Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 02:04 (GMT +7)
80% dân số Singapore được tiêm đầy đủ vaccine, Nam Phi phát hiện biến thể mới có tới 59 đột biến
Thứ 2, 30/08/2021 | 10:39:32 [GMT +7] A A
Đến sáng 30/8, thế giới có trên 217,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 39,6 triệu ca mắc và hơn 654.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 32.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã tăng ở 42 bang của Mỹ do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Tỷ lệ này làm gia tăng mối lo ngại về một đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19 trong mùa thu. Dữ liệu của trường Đại học John Hopkins cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 tăng hơn 50% trong tuần qua ở 14 bang của Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ này tăng ít nhất 10% ở 28 bang khác. Đáng lo ngại là tất cả 50 bang của Mỹ đều ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao trong bối cảnh hàng triệu trẻ em chưa đủ điều kiện tiêm chủng quay trở lại trường học.
Nhằm ngăn chặn đại dịch, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa chương trình tiêm chủng, trong đó tập trung cho đối tượng từ 12-17 tuổi.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/8, nước này ghi nhận hơn 43.300 ca mắc mới COVID-19 và 527 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 438.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 13.200 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 579.300 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ít nhất một vùng tại Đức đang có kế hoạch áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang đối mặt với làn sóng đại dịch thứ 4.
Theo quy định hiện tại của Chính phủ Đức, chỉ những người có chứng nhận hoặc đã tiêm vaccine COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã khỏi COVID-19 mới được vào dùng bữa trong nhà hàng, đến bệnh viện, nhà dưỡng lão, tham dự các sự kiện, tiệc tùng hay những hoạt động thể thao trong nhà.
Australia đang chật vật đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại nhiều bang và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, sau 9 tuần phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ 3, bang New South Wales, nơi có thủ phủ là thành phố Sydney sầm uất nhất Australia, vẫn đang phải chứng kiến số ca mắc mới không ngừng tăng.
Bang này ghi nhận thêm hơn 1.200 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Cơ quan y tế bang New South Wales cho biết, dịch vụ y tế khẩn cấp đang quá tải khi số cuộc gọi của bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến. Tỷ lệ lây nhiễm thực tế đang ở mức 1,3. Điều này có nghĩa là cứ 10 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, sẽ có khoảng 13 người khác bị nhiễm bệnh. Khi tỷ lệ lây nhiễm thực tế duy trì trên 1, số ca mắc hàng ngày sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên trong đợt bùng phát dịch từ ngày 16/6 đến nay, biến thể Delta đã lây nhiễm cho hơn 17.000 trường hợp tại bang phía Đông của Australia, đồng thời dịch bệnh cũng khiến 83 người tử vong.
Chính phủ New Zealand vẫn kiên quyết duy trì chính sách "không COVID" trong thời điểm hiện nay. Hầu hết các biện pháp hạn chế cấp độ cao nhất (cấp độ 4) vẫn đang tiếp tục được áp dụng tại thành phố Auckland, nơi ghi nhận đa số các ca nhiễm, trong hai tuần tới. Gần như các khu vực còn lại ở New Zealand sẽ chuyển sang biện pháp hạn chế thấp hơn, nhưng vẫn ở mức 3 , sau ngày 31/8.
Thủ tướng New Zealand cho biết, điều này được thực hiện để New Zealand có thể kiểm soát biến chủng Delta và mở cửa trở lại an toàn. Bà cũng kêu gọi người dân tự tin rằng, họ sẽ dập tắt được dịch do đã ngăn chặn, cách ly tất cả ca nhiễm. Theo một khảo sát tại nước này, có tới 84% người được hỏi ủng hộ các biện pháp phong tỏa hiện nay.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Nam Phi đã phát hiện thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khi giám sát bộ gene virus trong làn sóng dịch thứ 3 ở nước này. Biến thể được gọi tắt là C.1.2, tiến hóa từ C.1 - 1, dòng virus trội trong làn sóng dịch đầu tiên tại Nam Phi. Biến thể này được phát hiện hồi đầu tháng 5 vừa qua và đã xuất hiện ở 7/9 tỉnh của Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trên thế giới. Dù chiếm một phần rất nhỏ trong các mẫu xét nghiệm hiện nay nhưng biến thể này đang có xu hướng tăng dần qua từng tháng, tương tự như thời gian đầu của các biến thể Beta hay Delta. Đáng lo ngại là biến thể mới này có thể có tới 59 đột biến so với chủng đầu tiên tại Vũ Hán.
