Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:56 (GMT +7)
60 năm, đổi thay vùng đảo Hà Nam...
Thứ 4, 20/09/2023 | 11:35:06 [GMT +7] A A
Là những người con sinh ra, lớn lên và trưởng thành, chúng tôi tự hào thay về mảnh đất vùng làng đảo Hà Nam - thị xã Quảng Yên. 60 năm qua là 60 năm của quá trình phát triển dưới ánh sáng của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và các cấp chính quyền, đoàn thể tỉnh Quảng Ninh, vùng quê bên sông Bạch Đằng đã góp phần phát triển vào chặng đường đi lên của tỉnh Quảng Ninh.
Những cuộc đổi đời kỳ diệu
Hà Nam là một vùng làng đảo do những tập đoàn tiên công khai hoang lấn biển lập nên. Trong đó, khoảng năm 1434, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, 17 vị tiên công đã về đây khai thác vùng đất bãi triều ngập mặn trên cửa sông Bạch Đằng để lập quê hương. Từ sự tích "Tiếng ếch kêu" trong bãi rừng ngập mặn trên cửa biển, đến ngày nay là cả một quá trình hình thành và phát triển dài dặc gian lao và anh dũng. Qua mọi triều đại Hà Nam đã chấm thêm một địa danh làng Việt vào cơ thể Tổ quốc Việt Nam.
Trải qua gần 600 năm (1434-2023), biết bao thế hệ con cháu các vị tiên công đã làm nên những kỳ tích. Nhưng thời kỳ phát triển rực rỡ nhất phải nói đến ba cuộc đổi đời trong chặng thời gian 60 năm (1963-2023).
Nếu nơi khác nước ngọt là chuyện bình thường, thì ở Hà Nam, Quảng Yên - một vùng quê lấy cây lúa làm nguồn sống chính thì nước ngọt là vô cùng quý giá. “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”. Cùng những câu ca như: Bao giờ thấy chớp chùa Lôi/ Con ơi trở dậy mang nồi ra sân... vẫn còn vọng đâu đó đau đáu nỗi lòng cư dân bấy lâu nay.
Những năm hạn hán, cả vùng đảo thấp hơn mực nước biển trong chu vi 34km đê này, đồng ruộng luôn bị khô hạn, nứt nẻ chân chim. Cây lúa nghẹn đòng. Mùa màng nhiều phen mất trắng. Hoa cỏ sò bung vàng các cánh đồng. Năn lác mọc khắp sông ngòi. Từng đoàn người kéo nhau vào rừng Yên Lập đào bới củ mài, ra đồng chua móc củ năn về luộc ăn qua ngày đoạn tháng. Kỳ hào chức sắc và dân các làng rước bụt về sân đình Cốc “đảo vũ” cầu trời, cầu Thần nông cứu nghiệp nông tang. Tôi đã từng là thằng bé bám vạt áo cha đi xem lễ cầu mưa ở đình Cốc. Ngóng chờ mãi, chẳng thấy bụt đổ mồ hôi, tôi liền bỏ theo bọn trẻ lấy liềm đi rạch trộm bẹ chuối hột rồi vục miệng vào đó húp sùm sụp, nuốt lấy nuốt để những giọt nước vừa ngòn ngọt vừa chan chát một cách thú vị.
Người nông dân cam chịu “cấy đứng gặt ngồi” nhặt từng gié lúa. Từng đoàn người lại lũ lượt sang các làng Hà Bắc, Hoành Bồ, Quảng La mót khoai, mua sắn về ăn chống đói. Tôi vẫn không quên cảnh cả làng, trong đó có đám thanh niên nam nữ chúng tôi đi chống hạn, gánh nước thâu đêm vét dưới sông ngòi lên ruộng tưới cho từng khóm lúa. Thời ấy xóm nào cũng đào hồ, đào ao chắt nước trong mạch ngầm và hứng sẵn đợi mưa. Những hòn đá gạo, đá xanh kê bậc mòn vẹt bước chân người múc nước. Các chị tôi đi làm dâu, bà nội tôi thường dạy về nhà người ta trước tiên phải xem đôi thùng gánh nước để ở đâu, giếng làng ở chỗ nào.
