Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm mạn tính của ruột già; gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiêu thường xuyên... Người bệnh cũng có thể bị sụt cân, kém ăn, mệt mỏi, thiếu máu. Bệnh viêm loét đại tràng bùng phát vì nhiều lý do, trong đó có thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Dưới đây là 8 sai lầm thường gặp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Không uống thuốc theo chỉ định
Các triệu chứng viêm loét đại tràng thường xuất hiện rồi biến mất, dễ tái phát. Người bệnh không tự ý bớt liều hoặc dừng uống thuốc khi thấy khỏe hơn, triệu chứng thuyên giảm. Thói quen này khiến việc kiểm soát bệnh gặp khó khăn. Uống thuốc đúng liều, đủ lịch, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ là điều cần thiết.
Không tránh thực phẩm nhiều đường, chất béo
Một số thực phẩm có thể làm triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy trầm trọng hơn. Người bệnh này nên hạn chế các loại thức ăn, đồ uống giàu chất béo, nhiều đường vì có thể kích hoạt triệu chứng. Nếu bạn đang bùng phát bệnh thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn để nhận đủ chất dinh dưỡng. Những người không dung nạp sữa cần hạn chế sữa và các thực phẩm liên quan để tránh viêm loét đại tràng trở nặng.
Ăn không đủ chất
Người bệnh có xu hướng ăn ít khi chán ăn, đau bụng, buồn nôn...; dễ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, giảm cân. Cân bằng thực phẩm, tăng cường trái cây ít chất xơ như chuối, dưa hấu, protein nạc, rau nấu chín, bánh mì mềm và bột yến mạch... giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Ăn bữa lớn
Ăn quá no gây áp lực cho hệ tiêu hóa. Bữa ăn trong ngày nên chia nhỏ thành 5 hoặc 6 bữa, thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày. Cách này giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, chán ăn, khó chịu do các triệu chứng của bệnh gây ra.
Uống cà phê, rượu bia, đồ uống có ga
Cà phê, trà có thể làm cho các đợt bùng phát viêm loét đại tràng trở nặng. Lý do là caffeine trong các thức uống này kích ứng ruột dẫn đến viêm loét đại tràng. Nước ngọt và các loại đồ uống có ga khác có thể gây đầy hơi, khó chịu, tiêu chảy. Nước lọc là lựa chọn tốt trong thời gian này.
Ý kiến ()