Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:28 (GMT +7)
7 kiểu ông bố 'độc hại' ảnh hưởng rất xấu đến con cái
Thứ 3, 05/12/2023 | 10:11:52 [GMT +7] A A
Những ông bố tay không rời điện thoại ảnh hưởng rất xấu đến con trẻ; bọn trẻ có thể cảm thấy rằng bản thân không quan trọng bằng một chiếc điện thoại.
Người bố đóng vai trò quan trọng trong hành trình trưởng thành của con cái. Khi vui chơi cùng bố, con trẻ được khuyến khích và thoải mái khám phá những điều mới mẻ xung quanh. Nhờ đó mà trẻ được tiếp thêm sự tự tin, lòng can đảm, tự lập để vượt qua mọi thử thách. Đây đều là những tính cách cần thiết để có thể thành công trong cuộc sống.
Tuy nhiên, thời nay có không ít ông bố "tàng hình", vắng mặt trong tuổi thơ của con hoặc một ông bố quá khắt khe, luôn khiến con cảm thấy sợ hãi. Dưới đây là 7 kiểu bố "độc hại" ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách của con cái.
Tay không rời điện thoại
Đây là người bố luôn xuất hiện với chiếc máy tính, điện thoại trên tay. Họ không bao giờ rời các thiết bị điện tử được một khoảng thời gian. Thậm chí ngay cả khi đang chơi với con, dạy con học, lúc ăn cơm cùng gia đình, họ cũng cầm điện thoại để lướt các thông tin trên đó.
Trẻ con học theo người lớn rất nhanh. Chúng có thể cảm thấy rằng bản thân không quan trọng bằng một chiếc điện thoại. Tệ hơn, chúng sẽ cho rằng việc sử dụng các thiết bị điện tử là chuyện bình thường, từ đó hạn chế thời gian giao tiếp, trò chuyện, chia sẻ. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng xấu đi.
Hút thuốc trước mặt con
Đây là một thói quen gây hại cho người hút và những người ngửi khói thuốc xung quanh. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, việc hít phải khói thuốc lâu ngày gây ảnh hưởng tới sức khỏe con rất nhiều. Một người bố hiểu biết sẽ không bao giờ làm điều này trước mặt bé và những người thân khác trong gia đình. Hít khói thuốc thụ động gây nhiều tác hại mà chúng ta không nhìn thấy ngay.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ nhìn thấy bố hút thuốc sẽ cho rằng đây là thói quen bình thường, có nguy cơ bắt chước hành động đó trong tương lai.
Thường xuyên quát mắng con
Các ông bố thường cho rằng bản thân phải có uy quyền, quát mắng thì con mới "nên người". Chính vì vậy, họ không ngại sử dụng bạo lực, đòn roi, chì chiết con. Tuy nhiên, những bậc phụ huynh cần hiểu khi trẻ sợ hãi, bộ não của chúng sẽ mặc định chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy và các trung tâm học tập trong não của chúng sẽ ngừng hoạt động.
Những trận quát mắng, đòn roi để lại rất nhiều hậu quả: Trẻ sợ hãi, tự ti, cho rằng bản thân vô dụng. Trẻ em gặp khó khăn trong việc học cách điều chỉnh cảm xúc của mình nếu cha mẹ không chỉ cho chúng cách cân bằng. Những bậc cha mẹ có xu hướng la hét mỗi khi buồn bã có thể sẽ dạy con mình phản ứng thái quá tương tự khi chúng gặp phải những tình huống khó chịu của riêng mình.
Vắng mặt trong tuổi thơ của con
Công việc, những buổi liên hoan, gặp gỡ bạn bè... có thể kéo người cha ngày một xa khỏi gia đình mình. Những người bố này thường đẩy trọng trách nuôi con cho vợ bởi nghỉ rằng việc của bản thân chính là kiếm đủ tiền nuôi gia đình. Thế nhưng, với những đứa trẻ, sự có mặt của bố trong cuộc sống quan trọng hơn thế.
Dù không quá nhiều nhưng hãy dành một khoảng thời gian nhất định cho con. Chỉ cần là các hoạt động nhỏ như đọc truyện, dạy con học bài, đưa đi chơi cuối tuần... cũng đủ khiến trẻ hạnh phúc. Những đứa trẻ không có sự quan tâm của bố dễ rơi vào cạm bẫy, không có chính kiến, mối quan hệ giữa cha con ngày một đi xuống.
Gia trưởng, kiểm soát mọi thứ của con
Đây là những ông bố đặt quá nhiều áp lực lên con, trong cả học tập lẫn những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Những ông bố này không bao giờ bằng lòng với những gì con cái đạt được, họ luôn so sánh con mình với những đứa trẻ xuất chúng khác và tạo áp lực để con đạt được thành quả cao hơn.
"Áp lực tạo nên kim cương", thế nhưng nếu không đúng cách sẽ dẫn tới hệ quả khó lường. Trẻ có nguy cơ trở nên chán nản, mệt mỏi, không muốn làm bất cứ thứ gì. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích để con phát triển khả năng của bản thân thay vì áp đặt những việc quá sức của trẻ.
Hèn nhát, không quyết đoán, buông thả
Đó là những ông bố "sao cũng được". Khi con thắc mắc một vấn đề nào đó, ông bố này có xu hướng trả lời qua loa, cho có như "ừ tùy con", hoặc "hỏi mẹ con xem, bố không biết". Lâu dần, trẻ sẽ không muốn hỏi hoặc thậm chí là coi thường những quyết định được đưa ra bởi bố.
Hãy luôn cố gắng trở thành người bạn đồng hành, cùng con vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Một người bố có chính kiến, có thể đưa ra những lời khuyên hợp lý chắc chắn sẽ giúp con trong nhận thức, suy nghĩ, trở thành người đàn ông có thể đưa ra quyết định trong tương lai.
Thất hứa
Trẻ nhỏ rất coi trọng lời hứa, đặc biệt từ bố mẹ của mình. Nếu hôm nay bạn hứa rằng sẽ cho con đi chơi công viên vào cuối tuần, con sẽ háo hức vô cùng, chờ đợi cho tới tận ngày đó. Thế nhưng khi bố thất hứa, sự mong đợi của con sẽ bị sụp đổ. Chúng sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng và buồn lòng.
Khi có công việc đột xuất hay cần phải giải quyết ngay, tốt hơn hết ba mẹ nên giải thích với bé, hẹn con sang một ngày chắc chắn có thể thực hiện được và phải tôn trọng lời hứa với con mình.
Theo Vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()