Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:37 (GMT +7)
8 điều cần biết về đậu mùa khỉ
Thứ 4, 05/10/2022 | 09:00:56 [GMT +7] A A
Sau một thời gian đậu mùa khỉ được công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Việt Nam cũng đã ghi nhận ca mắc đầu tiên.
Sau thông tin về ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam từ Dubai trở về, nước ta đang đứng trước nguy cơ về dịch bệnh tiếp theo bùng phát. Dù các chuyên gia y tế cho rằng nguy cơ này không lớn, mỗi người dân cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản về căn bệnh này để tự bảo vệ bản thân mình.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ là bệnh do virus thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây ra. Virus này thường lây lan giữa các loài khỉ ở Trung và Tây Phi, đôi khi, chúng nhảy sang người và tạo thành những vụ dịch nhỏ.
Lần đầu tiên virus này được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Năm 1970, người đầu tiên trên thế giới được xác nhận nhiễm loại virus này là công dân của Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trong đợt dịch lần này, tính đến ngày 3/10, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 quốc gia, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng sức khỏe khẩn cấp toàn cầu. Cơ quan này đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) ở mức thấp đến trung bình, các khu vực khác ở mức trung bình.
Cách lây lan
Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ (monkeypox) lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua:
-
Tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể
-
Quan hệ tình dục
-
Giọt bắn đường hô hấp
-
Vật dụng của người bị nhiễm
-
Lây truyền từ mẹ sang con.
Các triệu chứng khi mắc đậu mùa khỉ
Cũng theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là:
-
Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi
-
Phát ban: Khá giống mụn nước, xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hay hậu môn.
-
Hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần.
Bộ Y tế cũng lưu ý đậu mùa khỉ có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Diễn biến bệnh
Bệnh nhân thường trải qua các giai đoạn sau:
-
Ủ bệnh: Từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
-
Khởi phát: Từ một đến 5 ngày, xuất hiện triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, có thể kèm theo đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Đây cũng là thời điểm virus có thể lây sang người khác.
-
Toàn phát: Đặc trưng với các ban trên da, thường gặp sau sốt từ một đến 3 ngày. Các vết ban có thể gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Vến ban thường đi từ: Tổn thương có nền phẳng, sần, mụn nước, mụn mủ, đóng vảy khô và cuối cùng là bong tróc và để lại sẹo. Ở một số trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương da có thể liên kết thành mảng lớn.
- Hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng không còn nguy cơ lây nhiễm.
Về mặt lâm sàng, người bệnh đậu mùa khỉ có thể không xuất hiện triệu chứng dù nhiễm virus, thể nhẹ (hết sau 2-4 tuần mà không cần điều trị đặc hiệu) hoặc thể nặng.
Những nhóm nguy cơ cao và biến chứng
Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ thể nặng thường là nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…
Bệnh nhân có thể tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Một số biến chứng ở thể nặng bao gồm nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết…
Cách điều trị đậu mùa khỉ
Bộ Y tế thông tin nguyên tắc điều trị đậu mùa khỉ là thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ cũng như xác định; chủ yếu điều trị triệu chứng; đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý; sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt; theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng nặng, biến chứng.
Với thể nhẹ, người bệnh sẽ được hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng, đảm bảo dinh dưỡng, theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có, đồng thời phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Với thể nặng, bệnh nhân cần được điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo phác đồ đã ban hành.
Thuốc điều trị đặc hiệu đậu mùa khỉ được chỉ định cho người có biến chứng nặng, bị suy giảm miễn dịch, trẻ em (nhất là dưới 8 tuổi), phụ nữ có thai và đang cho con bú, người có bệnh cấp tính tiến triển.
Các loại thuốc được WHO khuyến cáo bao gồm: Tecovirimat, Cidofovir, Brincidofovir, Globulin miễn dịch tĩnh mạch.
Để được xuất viện, người bệnh phải được cách ly tối thiểu 14 ngày và hết các triệu chứng lâm sàng, không xuất hiện tổn thương mới tối thiểu 48 giờ, tổn thương cũ đã đóng vảy.
Vaccine
Trên thực tế, thế giới chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, chúng ta có phương án thay thế là sử dụng vaccine đậu mùa. Những loại vaccine này dựa trên virus vaccinia và được phát triển ban đầu để chống lại bệnh đậu mùa.
Dẫu vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy các loại vaccine hiện có, bao gồm MVA-BN và ACAM2000, có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định người dân có thể phòng bệnh đậu mùa khỉ bằng phương pháp tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc sử dụng vaccine phòng bệnh chủ yếu dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Các phương pháp phòng bệnh khác
-
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tốt nhất là che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
-
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
-
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, những người này cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
-
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
-
Người đến các quốc gia có dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, người dân cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
-
Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Theo zingnews.vn
- Đậu mùa khỉ ảnh hưởng thế nào đến trẻ em
- Thắc mắc thường gặp về bệnh đậu mùa khỉ
- TP.HCM: Bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ đã âm tính với virus
- Nóng: Bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ tại Việt Nam là nữ, khởi phát bệnh khi đang đi du lịch
- Việt Nam ghi nhận ca đậu mùa khỉ, Bộ Y tế ra chỉ đạo khẩn
- Ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM
Liên kết website
Ý kiến ()