Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:39 (GMT +7)
Kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2022) Sống mãi ký ức hào hùng
Thứ 7, 07/05/2022 | 07:15:13 [GMT +7] A A
Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX. Đã qua 68 năm, nhưng những ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa.
Những ngày đầu tháng 5/2022, trong không khí náo nức của cả đất nước đang chuẩn bị cho những sự kiện lớn, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tại phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) có dịp gặp nhau để ôn lại kỷ niệm. Những cựu chiến binh (CCB) gặp nhau bằng cái ôm thật chặt, hỏi thăm nhau về sức khỏe và gia đình. Trong đôi mắt của những người lính già không ngăn được những dòng lệ cảm xúc khi cùng nhau nhớ về những tháng ngày chiến đấu oanh liệt.
Cầm trên tay những tấm hình xưa, ngày còn là người lính trẻ tình nguyện xin ra chiến trường chống giặc, mang trong mình khát khao giải phóng đất nước, đến giờ ông Phạm Văn Sắc, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 316 (còn gọi là Đại đoàn Bông Lau, nay là Sư đoàn 316) những ký ức về tháng ngày trực tiếp tham gia vào trận đánh giữ từng tấc đất trên đồi A1, Điện Biên Phủ, vẫn vẹn nguyên.
Trải qua hàng chục ngày đêm khoét núi, đào hào cùng với đồng đội là những ký ức không thể nào quên đối với ông Sắc. Qua lời kể của ông, những câu chuyện lịch sử mà chúng tôi được nghe lại có một sức hút rất riêng. Ông Sắc nhớ lại: Đêm 24/1/1954, sau cuộc họp ở đại bản doanh Mường Phăng do Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập, thảo luận về phương án tác chiến mới, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ đào hào. Mỗi ngày, tôi cùng đồng đội vừa đào hào, vừa xây dựng trận địa. Đầu tiên là đào hầm cá nhân để tránh pháo của địch, sau đó là đào hầm nối hầm cá nhân này với hầm cá nhân khác để tạo thành hình những chữ Z nối dài. Đêm 30/3/1954 là đêm diễn ra trận đánh đầu tiên trên đồi A1. Tiếp đó, từ ngày 31/3, quân ta chiếm một nửa quả đồi, địch một nửa quả đồi, khoảng cách gần nhau. Địch phòng thủ còn bộ đội ta quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, quyết tâm giành chiến thắng. Cứ như vậy, anh em, đồng đội chúng tôi kề vai, sát cánh để chiến đấu trong suốt mấy chục ngày đêm.
Bồi hồi nhớ về những ngày chiến đấu anh dũng, ông Đồng Văn Luật, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, xúc động chia sẻ: Trưa 6/5, anh nuôi của đơn vị nấu cơm, nắm cho mỗi người một nắm. Chúng tôi bắt đầu hành quân từ lúc 2 giờ chiều, ra đến cửa rừng lúc đó đã là 5 giờ chiều. 20 giờ 30 phút ngày 6/5, khối bộc phá 960kg nổ trên Đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dù tổn thất nhiều về lực lượng, nhưng bộ đội ta vẫn hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Đến 17h30 ngày 7/5, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri, Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đơn vị tôi nhận được tin báo ta đã dành chiến thắng trong chiến dịch này.
Nói đến đây giọng ông nghẹn ngào: Để có được chiến thắng này, biết bao đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh. Tôi nhớ mãi hình ảnh, ngọn cờ chiến thắng giương cao, trong màu cờ ấy có cả máu của những người nằm xuống. Trước bóng cờ, chúng tôi ôm nhau khóc, khóc vì quân đội ta, đồng bào ta đã chiến thắng quân thù, khóc tiếc thương những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống...
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).
Trở về đời thường, những người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Các CCB thường xuyên nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh xương máu của ông cha vì độc lập, tự do của dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa. Với những CCB Vùng mỏ, được cống hiến một phần tuổi thanh xuân cho đất nước là niềm vinh dự, tự hào. Họ chính là những cuốn lịch sử sống cho thế hệ sau hiểu hơn về những năm tháng hào hùng của dân tộc, để tự hào, ý thức được trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn. Đó là lý tưởng sống mà các thế hệ cha anh đi trước đã lựa chọn, theo đuổi và cũng là hành trang gửi gắm cho thế hệ trẻ hôm nay, dựng xây quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()