Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:33 (GMT +7)
8 thực phẩm mọi bệnh nhân tiểu đường nên ăn, phòng ngừa biến chứng cực tốt
Thứ 6, 19/11/2021 | 14:50:28 [GMT +7] A A
Chế độ ăn lành mạnh có thể hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường duy trì sức khỏe, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến 4,9 triệu người ở Anh và vẫn đang tiếp tục có xu hướng tăng. Năm 2030, dự báo cứ 10 người trưởng thành thì sẽ có 1 người mắc tiểu đường.
Bệnh tiểu đường mãn tính cần theo dõi một cách chặt chẽ để phòng, tránh các biến chứng lâu dài. Điều này phần lớn đến từ chế độ ăn uống của bệnh nhân.
Tiểu đường là một bệnh mãn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất.
Insulin có nhiệm vụ điều chỉnh lượng đường trong máu. Nếu không có insulin, lượng đường trong máu sẽ trở nên quá cao.
Chế độ ăn uống hợp lý là một cách để kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, một chế độ ăn nghèo nàn có thể gây phản tác dụng, điển hình như một số loại thực phẩm có thể gây ra sự gia tăng lượng đường trong máu rất lớn, với thời gian chỉ tính bằng giờ.
Không có một phương pháp ăn uống cụ thể nào phù hợp với tất cả các bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, có một số mẹo ăn uống chung mà hầu hết người bệnh có thể làm theo, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, như bệnh tim hoặc thận.
Dưới đây là một số thực phẩm được đánh giá là có khả năng cao giúp bệnh nhân đạt được những hiệu quả nêu trên:
1. Đậu
Các loại đậu - bao gồm hạt đậu, đậu lăng và đậu Hà Lan là những thực phẩm thường bị bỏ qua trong chế độ ăn thường ngày.
Đây là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho những người ăn chay. Tuy nhiên, ngay cả những người ăn thịt cũng nên tiêu thụ những thực phẩm này bởi chúng rất giàu sắt, chất xơ.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia tại Anh, hàm lượng chất xơ cao trong các thực phẩm họ nhà đậu có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Ăn đậu, đậu xanh và đậu lăng cũng có khả năng cải thiện việc kiểm soát đường huyết, theo một nghiên cứu năm 2012 của Canada được công bố trên JAMA - Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.
Các thực phẩm này cũng làm giảm huyết áp, giảm mức cholesterol và chất béo trung tính (chất béo có trong máu) ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Vì vậy, tại sao bạn không thêm đậu vào món thịt hầm, thay một nửa số thịt băm bằng đậu để kẹp vào bánh mỳ nướng hoặc thêm đậu lăng vào món cà ri, giúp món ăn vừa trở nên ngon hơn và tốt cho sức khỏe? Có rất nhiều sự lựa chọn cho bạn khi chế biến các món ăn với đậu.
2. Cá
Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi người nên ăn ít nhất hai bữa cá mỗi tuần, bao gồm một bữa cá dầu (cá béo). Cá dầu bao gồm cá hồi, cá mòi và cá thu.
Các loại cá này rất giàu omega-3 - một chất dinh dưỡng có khả năng bảo vệ trái tim của bạn.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, tiêu thụ cá là một phương pháp dễ dàng để chống lại nguy cơ mắc bệnh thận - căn bệnh mà rất nhiều người bị tiểu đường cũng mắc phải. Thống kê cho thấy, cứ 3 người mắc bệnh tiểu đường thì có 1 người bị thận.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh thận Hoa Kỳ vào năm 2008 cho thấy rằng, ăn nhiều cá hơn làm giảm microalbumin niệu - mức độ bài tiết albumin của thận vào trong nước tiểu. Microalbumin niệu cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về thận ở những người bị bệnh tiểu đường.
3. Các loại hạt
Một số người thường chỉ ăn các loại hạt khi ở ngoài quán. Tuy nhiên, kết hợp các loại hạt lành mạnh vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể là chìa khóa để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Hai khẩu phần hạt mỗi ngày, bao gồm hạnh nhân, hạt điều, quả phỉ (quả kiên), hồ đào, quả óc chó và quả hồ trăn, có thể làm giảm và ổn định lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và cholesterol cao.
Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu Canada, những người đã xem xét hàng chục nghiên cứu vào năm 2014, đồng thời công bố phát hiện của họ trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ).
Theo họ, các loại hạt chứa nhiều khoáng chất và là nguồn cung cấp “chất béo lành mạnh” cho cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần cẩn thận khi ăn các loại hạt, vì mặc dù chúng rất tốt cho sức khỏe nhưng đồng thời cũng rất giàu calo.
4. Quả việt quất
Việt quất có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn so với trái cây hoặc rau thông thường. Các hóa chất thực vật tự nhiên có trong quả việt quất đã được nghiên cứu rộng rãi về các đặc tính bảo vệ, giúp cơ thể chống lại một loạt các bệnh phổ biến.
