Chuyên gia Nhậm Thanh Thanh, trưởng Khoa Đa khoa của Bệnh viện số 1 thuộc Đại học y khoa Chiết Giang, Trung Quốc đã chỉ ra 8 hành động trong quá trình rửa bát làm tăng gấp đôi lượng vi khuẩn.
1. Cọ xát cả đống đũa vào nhau
Nhiều người có thói quen cọ xát cả đống đũa vào nhau vì nghĩ rằng vừa nhanh, tiện lợi lại sạch sẽ. Tuy nhiên cách làm này sẽ làm hỏng lớp bảo vệ bên ngoài của đũa, vô tình tạo những vết nứt nhỏ khiến bề mặt đũa trở nên thô ráp, trở thành môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Cách làm này có thể lây nhiễm chéo các vi sinh vật có hại hoặc bệnh truyền nhiễm từ đũa người này sang đũa người khác.
Cách làm đúng: Dùng miếng rửa bát rửa sạch từng chiếc đũa để loại bỏ dầu mỡ và bọt xà phòng bám trên đó. Nếu đũa dính chất nhờn khó làm sạch, có thể dùng nước nóng tráng qua trước, sau đó rửa sạch lại rồi lau khô hoặc phơi nắng.
2. Cất bát đũa khi chưa khô
Không lau hoặc phơi khô bát đũa trước khi cất sẽ tạo ra môi trường ẩm ướt- thiên đường cho những loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Ngoài ra còn sản sinh ra chất gây ung thư nghiêm trọng khác là aflatoxin.
Cách làm đúng: Sau khi rửa sạch đũa, nên lau khô và phơi nắng. Đem cất ở nơi khô ráo, thoáng mát, đồng thời nên chọn giỏ đựng đũa có lỗ thoáng khí, thoáng nước.
3. Bát đũa bẩn chất thành đống
Sau khi ăn cơm, nhiều người có thói quen ngâm tất cả bát đũa vào trong chậu mà không rửa ngay. Tuy nhiên đây là hành động nuôi dưỡng vi khuẩn bởi thời gian để vi khuẩn thích hợp xâm nhập vào bát đĩa là từ 1-4 tiếng sau ăn. Từ 8-18 tiếng vi khuẩn bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Bát đũa bẩn xếp chồng lên nhau còn có nguy cơ lây nhiễm chéo, cũng khiến việc vệ sinh sau đó trở nên khó khăn hơn.
Cách làm đúng: Nên chia bát đĩa theo từng loại thức ăn, rửa bát đĩa không có dầu mỡ trước, sau đó đến bát đũa dính nhiều dầu mỡ. Cũng nên rửa bát đĩa đựng thức ăn chín trước, bát đĩa đựng thịt sống, đồ ăn sống rửa sau.
4. Đổ trực tiếp nước rửa bát lên bát đĩa bẩn
Chất tẩy rửa cho trực tiếp vào bát đĩa sẽ không giúp tẩy sạch dầu mỡ hơn, mà còn gây lãng phí rất nhiều nước, đồng thời lạm dụng chất tẩy rửa. Nếu sau đó rửa không kỹ, chất tẩy rửa còn bám dính trên bát đĩa sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây một số triệu chứng của đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng...
Cách làm đúng: Pha loãng chất tẩy rửa cùng với một ít nước, dùng hỗn hợp này rửa bát, nhằm đảm bảo sự an toàn.
5. Lạm dụng chất tẩy rửa
Trong chất tẩy rửa thường có phụ gia nhân tạo, và vẫn còn nghi ngờ về dư lượng phụ gia khi sử dụng quá mức.
Cách làm đúng: Có thể tận dụng các chất tẩy rửa tự nhiên như nước vo gạo, muối hoặc vỏ chanh. Nếu dùng nước rửa bát đĩa, nên tráng bát đĩa nhiều lần dưới vòi nước.
6. Không khử trùng bát đĩa
Bát đĩa dù có sạch đến đâu cũng không thể rửa trôi hết vi khuẩn, khử trùng thường xuyên là cách tốt nhất.
Cách làm đúng: Giữ thói quen sử dụng máy sấy bát để tiệt trùng bát đĩa ở nhiệt độ cao. Nếu không có máy sấy bát, có thể ngâm bát đĩa trong nước sôi khoảng 3 đến 5 phút. Đây là cách khử trùng truyền thống nhưng có tác dụng tốt.
7. Sử dụng bộ đồ ăn trong nhiều năm
Đặc biệt với đũa và thớt, những đồ được làm chủ yếu từ gỗ. Hai loại vật dụng này rất dễ bị nấm mốc, mối mọt và bị trầy xước - là nơi tích tụ vi khuẩn sinh sôi, nảy nở.
Cách làm đúng: Thay thế bộ đồ ăn thường xuyên. Nếu có đốm, vết nứt hoặc nấm mốc trên đũa hoặc thớt, cần thay thế cái mới.
8. Lâu không thay miếng rửa bát
Theo một nghiên cứu của Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, trung bình sẽ có khoảng 10 triệu vi khuẩn/2.54cm2 trong mỗi miếng rửa chén nhưng bồn cầu chỉ tầm 50 vi khuẩn/2.54cm2 mà thôi. Chưa kể chúng còn phát triển và phân chia mỗi 20 phút, làm miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp. Vi khuẩn trên miếng rửa bát càng nhiều, thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng lớn.
Cách làm đúng: Hai tuần một lần nên thay miếng rửa bát mới. Trong nhà bếp, khăn lau cũng nên phân loại, cái nào dùng lau tay, cái nào dùng lau bếp, tránh vi khuẩn lan truyền lẫn nhau. Miếng rửa bát sau khi rửa xong cũng phải phơi khô thật kỹ.
Ý kiến ()