Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:17 (GMT +7)
Kỷ niệm 65 năm phát thanh Quảng Ninh 65 năm vươn cánh sóng góp phần dựng xây Đất mỏ
Thứ 3, 31/08/2021 | 07:25:15 [GMT +7] A A
Ngày 2/9/1956, tiếng loa truyền thanh đầu tiên vang lên trên Đất mỏ, đánh dấu sự ra đời của Đài Truyền thanh Hòn Gai (sau này là Đài PT-TH Quảng Ninh và nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh). 65 năm qua, phát thanh Quảng Ninh đã luôn đồng hành với những sự kiện lịch sử hào hùng của Vùng mỏ. Mỗi tin tức, bài viết, chương trình phát sóng đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống, làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần dựng xây Đất mỏ.
Nhìn lại những ngày đầu tiên
Ngược dòng thời gian hơn 6 thập kỷ trước, dấu ấn ra đời đầu tiên của phát thanh Quảng Ninh chính là vào thời khắc cả nước đang đắm chìm trong không khí hào hùng, ý nghĩa của lễ mít tinh kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Có mặt trong thời khắc quan trọng ấy, nhà báo Nguyễn Sơn Hải, nguyên phóng viên Đài Truyền thanh Hòn Gai khi xưa, bồi hồi nhớ lại: Đúng 7h sáng ngày 2/9/1956, trên hệ thống loa truyền thanh Hòn Gai vang lên tiếng nói tường thuật trực tiếp buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Thủ đô Hà Nội. Đó là buổi tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tiên của Đài lúc bấy giờ.
Để chương trình tiếp sóng diễn ra suôn sẻ, ngoài việc chuẩn bị nội dung, bộ phận kỹ thuật Đài Truyền thanh Hòn Gai khi ấy đã triển khai hệ thống dây dẫn và loa đài từ trước đó cả tháng. “Cả thị xã lúc ấy chỉ có 16 chiếc loa to, nên bà con phải tụ tập ở một số trung tâm nơi mắc loa để nghe được đài. Mọi người hồi hộp theo dõi, chờ đợi. Đúng 7h sáng, buổi tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu. Người dân Hòn Gai đứng lặng nghe tiếng nói ấm áp, thiêng liêng của Bác Hồ truyền đi từ Quảng trường Ba Đình lịch sử”, nhà báo Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.
Thời khắc lịch sử ấy dẫu chỉ diễn ra rất ngắn ngủi, nhưng đã mãi mãi in đậm vào ký ức của người dân Hòn Gai lúc bấy giờ. Ngay chiều hôm đó, bản tin đầu tiên được Đài Truyền thanh Hòn Gai phát sóng với thời lượng 15 phút. Đúng 17h, sau ca khúc “Công nhân ca”, giọng đọc ấm áp, đầy tự hào của PTV Minh Phan vang lên: “Đây là Đài Truyền thanh Hòn Gai” khiến nhân dân hò reo vui mừng, cán bộ, phóng viên “nhà đài” thở phào sung sướng, chuyên gia Liên Xô phấn khởi bắt tay cán bộ, nhân viên “nhà đài” chúc mừng.
Buổi truyền thanh đầu tiên ấy đã chính thức đặt nền móng cho sự nghiệp phát thanh, truyền hình Quảng Ninh hôm nay. Việc đưa Đài Truyền thanh Hòn Gai vào hoạt động với lịch phát sóng đều đặn 15 phút tin tức vào trước bản tin đầu giờ sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam chính là cơ hội phản ánh phong trào thi đua trong những năm đầu khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới của cán bộ, công nhân, nhân dân Vùng mỏ.
Nhờ đó, mùa xuân 1957, lần đầu tiên người dân Vùng mỏ được đón một cái Tết cổ truyền vang vọng và tràn đầy tiếng loa truyền thanh trong từng gia đình, trên từng đường phố, ngõ xóm, nghe được hơi thở mùa xuân của đất nước vọng về từ Thủ đô Hà Nội, được nghe tiếng Bác Hồ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước trong đêm giao thừa. Cũng bắt đầu từ đây, người công nhân mỏ và người lao động ở Hòn Gai, Cẩm Phả có thêm một người bạn tin cậy cần mẫn, chăm chỉ báo gọi giờ đi làm, vào ca, lên tầng bằng tiếng loa truyền thanh thân thương vào lúc 5h sáng hàng ngày.
Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và hành trình kiến thiết, đổi mới đất nước, phát thanh Quảng Ninh đã in dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi người dân Vùng mỏ, trở thành tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, đồng thời là diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Chuyển mình trong kỷ nguyên truyền thông số
65 năm hình thành và phát triển, qua nhiều lần hợp nhất cho phù hợp với giai đoạn lịch sử, nhạc hiệu phát thanh cũng đổi thay để phù hợp với những thời kỳ khác nhau. “Đây là Đài Truyền thanh Hòn Gai” năm 1956. “Đây là Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng” năm 1959. “Đây là Đài Truyền thanh Quảng Ninh” năm 1963. “Đây là Đài Phát thanh Quảng Ninh” năm 1976 và “Đây là Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh” năm 1983. Đối với nhiều thế hệ người dân Quảng Ninh, những nhạc hiệu này dường như đã trở nên rất quen thuộc, như một món ăn tinh thần vào mỗi sáng.
Ngay sau mỗi nhạc hiệu ấy, là những bản tin, phóng sự, chương trình được xây dựng đầy tâm huyết. Những người làm phát thanh qua các thời kỳ đều nỗ lực hết mình để mang tiếng loa, tiếng đài đến với đông đảo công chúng, phản ánh hơi thở cuộc sống hăng say ở Vùng mỏ. Nếu như thập niên 80 chỉ có 70% dân số nghe được đài thì giờ đây, phát thanh Quảng Ninh đã phủ sóng rộng khắp. Với 2 kênh phát sóng 18h/ngày/kênh (QNR1, QNR2) ở 2 hệ tiêu chí khác nhau, không chỉ giúp thính giả có thêm sự lựa chọn mà còn làm dày dặn thêm khối lượng tin tức và số lượng chương trình hằng ngày. Nếu như QNR1 tập trung vào các thông tin thời sự chính trị tổng hợp, thì QNR2 với tên “Giai điệu Hạ Long” đem đến cho thính giả những thông tin liên quan đến văn hóa, du lịch, đối ngoại đầy cuốn hút, với lối dẫn, ngôn từ mới mẻ, tươi trẻ như một luồng gió mới.
Tin tức trong tỉnh giờ đây được cập nhật liên tục qua các bản tin thời sự đầu giờ và các bản tin chuyên sâu. Cùng với đó là sự đa dạng hóa các chuyên đề, chuyên mục, tăng cường sử dụng tiếng động hiện trường và âm nhạc, khai thác thế mạnh của phát thanh trực tiếp để tăng lượng tương tác với thính giả, góp phần đưa phát thanh đến gần hơn với công chúng.
Kể từ khi Trung tâm Truyền thông tỉnh thành lập, phát thanh Quảng Ninh cũng đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu của thính giả, bắt đầu từ việc thay mới toàn bộ các nhạc hiệu chương trình. Đó là lý do người ta không còn nghe thấy lời giới thiệu “Đây là Đài….” vốn đã quá quen thuộc với bạn nghe đài. Không những thế, chất lượng phát thanh cả về nội dung, thiết bị đến hạ tầng truyền dẫn phát sóng cũng được đầu tư nâng cấp.
Trong dòng chảy công nghệ, với những ưu điểm vượt trội là thông tin nhanh, phương tiện tác nghiệp đơn giản; thính giả chỉ cần trang bị radio hoặc điện thoại thông minh là có thể nghe chương trình ở bất cứ đâu nên phát thanh vẫn phát triển và có lượng thính giả trung thành.
Nhà báo Đỗ Bích, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Truyền thông tỉnh, khẳng định: Những gì đang diễn ra trong thời đại bùng nổ thông tin đã cho thấy, phát thanh luôn có chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Song để có được điều đó, phải xuất phát từ sự dám thay đổi, đổi mới chính mình, đưa phát thanh từ truyền thống sang hiện đại.
Xác định yếu tố con người vẫn là nòng cốt trong việc sáng tạo các tác phẩm báo chí, Trung tâm Truyền thông tỉnh đặc biệt quan tâm tới bồi dưỡng chính trị và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, đặt ra yêu cầu đối với phóng viên, biên tập viên sản xuất đa phương tiện để có thể khai thác tối đa thông tin mà phóng viên cung cấp, cũng như tiết kiệm nguồn lực cho Trung tâm.
