Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:48 (GMT +7)
8 lí do thuyết phục "đào tẩu" từ Chrome sang Firefox
Thứ 6, 03/06/2022 | 15:12:19 [GMT +7] A A
Từ việc dừng tự động phát video đến giảm gánh nặng hệ thống, có rất nhiều lợi ích nếu bạn chuyển từ trình duyệt Chrome sang Firefox.
Chrome có thể là trình duyệt được sử dụng nhiều nhất nhưng nó không hẳn là trình duyệt tốt nhất. Các giải pháp thay thế khác vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của bạn, thậm chí là tốt hơn.
Một trong những lựa chọn như vậy là Firefox. Đây là một trình duyệt hiếm hoi không dùng nhân Chromium của Google như các đối thủ Microsoft Edge hay Opera.
Đằng sau trình duyệt Firefox cũng là một nhóm có lịch sử lâu đời trong việc phát triển trình duyệt và quan tâm sâu sắc đến quyền riêng tư trực tuyến. Do đó, việc sử dụng Firefox sẽ giúp tăng hiệu suất PC, bảo vệ bạn tốt hơn trên môi trường web. Trình duyệt này cũng cung cấp nhiều tính năng tích hợp không có trên Chrome hoặc yêu cầu các tiện ích bổ sung của bên thứ ba.
Dưới đây là 8 lý do mà bạn nên sớm chuyển từ trình duyệt Chrome sang Firefox:
Tự động chặn video tự động phát
Nhiều trang web có video và các phương tiện khác tự động phát khi bạn tải trang. Nhưng không phải tất cả các trang đều tự động tắt âm thanh và tất nhiên hầu hết mọi người đều ghét việc phải nghe những âm thanh ồn ào đột ngột phát lên.
Video tự động phát cũng làm ngốn băng thông một cách không cần thiết nếu bạn đang kết nối với nguồn dữ liệu hạn chế.
Trong Chrome, nếu bạn muốn chặn các trang web tự động phát, bạn cần tìm và cài đặt tiện ích mở rộng của bên thứ ba. Mặt khác, Firefox đã có sẵn tính năng chặn video tự động phát trong nền mặc định. Tính năng này áp dụng cho các trang web có video và âm thanh phát trong nền và cả trên YouTube. Dù là tính năng mặc định nhưng Firefox cho phép người dùng tắt và thay đổi dễ dàng.
Duyệt trang web nhanh hơn
Các phiên bản mới nhất của trình duyệt Firefox có chức năng tự động chặn các trình theo dõi làm chậm quá trình duyệt web. Càng nhiều tệp lệnh phải tải khi duyệt web thì quá trình tải trang càng chậm. Ngay cả khi chúng chạy ẩn trong nền, chúng vẫn tồn tại ở đó. Vì vậy việc chặn không cho quá trình này chạy giúp việc duyệt web của bạn trở nên nhanh hơn đáng kể.
Firefox cũng ngăn các công cụ khai thác mật mã truy cập vào thiết bị của bạn hay còn gọi là cryptojacking. Đó là khi một trang web cho phép mã độc sử dụng máy tính của bạn để khai thác tiền ảo. Nói cách khác, tính năng bảo vệ này cũng giúp tăng tốc độ duyệt web. Nếu tài nguyên hệ thống của bạn bị kẻ tấn công lợi dụng để đào tiền ảo, nó sẽ khiến cho máy của bạn chậm đi đáng kể.
Tiết kiệm tài nguyên hệ thống
Chrome nổi tiếng là trình duyệt siêu ngốn RAM và tài nguyên hệ thống. Google vẫn đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Nhưng Firefox thì không gặp vấn đề giống Chrome. Dù trình duyệt Firefox cũng sử dụng khá nhiều tài nguyên hệ thống nhưng ngay cả khi bạn bật khá nhiều tab và cửa sổ, mức độ chiếm dụng tài nguyên của Firefox vẫn không quá đáng kể và việc duyệt web vẫn có thể thực hiện.
Trường hợp bạn bật quá nhiều tab và vượt quá mức tài nguyên hệ thống có thể chịu được thì bạn chỉ cần tắt Firefox và mở lại.
Tiện ích mở rộng di động
Bạn mệt mỏi với những quảng cáo khó chịu khi duyệt web bằng smartphone? Người dùng Android thật may mắn. Cũng giống như trên phiên bản desktop, bạn có thể cài đặt các tiện ích mở rộng trình duyệt ngay trên phiên bản di động của Firefox.
Mặc dù bạn bị giới hạn ở 17 tiện ích bổ sung nhưng chúng vẫn đủ các cơ sở chính để cải thiện việc lướt web và bảo mật. Bạn sẽ tìm thấy các tùy chọn khá nổi bật như uBlock Origin (chặn quảng cáo), NoScript (kiểm soát JavaScript), HTTPS Everywhere (buộc các kết nối trang web an toàn nếu có), v.v. Việc cài đặt trình chặn quảng cáo sẽ giúp mang lại trải nghiệm mượt mà hơn và ngăn cửa sổ pop-up bật lên, quảng cáo hoặc các liên kết được tài trợ phiền toái.
Đồng bộ dễ dàng như nhau trên tất cả các thiết bị
Một phần sức hấp dẫn của trình duyệt Chrome là sự liền mạch của hệ sinh thái Google. Người dùng có thể truy cập dấu trang và đồng bộ hóa các tab đang mở trên các thiết bị thật đơn giản. Nhưng Google có thì Mozilla và Firefox cũng có.
