Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:07 (GMT +7)
7 dấu hiệu cảnh báo bạn nên ngừng uống cà phê ngay lập tức
Thứ 3, 09/04/2024 | 13:59:47 [GMT +7] A A
Mặc dù có những lợi ích đối với sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên uống cà phê. Bạn có thể ngừng uống hoặc cắt giảm liều lượng để đảm bảo cho sức khỏe.
Cà phê không xấu, uống cà phê cũng đem lại những lợi ích sức khỏe như giúp sống lâu hơn, tốt cho gan, ngăn ngừa bệnh thần kinh, giảm nguy cơ ung thư và trầm cảm... Tuy nhiên, uống quá nhiều cà phê có thể gây phản tác dụng, gây hại cho cơ thể. Hơn nữa, không phải ai cũng nhận được lợi ích khi uống cà phê, chẳng hạn nếu bạn bị huyết áp cao hay rối loạn giấc ngủ, cà phê không phải đồ uống lành mạnh cho bạn.
Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo bạn nên ngừng uống cà phê và lựa chọn những loại đồ uống lành mạnh hơn hoặc cắt giảm lượng cà phê hàng ngày.
1. Trào ngược axit
Caffeine có thể gây ra các triệu chứng trào ngược axit vì nó có tác dụng làm giãn cơ thắt thực quản dưới, gây trào ngược axit dạ dày lên thực quản. Uống cà phê, trà và soda (tất cả các loại đồ uống có chứa caffeine) đều liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Loại bỏ đồ uống có chứa caffeine là hướng dẫn của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ để quản lý tình trạng trào ngược axit.
Trào ngược axit không chỉ gây cảm giác khó chịu, để tình trạng phát triển lâu ngày có thể gây viêm thực quản, hẹp thực quản, ung thư thực quản...
2. Mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc
Caffeine giúp bạn tỉnh táo hơn bằng cách ngăn chặn các thụ thể thúc đẩy giấc ngủ trong não của bạn được gọi là thụ thể adenosine. Do vậy nếu bạn mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, uống cà phê có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Do hàm lượng caffeine cao, việc tiêu thụ cà phê 6 giờ hoặc ít hơn trước khi đi ngủ có liên quan đến tác động gây rối loạn giấc ngủ và làm tăng chứng mất ngủ.
3. Huyết áp cao
Cà phê có thể làm tăng huyết áp tạm thời do có chứa caffeine. Không rõ nguyên nhân gây ra sự tăng huyết áp này, nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng caffeine có thể ngăn chặn một loại hormone giúp mở rộng động mạch của bạn. Những người khác cho rằng caffeine khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenaline hơn, khiến huyết áp tăng lên.
Đặc biệt, nếu bạn bị huyết áp cao, hãy tránh dùng đồ uống có chứa caffeine như cà phê ngay trước các hoạt động làm tăng huyết áp một cách tự nhiên, chẳng hạn như tập thể dục, cử tạ hoặc lao động chân tay nặng nhọc.
Tuy nhiên, cà phê chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học được biết là có tác dụng chống oxy hóa mạnh và có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể bạn, một phần nào đó cũng tốt cho người bị huyết áp. Vì vậy, bạn cũng có thể cân nhắc uống uống cà phê nhưng với lượng nhỏ, không nên uống quá 2 tách cà phê mỗi ngày.
4. Mắc chứng rối loạn lo âu
Caffeine - chất có trong cà phê có thể kích thích một loạt cảm giác, chẳng hạn như tim đập nhanh hơn, cơ thể nóng lên, nhịp thở tăng lên - tất cả những triệu chứng này giống như sự lo lắng nên bạn không thể phân biệt được. Và nếu bạn đã mắc chứng lo âu, điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn.
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy liều caffeine tương đương với 5 tách cà phê có thể gây ra cơn hoảng loạn ở phần lớn những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng caffeine không chỉ làm tăng mức độ lo lắng ở những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ mà những người trưởng thành khỏe mạnh cũng cho biết họ lo lắng nhiều hơn.
Việc sử dụng caffeine cũng có thể góp phần gây ra vấn đề lo lắng theo những cách khác. Ví dụ, nó có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, từ đó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, lo âu nhiều hơn.
5. Xuất hiện triệu chứng cai nghiện khi không được uống
Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng sau khi không được uống cà phê, có thể bạn đã bị nghiện caffeine và gặp triệu chứng cai nghiện:
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Đau đầu
- Giảm sự tỉnh táo tinh thần
- Thời gian phản ứng chậm hơn
- Hiệu suất kém hơn trong việc ghi nhớ
- Có thể gặp các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn như buồn nôn cũng như thay đổi tâm trạng.
Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn, khiến bạn khó tập trung trong công việc hoặc tận hưởng các công việc hàng ngày.
Nếu bạn thấy rằng ngày của mình phụ thuộc vào một tách cà phê, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần cắt giảm số lượng tiêu thụ.
6. Tăng cân
Trên thực tế, cà phê có thể thúc đẩy giảm cân bằng cách tăng cường trao đổi chất và hỗ trợ kiểm soát sự thèm ăn.
Tuy nhiên, cà phê có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, có thể thúc đẩy tăng cân. Ngoài ra, nhiều đồ uống cà phê và các loại cà phê phổ biến có lượng calo cao và thường thêm đường. Uống những kiểu cà phê này sẽ khiến bạn tăng cân một cách nhanh chóng.
7. Rối loạn kinh nguyệt
Cà phê có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt theo nhiều cách và ở mỗi người sẽ có những sự thay đổi khác nhau. Theo Livestrong, uống quá nhiều cà phê có thể gây ra một số vấn đề trong chu kỳ kinh nguyệt như:
- Có thể rút ngắn hoặc kéo dài chu kỳ của bạn
- Có thể khiến bạn chảy máu nhiều hơn
- Ngăn ngừa rụng trứng
Mẹo để cắt giảm lượng caffeine
Đối với nhiều người, ngừng uống cà phê là việc rất đơn giản, nhưng ở những người nghiện caffeine, cắt giảm cà phê một cách đột ngột sẽ khiến họ cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, khó tập trung... Vì vậy, để cai caffeine một cách an toàn và dễ chịu, mọi người có thể áp dụng một số mẹo sau đây:
- Mỗi ngày cắt giảm một lượng caffeine phù hợp: Tùy vào tình trạng nghiện caffeine của bạn, mỗi ngày bạn nên giảm một lượng caffeine nạp vào, nếu không quá phụ thuộc vào caffeine, bạn nên cắt giảm nhiều hơn.
- Uống nhiều nước hơn: Uống nhiều nước hơn sẽ chống lại sự mệt mỏi và cải thiện tâm trạng cũng như mức năng lượng.
- Ăn nhiều thực phẩm có chất dinh dưỡng: Vitamin C, sắt, magie, kẽm, chất xơ và vitamin B phức hợp có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi khi ngừng uống cà phê. Chúng được tìm thấy trong sữa, phô mai, trứng, gan, thịt gia cầm, nội tạng, cá ngừ, cá thu, cá hồi, nghêu, các loại hạt, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau lá xanh nhiều màu sắc.
- Thay thế bằng các loại đồ uống lành mạnh hơn: Bạn có thể chuyển qua uống trà, sinh tố, nước ép...
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()