Nhà báo Phạm Xuân Hòa, Phòng Văn nghệ - Thể thao - Giải trí (Trung tâm Truyền thông tỉnh) cho biết: Với yêu cầu tòa soạn hội tụ, phóng viên chúng tôi cũng phải tự đổi mới mình để trở thành phóng viên đa phương tiện. Theo yêu cầu của Trung tâm, một phóng viên vừa có thể đảm nhận việc viết bài, biên tập, dựng hậu kỳ và thể hiện chính tác phẩm của mình. Đã từ lâu, trong mỗi chuyến tác nghiệp, hoặc khi làm hậu kỳ, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tác phẩm truyền hình, mà còn quan sát, ghi chép tỉ mỉ, ghi âm, đồng thời có sự chỉnh sửa lời bình để phù hợp với loại hình phát thanh.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và đặc biệt trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát thanh Quảng Ninh cũng đã tăng tốc về công nghệ, được Trung tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, Studio phát thanh trực tiếp, hệ thống thiết bị dựng phát thanh, phòng lồng tiếng và hòa âm, hệ thống phát sóng phát thanh tự động, hệ thống máy phát thanh FM và Anten...
Nhà báo Thu Giang, Trưởng Phòng Biên tập phát thanh (Trung tâm Truyền thông tỉnh) cho biết: Từ nền tảng truyền thống, phát thanh Quảng Ninh giờ đây đã đổi mới phương thức sản xuất thông qua các phóng sự hiện trường, kết nối điện thoại trực tiếp, khách mời phòng thu, thông tin có tính chất tương tác 2 chiều giao lưu, trao đổi với thính giả... để tạo ra một bức tranh âm thanh phong phú, sinh động. Phát thanh giờ đây không chỉ dừng lại ở hạ tầng truyền thống mà đã được phát trên các hệ sinh thái khác của Trung tâm, bao gồm: Báo điện tử, mạng xã hội và App Quang Ninh Media.
Với chiến lược phát triển đúng đắn và kịp thời, phát thanh Quảng Ninh không chỉ vươn xa cánh sóng, đến được với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh mà còn liên tục gặt hái được thành công qua các kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc và đạt giải cao tại các giải Báo chí quốc gia, giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Búa Liềm Vàng. Đây là nguồn cổ vũ và động viên rất lớn đối với các phóng viên, biên tập viên; là sự khẳng định quá trình phát triển và vươn lên không ngừng của phát thanh Quảng Ninh.
Cùng với truyền hình, báo in và báo điện tử, những bước tiến mạnh mẽ của phát thanh Quảng Ninh tiếp tục khẳng định đây là một trong những kênh thông tin quan trọng của công chúng. Làn sóng phát thanh Quảng Ninh đang không ngừng vươn xa khắp các địa bàn trong tỉnh, trao cho tất cả mọi người, không kể trình độ học vấn hay địa vị kinh tế - xã hội, những cơ hội thuận tiện để tiếp cận thông tin với chi phí thấp, nhưng vẫn hoàn toàn yên tâm về độ tin cậy, chính thống và tính hấp dẫn. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư hiện đại hóa các loại hình báo chí cho thấy Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đang phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình “Tòa soạn hội tụ” ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ
- Ngày 2/9/1956: Buổi truyền thanh đầu tiên của Đài Truyền thanh Hòn Gai.
- Ngày 29/10/1959: Đài Truyền thanh Hòn Gai, Đài Truyền thanh Cẩm Phả, Đài Truyền thanh Quảng Yên được hợp nhất thành Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng. - Ngày 30/10/1963: Nhà nước quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, Đài truyền thanh tỉnh Hải Ninh và Đài truyền thanh khu Hồng Quảng hợp nhất thành Đài Truyền thanh Quảng Ninh. - Năm 1976: Đài Truyền thanh Quảng Ninh được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển giao Đài A4 với máy phát sóng trung GZ-10-2 của Trung Quốc, công suất 10KW, tần số 750KHZ. Từ đây Đài có tên mới là Đài Phát thanh Quảng Ninh. - 19h ngày 2/9/1983: Chương trình truyền hình Quảng Ninh phát sóng buổi đầu tiên trên kênh 12. Từ đó, Đài có tên mới là Đài PT-TH Quảng Ninh. - Từ 21/6/2006: Bản tin Thời sự quốc tế chính thức phát trên sóng phát thanh. - Năm 2013: Kênh QNR2, tần số 94,7mhz chính thức phát sóng, song song với Kênh Thời sự chính trị tổng hợp QNR1 (tần số 97,8mhz). - Năm 2019: Trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, Đài PT-TH Quảng Ninh trở thành Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. |
BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH:
10 năm trở lại đây, Phát thanh Quảng Ninh liên tục đạt được các giải cao về báo chí:
- Búa Liềm Vàng toàn quốc: 1 giải C, 2 giải khuyến khích - Giải Báo chí quốc gia: 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C. - Liên hoan phát thanh toàn quốc: 6 giải Bạc, 1 giải Đồng. |
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()