Người dùng hoàn toàn có thể đồng bộ lịch sử duyệt web và các dấu trang giữa các nền tảng và truy cập dễ dàng trên các thiết bị.
Bạn có thể thoát giữa Windows, Linux, Mac, Android và iOS mà không gặp vấn đề gì. Chỉ cần tạo tài khoản Firefox Sync và lịch sử duyệt web, dấu trang, tab, mật khẩu đã lưu, v.v. của bạn sẽ xuất hiện trên bất kỳ thiết bị nào bạn đăng nhập. Bạn cũng có thể dùng các dịch vụ bảo mật và quyền riêng tư bổ sung như Firefox Relay (che email) và Firefox Monitor (giám sát vi phạm dữ liệu) từ cùng một tài khoản.
Các biện pháp bảo vệ sâu hơn cho quyền riêng tư
Ngoài việc tự động giữ cookie và trình theo dõi của bên thứ ba thu thập dữ liệu về thói quen duyệt web của bạn, Firefox còn chặn lấy dấu vân tay, một phương pháp giám sát người dùng duyệt web một cách ngấm ngầm.
Dấu vân tay kỹ thuật số đối chiếu thông tin về phần cứng, phần mềm của PC, tiện ích bổ sung. Việc theo dõi dấu vân tay có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn, có nghĩa là bất kỳ ai xem dữ liệu đều có thể hình dung rõ ràng về cuộc sống riêng tư và thói quen của bạn. Hãy coi đây là một hình thức xâm phạm hơn khi ai đó theo dõi bạn qua Instagram công khai và các tài khoản mạng xã hội khác nhưng thay vào đó, họ đang tìm hiểu thông tin mà bạn không chia sẻ công khai.
Firefox cũng cho phép người dùng kích hoạt DNS-over-HTTPS (DoH). Thông thường, khi bạn nhập URL vào thanh địa chỉ và nhấn enter, việc tra cứu địa chỉ IP mà tên miền phân giải sẽ được thực hiện trên văn bản thuần túy. Có nghĩa là bất kỳ ai trong mạng của bạn đều có thể thấy những trang web bạn đang truy cập. Nhưng nếu bạn buộc quá trình diễn ra trên một máy chủ được mã hóa, nó sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào như vậy.
Tiện ích mở rộng chính thức này của Firefox cũng cho phép bạn dễ dàng sắp xếp các tài khoản thay thế và ngăn không cho cookie theo dõi của bên thứ ba tiếp cận quá nhiều thông tin. Mozilla, tổ chức phi lợi nhuận đằng sau Firefox luôn đề cao quyền riêng tư của người dùng kể từ khi ra mắt trình duyệt này. Đó là một sự khác biệt lớn về triết lý so với Chrome của Google.
Chế độ đọc
Đôi khi bạn chỉ muốn đọc bài báo trên một trang web chứ không phải lướt qua hàng tá cửa sổ pop-up, video nhúng, quảng cáo và bất cứ thông tin không cần thiết khác. Rất may Firefox có bổ sung một tính năng là chế độ đọc (read mode). Khi bật chế độ này, trang web bạn đang truy cập sẽ ngay lập tức biến thành một cuốn sách để bạn dễ dàng tập trung vào nội dung cần đọc.
Khi bật chế độ đọc, nội dung trang web sẽ chỉ hiển thị dưới dạng văn bản với phông chữ lớn, dễ đọc và các hình ảnh đi kèm vẫn sẽ giữ lại.
Công bằng mà nói, Chrome đã từng cung cấp chế độ đọc nhưng nhóm phát triển dường như chưa thể quyết định có nên giữ nó hay không. Một số bản build của Chrome cho phép bạn bật nhưng một số bản thì không. Sau khi Mozilla triển khai tính năng này trên Firefox nhiều năm trước, tính năng này giờ đây vẫn còn và đang phục vụ khá hữu ích cho người dùng.
Mã nguồn mở
Hỏi người dùng Firefox về lý do tại sao họ lại chuyển sang trình duyệt “cáo lửa” và bạn sẽ thường nghe thấy “Đó không phải là Chrome”.
Hẳn nhiều ngươi sẽ tự hỏi điều gì khiến Chrome trở nên tồi tệ như vậy? Vấn đề lớn nhất có thể kể đến chính là việc dữ liệu của bạn được bán cho các công ty quảng cáo. Nếu một dịch vụ miễn phí thì bạn chính là sản phẩm. Đó là mối quan tâm lớn về quyền riêng tư.
Nhưng ngoài ra, cộng đồng cũng khó kiểm tra tính bảo mật của Chrome hơn. Mặc dù được xây dựng trên một dự án mã nguồn mở (Chromium) nhưng trình duyệt Chrome là sản phẩm độc quyền của Google và mã trình duyệt thì không bao giờ được tiết lộ.
Người dùng không thể tự mình kiểm tra cách mọi thứ được xây dựng. Nhiều người không nghĩ đây là một vấn đề nhưng việc biết một thứ gì đó được tạo ra sẽ cho bạn biết thêm nhiều điều về điểm yếu của nó và bất kỳ yếu tố nào khác có thể không phù hợp với bạn. Với Firefox, đó không phải là vấn đề vì đây là một trình duyệt mã nguồn mở, cho phép tất cả mọi người có thể kiểm tra cách nó được xây dựng.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()