Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:30 (GMT +7)
Tích cực đồng hành, hỗ trợ đưa vùng đồng bằng sông Hồng phát triển đột phá
Chủ nhật, 12/02/2023 | 14:24:10 [GMT +7] A A
Trong khuôn khổ hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, các chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có những phân tích, đánh giá khách quan về việc đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Đồng thời đưa ra những cam kết để đồng hành trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận một số ý kiến tại hội nghị.
Ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển đô thị toàn diện ở ĐBSH".
Vùng ĐBSH có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam. Vùng cũng có những lợi thế lớn để phát triển du lịch với Vịnh Hạ Long, một Di sản thiên nhiên thế giới và là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, vùng ĐBSH đang phải đối mặt với nhiều thách thức cho sự phát triển lâu dài của mình (tác động của biến đổi khí hậu, mật độ dân số cao nhất cả nước, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị chưa được hiện đại hóa cao…).
Nhằm hỗ trợ Vùng ĐBSH giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, kết nối vùng và phát triển đô thị, trong thời gian tới, ADB đang tiếp tục xem xét tài trợ cho 4 dự án và làm việc với Bộ NN&PTNT để quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp. Các dự án này đều sẽ ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển đô thị toàn diện ở khu vực ĐBSH. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho khu vực ĐBSH nhờ khả năng thích ứng khí hậu được cải thiện. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục sẵn sàng làm việc với các bộ, ngành và địa phương liên quan để hỗ trợ khu vực trong hành trình phát triển không ngừng.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam: “Hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam”.
Từ năm 2015, các chuyên gia sản xuất từ Samsung Hàn Quốc đã làm việc với khoảng 400 công ty Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công ty tham gia chương trình đã có những phản hồi rất tích cực như năng suất tăng 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được tư vấn và hỗ trợ. Những người tham gia cũng được ưu tiên khi họ được tham gia mạng lưới các nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam. Kể từ đó đến nay, đã có 33 doanh nghiệp trở nhà thành cung cấp của Samsung tại Việt Nam. Bên cạnh tư vấn doanh nghiệp, Samsung cũng đã triển khai chương trình phát triển tài năng chuyên gia.
Mới đây nhất, vào năm 2022, Samsung Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ mới với Bộ Công Thương để triển khai chương trình nhà máy thông minh nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ, chúng tôi sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình về sản xuất thông minh cho 50 doanh nghiệp trong 2 năm; hoàn thành các dự án nhà máy thông minh với 26 doanh nghiệp địa phương và sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng với các doanh nghiệp khác trong thời gian tới. Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Chính trong quá trình thực hiện các chương trình trên, chúng tôi đã học được những bài học quý giá và Samsung Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam cũng như các công ty địa phương bằng cách tăng gấp đôi nghiên cứu về khoa học và công nghệ. Để từ đó, góp phần chung tay phát triển vùng ĐBSH trở thành trung tâm KHCN, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, giúp các nhà sản xuất trong nước phát triển, trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Đặc biệt, chúng tôi sẽ luôn là đối tác tin cậy của Chính phủ Việt Nam trên hành trình vươn tới thành công và thịnh vượng chung.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức ngoại thương Nhật Bản tại Hà Nội: “Vùng ĐBSH đang ngày càng trở thành đối tác kinh doanh tin cậy của Nhật Bản”.
Trong một cuộc khảo sát 600 công ty Nhật Bản tại Việt Nam, thì có hơn 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết công ty họ sẽ mở rộng kinh doanh trong một đến hai năm tới tại đây, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào các địa phương Vùng ĐBSH trong kế hoạch phát triển từ 5-10 năm tới. Ví dụ như: Các dự án thành phố thông minh và dự án mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long của Sumitomo; dự án điện sinh khối của E-Rex và JFE Engineering; dự án xây dựng nhà máy điện LNG/thiết bị đầu cuối của Marubeni và Tokyo Gas; dự án mở rộng sản xuất chất bán dẫn của Rorze.
Thêm nữa, Yokowo, nhà sản xuất điện và điện tử toàn cầu, dự định xây dựng nhà máy kiểm tra linh kiện bán dẫn với trang thiết bị hiện đại tại Hưng Yên. Tập đoàn Aeon cũng sẽ tích cực mở rộng thêm các điểm bán lẻ trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Công ty xây dựng Chodai và Maeda sẽ triển khai dự án xử lý rác thải y tế và rác thải tổng hợp tại tỉnh Quảng Ninh. Hitachi sẽ thực hiện dự án kiểm soát tổn thất trong hệ thống truyền tải điện để giảm thiểu CO2. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều dự án hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp Việt Nam (start-ups) và các công ty toàn cầu của Nhật Bản trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vận tải, tài chính, bán lẻ và giáo dục.
Chắn chắn là những dự án thế hệ tiếp theo này thu hút nhiều công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đến Việt Nam, giúp làm gia tăng giá trị nền kinh tế một cách bền vững. Đồng thời, khẳng định Việt Nam nói chung và các tỉnh trong Vùng ĐBSH nói riêng đang ngày càng trở thành đối tác kinh doanh tin cậy của Nhật Bản.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC: “Xây dựng Vùng ĐBSH thành trung tâm dịch vụ dữ liệu khu vực – Digital HUB”.
Với những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế đặc thù về vị trí địa lý và chính sách của Chính phủ, chúng tôi cho rằng ĐBSH đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để xây dựng trở thành Digital HUB của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành Digital HUB khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong Nghị quyết số 30 cũng đã chỉ ra rõ nhiệm vụ quan trọng, đó là ĐBSH sẽ tập trung phát triển thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số. Tôi cho rằng đây đều là những tín hiệu tích cực và hứa hẹn cho việc tạo tiền đề chính sách mở và nhất quán của Chính phủ cho việc biến Việt Nam thành Digital HUB khu vực.
Để hiện thực hóa chiến lược này, chúng tôi mong muốn Chính phủ cần đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, trí tuệ nhân tạo của cả nước; đồng thời cần tính đến trục kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, mở thêm cáp quang trên đất liền. Để từ đó, các khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới sẽ được trải nghiệm hệ thống hạ tầng viễn thông liền mạch, ổn định và toàn diện hơn. Về phía CMC, chúng tôi cũng cam kết tiếp tục đóng góp hết mình trong việc xây dựng ĐBSH trở thành Digital HUB, góp phần đưa Việt Nam thành Digital HUB khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Từ đó, góp phần chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số, vì một Việt Nam hùng cường.
Hoàng Nga-Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()