Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:10 (GMT +7)
8 cách khắc phục chứng sương mù não, giảm trí nhớ hậu COVID
Thứ 2, 11/04/2022 | 08:27:49 [GMT +7] A A
Một trong những triệu chứng thần kinh phổ biến nhất được ghi nhận ở hậu COVID là sương mù não, giảm trí nhớ. Vì sao bạn bị sương mù não và cách khắc phục sẽ được thông tin trong bài viết của TS.BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế dưới đây.
Một số nghiên cứu cho thấy có tới 60-80% bệnh nhân gặp phải các vấn đề giảm trí nhớ và suy nghĩ chậm chạp sau mắc COVID và tình trạng này có thể kéo dài.
Một số bệnh nhân mô tả "sương mù não" khiến họ cảm thấy đầu óc mụ mẫm trong suy nghĩ, như thể một làn sương mù không thể xuyên thủng ngăn chặn khả năng tiếp cận suy nghĩ.
Những bất thường do sương mù não có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, kỹ năng thị giác và không gian, chức năng điều hành và khả năng xử lý thông tin. Khi các chức năng thiết yếu của não không hoạt động bình thường, bạn sẽ khó hiểu, khó tập trung và thậm chí khó ghi nhớ những điều đơn giản.
Về cơ bản, khi sương mù não xảy ra, não của bạn không phục vụ tốt những yêu cầu như bạn mong đợi. Hiện tượng sương mù não thường xảy ra cùng với các triệu chứng COVID kéo dài khác như mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, chất lượng giấc ngủ kém...
1. Cơ chế COVID-19 gây ra sương mù não
- Do tăng cytokine, tăng phản ứng viêm trong não quá mức cần thiết
Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ tăng của các cytokine gây viêm khu trú trong não trong nhiều tuần sau khi nhiễm COVID-19. Nói một cách dễ hiểu, cytokine là các phân tử được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch có liên quan đến việc chống lại nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, phản ứng viêm quá mức và không kiểm soát được ở trong não sẽ cản trở sự truyền dẫn giữa các tế bào thần kinh và có thể góp phần gây ra sương mù não.
- Do tình trạng thiếu oxy não trong quá trình mắc COVID
Những nghiên cứu dựa trên hình ảnh đầu tiên về tổn thương thần kinh ở bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện ra những rối loạn chuyển hóa giống nhau ở cả não của bệnh nhân COVID và những người bị thiếu oxy kéo dài. Lưu lượng máu đến não bị hạn chế và thiếu oxy não kéo dài trong quá trình mắc COVID làm gián đoạn kết nối giữa các tế bào thần kinh, gây cản trở sự phân phối oxy và năng lượng đến các vùng não cần thiết.
Cơ chế vừa nêu được gọi là rối loạn chức năng khớp nối thần kinh và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các triệu chứng sương mù não COVID-19 sau khi virus đã biến mất.
- Do rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh tự chủ
Ở một người khỏe mạnh, hệ thống thần kinh tự chủ thường xuyên gửi thông điệp từ não đến tim, ruột, dạ dày và các cơ quan khác để điều chỉnh tăng hoặc giảm hoạt động. Điều này được thực hiện với sự trợ giúp của hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm.
Tuy nhiên, ở những bệnh nhân sau COVID, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm thường hoạt động không ổn định, vì vậy khó điều chỉnh cơ thể thích nghi với từng tình huống phát sinh.
- Do rối loạn các cơ quan khác ảnh hưởng lên hoạt động của não
Cuối cùng, một số bệnh nhân có thể bị sương mù não gián tiếp do hậu quả của rối loạn chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể gây ra, như các rối loạn thị lực chẳng hạn. Ví dụ: nhìn mờ sau COVID do viêm kết mạc hoặc bệnh lý võng mạc, gây ra mệt mỏi cho não và cuối cùng có thể dẫn đến sương mù não, mệt mỏi, cảm giác choáng ngợp và nhiều hơn thế nữa.
