Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:32 (GMT +7)
9 loại thuốc làm tăng té ngã ở người lớn tuổi
Thứ 6, 01/09/2023 | 09:02:30 [GMT +7] A A
Việc uống một số loại thuốc hàng ngày có thể khiến người cao tuổi dễ bị ngã hơn. Ở người già ngã có thể gây gãy xương dẫn đến giảm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Té ngã ở người cao tuổi làm tăng nguy cơ gãy xương, nhập viện, tàn tật và thậm chí tử vong. Do đó, một trong những giải pháp để giảm thiểu nguy cơ té ngã là xem lại danh sách thuốc mà người cao tuổi đang dùng...
Dưới đây là các loại thuốc cần thận trọng dùng ở người cao tuổi:
1. Thuốc chống trầm cảm
Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nhưng một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ té ngã hơn những loại khác.
Ví dụ, thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) dường như có nguy cơ cao hơn, bao gồm: Amitriptylin (amitril), nortriptylin (pamelor)…
Một loại thuốc chống trầm cảm khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Các thuốc này bao gồm: Escitalopram (lexapro), sertralin (zoloft), citalopram (celexa)…
Nếu người bệnh (nhất là người lớn tuổi) đang dùng thuốc điều trị trầm cảm nhưng bị ngã hoặc có nguy cơ bị ngã, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể lựa chọn sang loại thuốc khác ít nguy cơ này.
2. Thuốc trị mất ngủ
Các loại thuốc phổ biến điều trị mất ngủ như: Zolpidem, eszopiclone (lunesta), zaleplon (sonata)… Những loại thuốc này giúp người bệnh ngủ ngon hơn, nhưng lại là một trong nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ngã. Đây là một vấn đề đặc biệt cần lưu ý nếu bạn cần thức dậy vào ban đêm. Thuốc ngủ cũng có thể khiến bạn kém tỉnh táo và phản ứng chậm hơn vào ngày hôm sau.
Để khắc phục điều này, trước tiên hãy nói chuyện với bác sĩ về việc thử các phương pháp điều trị không dùng thuốc, ví dụ như liệu pháp hành vi (giúp bạn phát triển những thói quen có thể cải thiện giấc ngủ), thiền định, tập yoga… có thể hữu ích.
Nếu trước đây bạn đã từng bị ngã, hãy cho bác sĩ biết trước khi kê đơn thuốc trị mất ngủ.
3. Thuốc chống lo âu
Các thuốc benzodiazepine được dùng để giảm lo âu, căng thẳng… nhưng loại thuốc này cũng khiến người lớn tuổi dễ bị ngã hơn.
Ví dụ về các thuốc benzodiazepin như: Lorazepam (ativan), diazepam (valium), temazepam, alprazolam (xanax)…
Những loại thuốc này có thể đặc biệt rủi ro khi sử dụng lâu dài (hơn 2 tuần). Nếu bạn đã sử dụng các loại thuốc này trong một thời gian dài, hãy trao đổi với bác sĩ về việc giảm dần liều lượng khi bạn sẵn sàng ngừng dùng chúng. Điều này có thể giúp giảm thiểu khả năng bạn bị ngã.
4. Thuốc giãn cơ
Tương tự như thuốc ngủ và chống lo âu, thuốc giãn cơ có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở người lớn tuổi. Đặc biệt buồn ngủ và lú lẫn có thể làm tăng khả năng té ngã.
Ví dụ về thuốc giãn cơ bao gồm: Diazepam (valium), methocarbamol (robaxin), cyclobenzaprine (flexeril, amrix), metaxalone (skelaxin), clorzoxazone (lorzone)…
Nếu bạn cần một loại thuốc giãn cơ, các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài ra, có nhiều cách an toàn hơn để giúp thư giãn cơ bắp như: Bài tập động tác thấp, thủy liệu pháp, vật lý trị liệu…
5. Thuốc chống động kinh
Thuốc chống động kinh (chống co giật) thường gây ra tác dụng phụ là chóng mặt, lú lẫn và an thần… rất nguy hiểm ở người lớn tuổi. Những tác dụng phụ này có thể làm tăng khả năng bị ngã.
Ví dụ về thuốc chống động kinh bao gồm: Carbamazepine (tegretol), axit valproic (depakene), lamotrigine (lamictal), topiramat (topamax), gabapentin (nơrontin)…
Ngoài ngăn ngừa co giật, các thuốc này còn được sử dụng để giảm rối loạn hành vi ở người lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ. Nếu bạn hoặc người thân đang dùng bất kỳ loại thuốc nào ở trên, hãy cẩn trọng với nguy cơ té ngã do thuốc.
6. Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần cũng được sử dụng để điều trị kích động ở người lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ. Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm an thần, chóng mặt và mờ mắt... Tất cả những điều này có thể góp phần gây ra sự mất ổn định và té ngã.
Ví dụ về thuốc chống loạn thần bao gồm: Haloperidol (haldol), fluphenazin (prolixin), perphenazin (trilafon)…
Khi dùng một trong các loại thuốc này cần đề phòng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi. Mặc dù không thể tránh hoàn toàn các loại thuốc này, nhưng việc thay đổi liều lượng có thể giúp giảm nguy cơ té ngã.
7. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau opioid cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Các thuốc này bao gồm: Oxycodone (percodan, percocet), hydrocodon (vicodin), hydromorphone (dilaudid), fentanyl (duragesic)…
Những loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ như táo bón, thở chậm và buồn ngủ. Vì vậy, chúng phải luôn được sử dụng ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Trong một số tình huống nhất định, thuốc có thể cần thiết như dùng sau phẫu thuật hoặc trong quá trình điều trị ung thư.
Đối với những cơn đau ít nghiêm trọng hơn, các loại thuốc không gây nghiện như acetaminophen (tylenol), hay các thuốc giảm đau chống viêm không steroid là những lựa chọn tốt cho người lớn tuổi để giảm khả năng bị ngã.
8. Thuốc trị tăng huyết áp
Có nhiều loại thuốc huyết áp khác nhau và bất kỳ loại nào trong số chúng đều có thể làm tăng khả năng té ngã ở người cao tuổi.
Nguy cơ này sẽ cao hơn ở những người đã từng bị ngã và khả năng bị ngã cao hơn khi thay đổi thuốc, chẳng hạn như khi điều chỉnh liều lượng.
9. Thuốc kháng histamin
Các loại thuốc kháng histamine cũ hơn thường gây ra tác dụng phụ làm tăng nguy cơ té ngã - đặc biệt là ở người lớn tuổi. Những tác dụng phụ này bao gồm mờ mắt, buồn ngủ và lú lẫn.
Ví dụ về thuốc kháng histamine bao gồm: Diphenhydramine (benadryl), dimenhydrinat (dramamin)…
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()