Công suất điều hòa không phù hợp diện tích phòng
Đây là sai lầm phổ biến nhiều gia đình mắc. Về lý thuyết, mỗi điều hòa đều phù hợp với một không gian cụ thể dựa trên chỉ số BTU. Nguyên tắc chung là mỗi m2 diện tích cần khoảng 600 BTU để làm mát (BTU là đơn vị nhiệt của Anh, được dùng để đo công suất của các thiết bị sưởi hoặc làm lạnh). Chỉ số này có thể tăng thêm 10% nếu căn phòng có trần nhà cao hoặc có nhiều ánh sáng mặt trời.
Bạn cũng không nên mua điều hòa có công suất cao hơn mức cần thiết so với diện tích căn phòng. Một bộ điều hòa công suất cao hơn mức cần thiết sẽ bơm ra lượng lớn không khí mát mẻ nhưng sẽ không hoạt động đủ lâu để hút ẩm cho căn phòng. Độ ẩm cao sẽ làm cho căn phòng có cảm giác nóng hơn so với thực tế.
Mở cửa sổ, cửa ra vào
Nhiều người thường để mở cửa sổ hay ra vào quên khép cửa chính trong điều hòa đang hoạt động. Đây là một sai lầm cơ bản.
Một số gia đình tiết kiệm bằng cách mở cửa giữa các phòng để hơi mát từ phòng này có thể lan sang phòng khác. Tuy nhiên, nếu điều hòa không đủ công suất cho diện tích lớn, điều này có thể gây ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên lưu ý đến các lỗ thông hơi, vì chúng có thể làm hao hụt lượng không khí mát trong phòng.
Đặt nhiệt độ quá thấp
Trong thời tiết quá nóng, nhiều người hạ nhiệt độ điều hòa xuống thật thấp để căn phòng mát nhanh hơn, nhưng điều đó hoàn toàn không tốt cho thiết bị.
Trên thực tế, khi bạn bắt đầu bật điều hòa, thiết bị liên tục bơm ra một luồng không khí mát. Cài đặt nhiệt độ chỉ cho thiết bị biết khi nào ngừng việc làm mát chứ không giúp tăng tốc quá trình này.
Không lưu thông không khí bằng quạt
Trên thực tế, điều hòa hoạt động tốt hơn khi làm việc cùng với quạt. Ngay khi vừa được đẩy ra khỏi giàn lạnh, hơi lạnh ở khu vực phía trước thiết bị sẽ nhiều hơn, do đó để làm mát phần còn lại của ngôi nhà, bạn sẽ phải đợi các khối không khí đối lưu tự di chuyển. Nếu muốn quá trình này được đẩy nhanh hơn, bạn có thể dùng quạt, giúp tản hơi lạnh khắp phòng.
Ngoài ra, không khí lưu thông cũng giúp mồ hôi của bạn bay hơi nhanh hơn, có tác dụng làm mát làn da. Điều này có nghĩa là bạn có thể đặt máy điều hòa ở nhiệt độ cao hơn mà vẫn cảm thấy thoải mái, giúp giảm đáng kể hóa đơn tiền điện trong những ngày nắng nóng.
Không vệ sinh bộ lọc gió định kỳ
Cho dù phòng của bạn sạch sẽ đến đâu, các hạt bụi luôn bay lơ lửng trong không khí và bị hút vào bộ phận lưới lọc của dàn lạnh trong quá trình hoạt động.
Một bộ lọc sạch rất quan trọng để đạt được hiệu quả điều hòa tối ưu. Sự tích tụ hạt bụi, bẩn sẽ làm giảm luồng không khí, khiến thiết bị phải làm việc nhiều hơn để hút cùng một lượng không khí vào và thổi ra. Bộ lọc bẩn có thể làm tăng hóa đơn điện của bạn lên tới 15% và làm gián đoạn chức năng của thiết bị, khiến bạn phải giải quyết các vấn đề bảo trì.
Nếu điều hòa của bạn bật cả ngày, bạn vệ sinh bộ lọc ít nhất một lần mỗi tháng. Nếu ít sử dụng, bạn có thể vệ sinh bộ lọc ba tháng một lần.
Các chuyên gia cũng lưu ý việc cần vệ sinh và bảo dưỡng điều hòa vào đầu mỗi mùa.
Không bảo trì máy điều hòa
Bảo trì định kỳ không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị mà còn giúp máy móc hoạt động ở trạng thái tốt nhất, nghĩa là làm mát nhanh hơn và hiệu quả hơn trong suốt vòng đời của máy, đồng thời giảm thiểu năng lượng sử dụng.
Nếu bạn nghe thấy hoặc nhìn thấy điều gì đó bất thường của thiết bị, chẳng hạn như kêu tiếng lạ, nhỏ nước, nên tìm cách xử lý ngay lập tức.
Sử dụng các nguồn nhiệt khác khi bật điều hòa
Khi bạn bật điều hòa, nên cố gắng giảm tối đa lượng nhiệt tỏa ra trong phòng, bao gồm ánh sáng chói chang từ cửa sổ, nguồn nhiệt từ máy tính, các thiết bị tạo nhiệt như bếp nấu, máy giặt sấy, lò nướng. Các nguồn nhiệt, dù nhỏ, đều tăng tải cho máy điều hòa của bạn. Vì vậy, nếu bạn để chúng chạy không cần thiết, bạn đang tăng thêm tải cho máy điều hòa, khiến thiết bị hoạt động khó khăn hơn.
Ý kiến ()