Chính phủ Philippines đã gia hạn các biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và một số tỉnh. Quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay. Các biện pháp hạn chế sẽ kéo dài cho đến ngày 7/9. Hoạt động ăn uống bên trong nhà hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và mọi hoạt động tôn giáo vẫn bị cấm tại vùng đô thị Manila. Vùng đô thị này hiện là tâm dịch với số ca mắc chiếm 1/3 và số người tử vong chiếm 1/4 trong tổng số ca của cả nước. Giới chức y tế nước này cảnh báo, số ca mắc có thể sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Bộ Y tế Philippines thông báo, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên mức trên 1,95 triệu người sau khi ghi nhận thêm 18.528 trường hợp nhiễm mới, mức cao thứ 2 theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Số ca tử vong mới tại Philippines là 101 bệnh nhân, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi lên 33.109 người.
Biến thể Delta cùng với việc người dân di chuyển nhiều và không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch là những yếu tố khiến số ca mắc tại Philippines tăng mạnh, với số lây nhiễm mới trung bình vượt mốc 12.500 ca/ngày kể từ đầu tháng 8. Cho tới nay, nước này đã ghi nhận 1.789 ca mắc biến thể Delta, chủ yếu là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, nhiều khả năng trong những ngày tới, số ca mắc sẽ vẫn tăng cao. Hiện có hơn 70 khu vực, gồm Vùng đô thị Manila, đang ở mức cảnh báo cấp độ 4 về dịch bệnh. Tính đến 26/8, Philippines đã tiêm gần 32 triệu liều vaccine với 13,5 triệu người đã tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay.
Singapore đã trở thành nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới với 80% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ. Trong thông báo ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, "đảo quốc sư tử" đã hoàn thành việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 cho 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân nước này. Trên tài khoản Facebook, ông viết: "Chúng ta đã vượt qua một cột mốc mới, trong đó 80% dân số (Singapore) đã được tiêm đủ hai liều vaccine".
Theo thống kê của hãng Reuters, Singapore hiện đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Giới chức Singapore thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt cột mốc tiêm ngừa COVID-19 cho 80% dân số.
Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) ngày 29/8 thông báo, Chính phủ nước này sẽ cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế. CAAT nêu rõ, những chuyến bay này chỉ được phép hoạt động 75% công suất và hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như có chứng nhận đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm COVID-19. Các hãng hàng không gồm Asia Aviation và Bangkok Airways đã thông báo nối lại một số chuyến bay nội địa từ tuần tới.
Thông báo trên được đưa ra sau khi giới chức Thái Lan nới lỏng một số biện pháp phòng dịch tại 29 tỉnh có nguy cơ cao từ tháng 9, cho phép trung tâm thương mại mở cửa trở lại và người dân di chuyển dễ dàng hơn.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc mới và 264 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á là trên 1,17 triệu người, trong đó có 11.143 trường hợp tử vong. Riêng thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7. Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh Chính phủ nước này đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Cho tới nay, khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ có 140 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm nay.
Campuchia đang quan ngại về nguy cơ biến thể Delta lan mạnh khi nước này ghi nhận 218 ca mắc biển thể nguy hiểm này trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc biến thể Delta tại Campuchia cho tới nay lên tới 1.752 bệnh nhân. Đáng chú ý, thủ đô Phnom Penh ghi nhận khoảng 82 ca, số còn lại tập trung tại 22 tỉnh. Tới nay, hai tỉnh Kep và Kratie chưa ghi nhận ca mắc biến thể Delta.
Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bunheng kêu gọi, người dân cảnh giác, tăng cường phòng dịch và thích ứng với điều kiện bình thường mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Cùng ngày, Campuchia thông báo đã ghi nhận tổng cộng 438 ca mắc mới và 11 người tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca bệnh tại nước này là 92.208 người, bao gồm 1.881 trường hợp thiệt mạng. Ông Bunheng kêu gọi, người dân từ 12 tuổi trở lên nhanh chóng tiêm chủng. Tính đến ngày 28/8, khoảng 10,44 triệu người, tương đương 65,25% dân số Campuchia, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi 8,34% đã hoàn thành tiêm chủng.
Ngày 29/8, Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 195 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 97 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng cộng 12 tỉnh, thành phố của Lào đã ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đáng chú ý, Savannakhet vẫn là tỉnh có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nhất cả nước với 57 ca, tiếp đến là tỉnh Bokeo với 15 người bệnh. Những trường hợp còn lại được ghi nhận rải rác tại một số tỉnh khác của nước này.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 14.661 ca, trong đó có 12 bệnh nhân không qua khỏi.
Bộ Y tế Nhật Bản đang cân nhắc khả năng tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm giảm bớt quan ngại về nguồn cung và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại quốc gia này. Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản hiện chủ yếu sử dụng vaccine của hãng dược Pfizer và hãng Moderna. Vaccine của hãng AstraZeneca được sản xuất tại Nhật Bản đã được cấp phép hồi tháng 7 để tiêm cho đối tượng từ 40 tuổi trở lên.
Nhật Bản sẽ khó có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp theo như kế hoạch vào ngày 12/9 tới, đây là khẳng đinh do Bộ Y tế nước này đưa ra vào ngày 29/8. Để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, số ca nhiễm COVID-19 trong ngày tại thủ đô Tokyo phải dưới 500 ca. Tuy nhiên, trong ngày 29/8, thủ đô của Nhật Bản ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm mới và không có dấu hiệu tình hình dịch bệnh sẽ sớm hạ nhiệt.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp từ cuối tháng 8 đến ngày 12/9. Hiện tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại 21 trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản.
Người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus khoảng gần 2 ngày trước khi có triệu chứng. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Nature. Thống kê cho thấy, khoảng cách giữa việc nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với việc xuất hiện các triệu chứng của người mắc biến thể Delta là 1,8 ngày. Điều này là nguyên nhân khiến gần 3/4 số ca nhiễm biến thể Delta xảy ra trong giai đoạn người truyền bệnh chưa có triệu chứng.
Đây được xem làm một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây. Các chuyên gia cho rằng, trong khi các chủng virus trước có khả năng lây nhiễm giống như cảm lạnh thông thường, biến thể Delta có mức độ lây nhiễm còn hơn cả cúm mùa, bệnh bại liệt, đậu mùa, Ebola hay cúm gia cầm, và có mức độ lây nhiễm tương đương bệnh thủy đậu.
Đài truyền hình CNN của Mỹ mới đây đã đưa tin cảnh báo nguy cơ xuất hiện một thế hệ COVID-19 do trẻ em không được đến trường, cuộc sống của các em bị gián đoạn vì COVID-19, trẻ em có thể mắc COVID, có thể bị ốm và trở thành nguồn lây nhiễm virus cho người khác. Để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thế hệ trẻ, nhiều quốc gia đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. Các em được tiêm vaccine cũng làm giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, qua đó ngăn chặn đại dịch lây lan.
Hãng tin Reuters trích dẫn thống kê cho thấy, ít nhất 25 quốc gia trên thế giới đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thiếu niên, độ tuổi phổ biến từ 12 tuổi trở lên.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()