Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:57 (GMT +7)
7 dấu hiệu cảnh báo đường ruột không khỏe: Có thể gây nên các bệnh nguy hiểm
Thứ 4, 09/03/2022 | 22:25:44 [GMT +7] A A
Sức khỏe đường ruột kém có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe tâm thần, bệnh tự miễn, rối loạn nội tiết, tình trạng da và thậm chí cả ung thư.
Nhiều nghiên cứu trong 2 thập kỷ qua đã chứng minh mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và hệ thống miễn dịch, tâm trạng, sức khỏe tâm thần, bệnh tự miễn, rối loạn nội tiết, tình trạng da và ung thư.
Bên cạnh yếu tố ảnh hưởng đến đường ruột như tiền sử gia đình, chúng ta có thể kiểm soát các yếu tố bên ngoài như căng thẳng và chế độ ăn uống.
Nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại như mức độ căng thẳng cao, ngủ quá ít, ăn thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường hoặc dùng thuốc kháng sinh đều có thể làm hỏng hệ vi sinh vật đường ruột.
Điều này có thể ảnh hưởng đến các vấn đề khác của sức khỏe như não, tim, hệ thống miễn dịch, da, cân nặng, mức độ hormone, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và thậm chí là sự phát triển của ung thư.
Như vậy, đường ruột không khỏe mạnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và chúng thường có cách gửi tín hiệu cho bạn biết. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất.
1. Bụng trướng
Rối loạn dạ dày như đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy và ợ chua đều là dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh.
Đường ruột khỏe mạnh sẽ ít gặp khó khăn khi tiêu thụ thức ăn và loại bỏ chất thải.
2. Chế độ ăn nhiều đường
Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và thêm đường có thể làm giảm số lượng vi khuẩn tốt trong đường ruột. Sự mất cân bằng này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn đường, từ đó tác động xấu đến sức khỏe đường ruột.
Một lượng lớn đường tinh luyện, đặc biệt là siro ngô chứa hàm lượng fructose cao, có liên quan đến việc làm tăng chứng viêm trong cơ thể. Viêm có thể là tiền đề của nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư.
3. Thay đổi trọng lượng không chủ ý
Tăng hoặc giảm cân mà không thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục có thể là dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh.
Đường ruột mất cân bằng có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, điều chỉnh lượng đường trong máu và lưu trữ chất béo của cơ thể.
Giảm cân có thể do vi khuẩn đường ruột non phát triển quá mức, trong khi tăng cân có thể do kháng insulin hoặc ăn quá nhiều chất dinh dưỡng.
4. Rối loạn giấc ngủ hoặc mệt mỏi liên tục
Đường ruột không khỏe mạnh có thể gây ra rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không ngon giấc, dẫn đến mệt mỏi mãn tính.
Phần lớn serotonin của cơ thể, một loại hormone ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất trong đường ruột. Vì vậy, tổn thương đường ruột có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Một số rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan đến nguy cơ đau cơ xơ hóa.
5. Kích ứng da
Các tình trạng da như bệnh chàm có thể liên quan đến ruột bị tổn thương.
Viêm ruột do chế độ ăn uống kém hoặc dị ứng thực phẩm có thể làm tăng “rò rỉ” một số protein ra ngoài cơ thể, do đó có thể làm kích ứng da và gây ra các bệnh như chàm.
6. Rối loạn tự miễn dịch
Các nhà nghiên cứu y học liên tục tìm bằng chứng về tác động của đường ruột đối với hệ thống miễn dịch.
Họ cho rằng, đường ruột không khỏe mạnh có thể làm tăng tình trạng viêm và thay đổi hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch.
Điều này có thể dẫn đến các bệnh tự miễn dịch, nơi cơ thể tự tấn công chính nó chứ không phải là những tác nhân có hại.
7. Không dung nạp thực phẩm
Không dung nạp thực phẩm là kết quả của việc khó tiêu hóa một số loại thực phẩm (điều này khác với dị ứng thực phẩm - do phản ứng của hệ thống miễn dịch với một số loại thực phẩm).
Chuyên gia cho rằng, không dung nạp thực phẩm có thể do chất lượng kém của vi khuẩn trong ruột. Điều này dẫn đến việc khó tiêu hóa thức ăn và gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()