Việt quất giúp kiểm soát lượng đường trong máu bởi chúng không chỉ là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào mà còn có chỉ số đường huyết (GI) thấp. So với thực phẩm có GI cao, thực phẩm có GI thấp sẽ giải phóng đường vào máu từ từ, hỗ trợ giảm lượng đường trong máu.
Đồng thời, loại quả này cũng hỗ trợ các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2, theo thông tin từ một bài báo của Trường Y tế Công cộng Harvard được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người ăn ba khẩu phần việt quất (cũng như nho và táo) mỗi tuần sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tới 26% so với những người ăn ít hơn một phần mỗi tháng.
5. Khoai lang
Bệnh nhân tiểu đường thường được khuyến cáo theo dõi lượng carbohydrate (carb) nạp vào cơ thể. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, tốt nhất nên ăn một ít carbs trong mỗi bữa ăn vì nếu không, lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp. Họ có thể ăn bao nhiêu carbs tùy thích, miễn là phù hợp với lượng insulin của mình.
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên nạp khoảng một nửa lượng calo từ carbs. Tuy nhiên, không giống như những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, họ có thể thử chế độ ăn kiêng low-carb để giảm cân.
Khoai tây là một loại carb, điều đó có nghĩa là chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Khoai tây là thực phẩm có GI từ trung bình đến cao. Tuy nhiên, khoai lang có GI thấp hơn khoai tây. Bí ngô, bí đao, cà rốt và củ cải tây cũng là những lựa chọn thay thế tốt.
Khoai lang có nhiều chất xơ, giúp lượng đường đi vào máu chậm hơn. Nướng hoặc luộc khoai tây quá lâu cũng có thể làm tăng GI. Làm lạnh khoai tây sau khi nấu chín có thể làm giảm GI. Điều đó có nghĩa rằng, 1 phần salad khoai tây sẽ tốt cho người mắc bệnh tiểu đường hơn so với 1 phần khoai tây chiên.
6. Yến mạch
Yến mạch là một lựa chọn tuyệt vời cho các bệnh nhân tiểu đường loại 2 nhờ chỉ số đường huyết thấp. Yến mạch cũng có hàm lượng chất xơ dồi dào, là chìa khóa để duy trì cân nặng và sức khỏe hệ tiêu hóa, hỗ trợ bảo vệ tim mạch.
Đây là yếu tố rất quan trọng bởi những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 rất dễ bị bệnh tim.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 ăn bột yến mạch vào bữa sáng có chỉ số đường huyết sau bữa ăn tốt hơn những người ăn các bữa sáng khác.
Có nhiều cách để chế biến món ăn với yến mạch. Bệnh nhân tiểu đường có thể nấu cháo yến mạch, rắc thêm trái cây tươi như quả mâm xôi và các loại hạt để làm thành món ngũ cốc hoa quả hoặc thêm yến mạch vào các loại sinh tố để thưởng thức.
Nhưng điều quan trọng là phải mua yến mạch cán dẹt hoặc yến mạch cắt thép (yến mạch nguyên hạt đã trải qua quá trình hấp và cán dẹt hoặc cắt thành từng miếng), thay vì mua những loại yến mạch kiểu mới đã có sẵn hương liệu tạo ngọt như mật ong và siro vàng.
7. Cà chua
Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu đã cho rằng cà chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Bệnh nhân tiểu đường dễ mắc các bệnh tim mạch hơn bởi lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu theo thời gian.
Do đó, một cách để ngăn ngừa tình trạng này là giữ mức huyết áp ổn định.
Nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường nếu ăn khoảng 200g cà chua tươi mỗi ngày sẽ hạ huyết áp sau 8 tuần.
8. Sữa chua Hy Lạp
Sữa chua Hy Lạp là một sản phẩm được làm từ sữa. Thực phẩm này có thể cải thiện các đặc điểm của hội chứng chuyển hóa, bao gồm kháng insulin, huyết áp và mỡ dạ dày.
Tất cả những yếu tố này “cùng nhau làm tăng rõ rệt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch”, các chuyên gia đã cảnh báo như vậy trong một bài báo khoa học năm 2014, được xuất bản trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ.
Họ cũng lưu ý rằng, sữa chua còn giúp giảm cân hiệu quả. Cân nặng là yếu tố quan trọng để giữ sức khỏe khi mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, một số loại sữa chua còn tốt hơn nhiều so với những loại khác. Sữa chua Hy Lạp có hàm lượng protein cao hơn, giúp no lâu hơn và không có nhiều đường như các loại sữa chua có hương vị khác trên thị trường.
Sữa chua Hy Lạp có thể dùng làm bữa sáng hoặc món tráng miệng. Do vậy, có rất nhiều cách để kết hợp thực phẩm này vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()