từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp làm nòng cốt, gương mẫu, đi đầu, tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh; coi trọng, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong bảo tồn và phát triển văn hóa; đầu tư xây dựng và phát huy tối đa hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng đời sống nhân dân được tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ ràng, thống nhất, cụ thể trong Nghị quyết 11-NQ/TU.
Trên cơ sở kế thừa những thành quả của các thế hệ đi trước, khắc phục những hạn chế trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế, cùng những giải pháp quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, giai đoạn từ năm 2018 đến nay không phải là dài song Quảng Ninh có quyền tự hào về sức lan tỏa của Nghị quyết 11-NQ/TU, đã và đang không ngừng thấm sâu vào đời sống xã hội tạo nên những thành tựu vượt bậc, những đổi mới toàn diện, những bản sắc văn hóa được phát huy.
Quan trọng hơn hết đó là mỗi con người Quảng Ninh hôm nay đã dần mang những đặc trưng "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện". Họ là thành tố quan trọng đang từng ngày xây dựng và phát triển Quảng Ninh với "Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc".
Hướng tới chân - thiện - mỹ
Con người Quảng Ninh hội tụ bởi sự “đa dạng trong thống nhất” của phong tục, tập quán, lối sống, tri thức dân gian... của các dân tộc sinh sống theo cộng đồng dân cư phân bổ khắp địa bàn rộng lớn, cả biển đảo, núi rừng, biên giới, đồng thời, trải qua quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của ngành Than gắn với giai cấp thợ mỏ.
Để từng bước tôi rèn con người Vùng mỏ với những phẩm chất tốt đẹp, Quảng Ninh luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Từ đó, một số địa phương đã hình thành nên những "bảo tàng sống” về bản sắc văn hóa truyền thống ở các thôn, bản như: Mô hình Trung tâm Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, TP Hạ Long; bản văn hóa dân tộc Tày (xã Lục Hồn), dân tộc Sán Chay (xã Húc Động), huyện Bình Liêu; nhà văn hóa dân tộc của người Sán Chỉ, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên...
Hệ thống di tích, di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh dày đặc, giàu có, quý giá với 613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... khiến mỗi người con của Quảng Ninh không khỏi tự hào.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân, hệ thống các di tích, di sản văn hóa Quảng Ninh đã và đang được đầu tư phục dựng, bảo vệ, phát huy, không chỉ tạo sức hút của các di tích, di sản, thực tiễn sống động giáo dục văn hóa cho con người hướng tới chân - thiện - mỹ, mà còn là điểm đến hấp dẫn thôi thúc bất cứ ai ít nhất một lần trong đời cũng muốn đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Bằng nguồn lực thỏa đáng, sự đầu tư đúng đắn, hướng đi bài bản trên cơ sở kiên định với quan điểm "con người là sức mạnh nội sinh của sự phát triển", giờ đây, chắc chắn mỗi người Quảng Ninh đều không khỏi tự hào bởi được thụ hưởng những công trình văn hóa mang tầm quốc tế và khu vực như: Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Cung Văn hóa Thanh, thiếu nhi...
Hình ảnh của những công trình văn hóa hiện đại, hình ảnh của Quảng Ninh đổi mới hôm nay và cả con người Quảng Ninh hào sảng, hòa đồng, mến khách đã và đang được lan tỏa khắp thế giới thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí mang tầm quốc tế như: SEA Game 31, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long 2022... Đây không chỉ là những cơ hội quảng bá hình ảnh con người, vùng đất, quê hương Quảng Ninh, mà hơn hết, chính mỗi con người Quảng Ninh đều đang trực tiếp tham gia, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nâng cao thể chất của người dân.
Những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường phát triển, từ đó không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó được xây dựng thành quy định của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương như: TP Uông Bí xây dựng bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân thành phố Uông Bí”; TP Móng Cái ban hành bộ quy tắc ứng xử “Người Móng Cái thân thiện”; TP Cẩm Phả xây dựng hình ảnh “Con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình”; TX Đông Triều xây dựng “Người Đông Triều văn minh, thân thiện”; Công an tỉnh xây dựng quy tắc ứng xử “Xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ công an Quảng Ninh cùng nụ cười Hạ Long”... Qua đó, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống đẹp, văn minh, xây dựng con người Quảng Ninh "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện".
Những gì Quảng Ninh đã và đang làm không chỉ giúp con người phát triển toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn, làm chủ trong xu thế hội nhập, mà quan trọng hơn giúp mỗi con người làm nên, tạo ra và thụ hưởng những tiêu chí của hạnh phúc, thành quả của sự phát triển, tiến bộ của xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long: "Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án Văn hóa công vụ"
Với vai trò là thành phố thủ phủ, khối lượng công việc mà các cán bộ, công chức, viên chức của Hạ Long cần phải giải quyết liên quan đến người dân và các doanh nghiệp rất lớn. Do đó, chúng tôi xác định, việc nâng cao văn hóa công vụ sẽ là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Tháng 8/2019, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.