2. Cách khắc phục chứng sương mù não, giảm trí nhớ hậu COVID
Sống chung với COVID có thể còn dài và còn nhiều thử thách phía trước, nhưng có một số điều bạn có thể làm tại nhà để giúp phục hồi chứng sương mù não, giảm trí nhớ:
2.1 Thực hành các bài tập thở
Thực tế, khi tư vấn, bác sĩ phát hiện ra nhiều bệnh nhân chỉ đơn giản là quên tập thở vì họ đang quá tập trung vào các việc khắc phục khác. Sau khi được tư vấn, nhiều bệnh nhân kiên trì tập thở và kết quả chứng sương mù não và giảm trí nhớ phục hồi một cách ngoạn mục.
Đơn giản, bạn cần thực hành sớm tập thở hàng ngày:
-
Ngồi thẳng lưng, một tay đặt lên bụng và tay kia đặt trên ngực;
-
Hít vào từ từ và sâu qua mũi và cảm nhận bụng bạn phình ra;
-
Rồi từ từ thở ra bằng miệng;
-
Lặp lại 5-6 lần trong ngày, mỗi lần làm trong 10-15 phút.
2.2 Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc hậu COVID
Một đêm ngủ không ngon sẽ không có tác động lớn, nhưng tình trạng thiếu ngủ tái diễn có thể khiến tình trạng sương mù não, giảm trí nhớ của bạn trở nên tồi tệ hơn. Nghỉ ngơi đầy đủ và cố gắng ngủ đủ giấc 7-8 giờ mỗi đêm là cách giúp giảm nhanh, hiệu quả chứng chứng sương mù não và giảm trí nhớ
2.3 Áp dụng một chế độ ăn uống tốt cho não
Một chế độ ăn uống thiếu cân bằng có thể khiến não của bạn khó tập trung. Chế độ ăn giàu đường, chất béo bão hòa hoặc nhiều calo có hại cho chức năng thần kinh, do làm tăng mức độ căng thẳng oxy hóa và cản trở các chức năng nhận thức.
Ngược lại, một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thực sự có thể giúp não của bạn hoạt động trơn tru hơn, chẳng hạn bạn nên ưu tiên thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 có trong cá, đậu và các loại hạt; đồng thời tránh caffeine, rượu và thực phẩm chế biến sẵn.
2.4 Cung cấp đủ nước, chất lỏng cho cơ thể
Uống trung bình 8 ly (ly uống nước chứa 200ml) cho mỗi ngày. Tăng lượng chất lỏng cho cơ thể như nước ép trái cây, các loại súp, canh… hàng ngày. Giữ đủ nước là một trong những chìa khóa quan trọng giúp phục hồi các triệu chứng COVID kéo dài như mệt mỏi, hụt hơi khó thở… và bao gồm cả chứng sương mù não, giảm trí nhớ sau COVID.
2.5 Tăng cường vận động, đi bộ kèm hít thở sâu hàng ngày
Ngoài chứng sương mù não, giảm trí nhớ, bạn còn có các triệu chứng khác đi kèm như hụt hơi, khó thở, mệt mỏi… có thể sẽ gây khó khăn cho công việc hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, ngay cả những bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp ích cho quá trình hồi phục của bạn. Nếu bạn không thể chạy, thì hãy đi bộ, nhưng hãy cố gắng vận động thường xuyên. Đi bộ 30 phút mỗi ngày, đi bộ kèm hít thở sâu đều giúp tăng cường lưu lượng máu và cung cấp oxy cho não.
2.6 Sắp xếp thứ tự các công việc và chia nhỏ các công việc trong một ngày
Để khống chế mệt mỏi, giảm trí nhớ một cách hiệu quả, đừng vội vàng lao vào công việc và hãy thật từ từ. Nếu bạn đang có nhiều công việc, hãy cố gắng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc quan trọng trong ngày vào lúc bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng nhất. Cách chia nhỏ công việc có thể khiến bạn cảm thấy kiểm soát được, không cạn kiệt năng lượng, không cùn mòn trí nhớ và tư duy.
2.7 Kết nối với bạn bè và gia đình của bạn
Dù là gặp trực tiếp, qua điện thoại hay email, tăng cường liên lạc với bạn bè và gia đình. Kết nối với những người khác có thể làm cho bạn cảm thấy phấn chấn hơn và giữ cho bộ não của bạn hoạt động tốt hơn.
2.8 Gặp chuyên gia sức khỏe tâm trí
Cuối cùng, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tâm trạng nghiêm trọng nào, bạn nên gặp chuyên gia trị liệu hành vi nhận thức để được tư vấn và hướng dẫn thêm.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()