Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:33 (GMT +7)
8 loại thực phẩm tốt nhất và xấu nhất với người tăng huyết áp
Thứ 5, 20/06/2024 | 22:55:31 [GMT +7] A A
Đối với người bệnh tăng huyết áp, một cách tốt để kiểm soát huyết áp là chế độ ăn uống. Người bệnh nên ghi nhớ danh sách những thực phẩm nên ăn và những thực phẩm cần hạn chế tối đa.
1. Chế độ ăn uống giúp kiểm soát bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là căn bệnh hàng đầu gây tai biến mạch máu não và các biến chứng nguy hiểm như: phình tách động mạch chủ, biến chứng về mắt, biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim… Các biến chứng này đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, kiểm soát huyết áp là mục tiêu phải đạt được ở người bệnh tăng huyết áp.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và thay đổi lối sống thì việc rất quan trọng là bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, để kiểm soát tốt và phòng ngừa các biến chứng, người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý: Theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên; Duy trì cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu đang có tình trạng thừa cân, béo phì; Thường xuyên tập luyện thể dục để cải thiện tình trạng tăng huyết áp và sức khỏe tim mạch.
Cần có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Người bệnh tăng huyết áp nên ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, thực phẩm ít béo và hạn chế chất béo bão hòa. Bên cạnh đó hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc. Bởi rượu bia không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, đối với người bệnh tăng huyết áp, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát huyết áp là chế độ ăn uống. Người bệnh nên ghi nhớ danh sách những thực phẩm nên ăn và những phẩm nên tránh để duy trì mức huyết áp ổn định, phòng ngừa biến chứng.
Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt nhất và xấu nhất đối với người bệnh tăng huyết áp, theo khuyến cáo của Quỹ tim mạch Anh:
2. 4 loại thực phẩm tốt nhất cho người bệnh tăng huyết áp
Rau quả
Các loại trái cây, rau quả cung cấp kali cho cơ thể, chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm huyết áp. Đây là nguồn cung cấp kali an toàn thay vì dùng thực phẩm bổ sung. Vì bổ sung quá nhiều kali có hại vì nó có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và đặc biệt nguy hiểm đối với những người có vấn đề về thận.
Người bệnh nên chọn nhiều loại trái cây và rau quả, không nên tập trung vào một loại để nhận được nhiều chất dinh dưỡng khác nhau.
Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, yến mạch chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ hơn các loại tinh bột tinh chế như bánh mì trắng, mì ống, gạo trắng. Ăn nhiều chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim và tuần hoàn. Chất xơ hòa tan từ yến mạch (được gọi là beta-glucans) có thể giúp giảm huyết áp.
Một chế độ ăn nhiều chất xơ cũng được khuyên nên áp dụng với người đang cố gắng giảm cân, điều này cũng sẽ giúp giảm huyết áp.
Protein nạc
Thức ăn được chế biến từ nguồn protein nạc có lượng calo thấp hơn so với nguồn protein béo nhưng vẫn khiến bạn no. Điều này có thể giúp kiểm soát cân nặng, rất hữu ích trong việc hạ huyết áp. Người bệnh nên chọn: thịt gà, cá trứng, đậu thay vì thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
Sữa ít béo
Sữa và thực phẩm từ sữa như một phần của chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm huyết áp. Các sản phẩm từ sữa chứa sự kết hợp phức tạp của các chất dinh dưỡng, trong đó có canxi có liên quan đến việc giảm huyết áp.
Nên chọn sữa ít béo, sữa chua ít béo cung cấp canxi và protein mà không dư thừa chất béo bão hòa.
3. 4 loại thực phẩm người bị tăng huyết áp nên tránh
Người bệnh không nhất thiết phải loại trừ hoàn toàn những thực phẩm này nhưng nên hạn chế tối đa và hãy chú ý đến lượng thức ăn ăn vào.
Đồ ăn mặn
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê). Tuy nhiên đa số chúng ta đều tiêu thụ muối gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10g ngày.
Hầu hết lượng muối đều có sẵn trong thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn như: khoai tây chiên, nước sốt và dưa chua. Nó cũng có trong các loại thịt chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích… Vì vậy bạn cần kiểm tra nhãn thực phẩm để tìm các sản phẩm ít muối và cắt giảm thực phẩm có nhiều muối. Cố gắng hạn chế việc ăn ngoài và ăn đồ chế biến sẵn, nên tự chế biến các món ăn ít muối tại nhà.
Thực phẩm nhiều đường và chất béo
Đường và chất béo có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp nhưng chúng lại là thực phẩm có hàm lượng calo cao. Ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng cân, có liên quan đến tăng huyết áp.
Nên chuẩn bị các thực phẩm ăn nhẹ lành mạnh như trái cây hoặc sữa chua nguyên chất khi cảm thấy đói giữa các bữa ăn. Mang theo thứ gì đó bên mình như một nắm hạt hoặc trái cây khi bạn ra ngoài để tránh ăn đồ ăn vặt nhiều đường và chất béo không lành mạnh.
Rượu
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tăng huyết áp. Uống nhiều rượu bia cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến các rối loạn chuyến hóa mỡ, đường, acid uric, béo bụng, tăng cân khó kiểm soát - những nguyên nhân làm huyết áp tăng lên.
Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế tối đa uống rượu bia, thay vào đó nên uống nước lọc, nước ép trái cây…
Quá nhiều caffeine
Caffeine có thể làm tăng huyết áp nhưng tác dụng của nó thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nếu uống lượng vừa phải không phải là vấn đề đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với caffeine hơn những người khác và việc uống quá nhiều caffeine có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng caffeine nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim.
Cần lưu ý rằng caffeine không chỉ có trong cà phê hay trà mà còn có trong nước tăng lực, sô cô la, nước ngọt như coca.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()