Qua hơn 3 năm triển khai, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát, sửa đổi, ban hành quy chế làm việc, quy định rõ nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc; tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động, nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản trên môi trường điện tử.
Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn và thực hiện “4 xin, 4 luôn” (Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ). Đi liền với đó, phong trào thi đua cũng đã nâng cao văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các khía cạnh: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục... Để tiếp tục khơi dậy quyết tâm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính chuyên nghiệp, hiệu quả của các cơ quan công quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Khi người đứng đầu là một tấm gương sáng về nhân phẩm đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ có uy tín trong đơn vị, cơ quan và văn hóa công vụ ở cơ quan đó sẽ được nâng lên và phát triển.
Bà Trần Thúy Tập, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ và thương mại Thăng Long, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Uông Bí: "Tôi tự hào là công dân của TP Uông Bí"
Năm 2016, TP Uông Bí ban hành bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân TP Uông Bí” gồm 5 nguyên tắc chung, 8 điều nên và 4 điều không nên làm, nhằm hình thành thói quen ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện cho người dân, góp phần xây dựng hình ảnh con người và thành phố cởi mở, thân thiện, tạo ấn tượng, niềm tin đối với người dân, du khách.
Với một đơn vị kinh doanh dịch vụ nói chung, bản thân là một công dân của thành phố nói riêng, tôi thấy bộ quy tắc ứng xử này rất ý nghĩa và thiết thực cho sự phát triển của thành phố. Nhìn lại hành trình triển khai bộ quy tắc cho đến nay, điều rõ nét nhất mà chúng tôi nhận thấy là tất cả mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố đều đã nêu cao trách nhiệm của mình trong cộng đồng dân cư, tích cực tham gia các hoạt động chung trên tinh thần xây dựng, thắt chặt tình nghĩa láng giềng, nhân rộng những việc làm tốt, những điển hình tiên tiến...
Về phía đội ngũ công chức Uông Bí từ cấp thành phố đến xã, phường cũng đều nâng cao trách nhiệm với công việc, giao tiếp, làm việc với người dân, doanh nghiệp trên cơ sở tinh thần phục vụ. Mọi hành vi như cửa quyền, sách nhiễu, ban ơn dường như không còn tái diễn. Chính sự đoàn kết, trách nhiệm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp đã góp phần chung tay giúp cho TP Uông Bí có sự chuyển động mạnh mẽ, toàn diện mọi mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tôi thấy hết sức tự hào khi mình là công dân của Uông Bí.
Anh Nguyễn Thái Duy, Bí thư Thành Đoàn Cẩm Phả: "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên"
Việc xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố. Chiếm 50% lực lượng lao động của thành phố, thanh niên là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình.
Phát huy vai trò xung kích, thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Cẩm Phả đã tích cực tuyên truyền, vận động để đưa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Cẩm Phả nói riêng vào cuộc sống. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử cho thanh niên qua các tấm gương điển hình; triển khai có chiều sâu cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; cuộc vận động “Mỗi ngày một việc tốt, mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một việc tốt”, tổ chức Hội thi Người giới thiệu hay nhất về thành phố Cẩm Phả; triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử "Tự hào là công dân Cẩm Phả"... Bên cạnh đó, ĐVTN còn tăng cường đấu tranh chống lại các sản phẩm xấu độc, duy trì các việc làm tình nguyện vì cộng đồng, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu...
Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên, Thành Đoàn Cẩm Phả sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho ĐVTN nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, hình ảnh con người Cẩm Phả; phối hợp nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo; phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống để học sinh, sinh viên, học viên noi theo.
Ông Lê Thanh, khu phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Yên: "Tôi luôn là tấm gương giáo dục con cháu phải nâng cao ý thức, nói lời hay, cử chỉ đẹp"
Thực hiện phong trào “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh”, cá nhân tôi luôn gương mẫu, là tấm gương, không ngừng giáo dục con cháu phải nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, nói lời hay, cử chỉ đẹp bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, không hút thuốc hay không gây gổ, cãi vã, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cảnh quan môi trường đô thị.
Tôi cho rằng, việc thực hiện phong trào “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh” là rất cần thiết, từ đó hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, biết “kính trên, nhường dưới”, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp, tạo môi trường tốt nhất cho mỗi cá nhân học tập và nỗ lực vươn tới những giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Phong trào này khuyên nhủ mỗi người nói những lời lẽ tốt đẹp, tâm hướng thiện, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn để giúp cho cuộc sống tiến bộ, văn minh hơn. Nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh với người xung quanh và nơi công cộng là biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Qua đó, góp phần nhân lên những giá trị mới tốt đẹp hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()