Làng Phong Cốc, Yên Đông có nhiều thuyền buôn lên Bát Tràng, Thổ Hà, Hương Canh chở chum vại, be chậu về bán cho dân làm đồ chứa nước. Dựng vợ gả chồng cho con, bố mẹ nào cũng lo chia cho đôi trẻ chiếc chum vại hay chiếc kiệu sành làm vốn ở riêng. Nhà tôi bây giờ vẫn còn giữ được bốn chiếc kiệu lớn là kỷ vật của mấy đời cụ kỵ, ông bà.
Đến những năm 1970, dân Hà Nam vẫn phải qua đò sang Hà Bắc gánh nước giếng Rừng, giếng Chanh, xếp hàng đợi chia nước từ xà lan đậu ngoài sông Chanh. Những năm ấy, phong trào làm thủy lợi khai mương đào sông chứa nước mưa cũng đã góp phần phục hóa các cánh đồng. Chiến dịch đào sông Hồ Chí Minh đào con sông lớn chạy xuyên suốt vùng làng đảo vẫn còn âm vang tiếng trống tiếng hò thi đua vác đất. Nhưng tất cả mọi sự cố gắng “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” cũng chỉ có thể cung cấp nước ngọt phần nào cho hai vụ lúa và đời sống cư dân. Nước ngọt vẫn là một giấc mơ trên vùng đảo khát!
Mùa xuân năm 1980, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3/2 (1930-1980), dòng nước ngọt đầu tiên chảy từ công trình thuỷ lợi hồ Yên Lập qua hệ thống kênh mương, qua hai ống xi phông đặt ngầm dưới lòng sông Chanh đã sang đảo Hà Nam. Sau 4 năm khởi công và xây dựng, công trình này như một con rồng lớn xả nước xuống đồng quê. Ngày hội mừng nước, trong tiếng reo hò của hàng vạn dân, nhiều người đã khóc, xoè tay đón làn nước mát lành dưới nắng xuân, cứ ngỡ là cơn mưa thần kỳ tuôn ra từ ruột đất. Các cụ già vục tay cho nước tràn trề trên mặt như sợ tan mất giấc mơ! Có cụ còn mang một chai nước về đặt trên bàn thờ cúng vái như một sự yết cáo với tổ tiên từ nay con cháu đã có nước.
Từ đó cảnh gà gáy dậy sớm đặt gầu tranh nong tát nước vắng dần. Cây lúa tươi màu. Con cá bơi lội thoả thích. Sông ngòi, ao hồ đầy ắp nước quanh năm. Ngày tám tháng ba bát cơm thơm mọi nhà nơi xóm ngõ. Cả vùng Hà Nam đã thành vựa lúa, vựa cá tôm và rừng dừa của huyện Yên Hưng.
Đến nay, 7 công trình nước sạch nông thôn của các phường, xã trị giá hàng chục tỷ đồng đã hoàn thiện đưa nước sạch đến các khu dân cư. Hình ảnh vặn vòi nước máy như thành thị đã là hiện thực đối với người nông dân chân lấm tay bùn.
Đây là cuộc đổi đời thứ nhất!
Vùng Hà Nam tưởng chìm mãi dưới bóng đêm và chỉ có ánh sáng của những tuần trăng; những ngọn đèn dầu hoả. Người dân quê chỉ thấy ánh điện của các đội chiếu bóng lưu động, các đoàn văn công về lưu diễn. Nhà nào có “máu mặt” lắm mới sắm chiếc đèn măng sông, chiếc máy phát điện Nhật hoặc Trung Quốc, cho hàng xóm ké nhờ ánh sáng, được coi như một sự ân huệ láng giềng. Xã Phong Cốc những năm 1970 là địa phương đầu tiên khu vực làng đảo sắm máy phát điện chạy cho dân vài giờ mỗi ngày và chủ yếu phục vụ các hội nghị, đại hội xã viên.
Mãi đến ngày 18/3/1989, ánh điện đầu tiên do đường điện lưới quốc gia chăng qua sông Chanh sang Hà Nam mới thắp lên ở trạm điện Đò Chanh xã Nam Hoà. Tiếp theo là một loạt các xã tưng bừng đón lưới điện về làng. Năm 1998, xã mới Tiền Phong là xã cuối cùng có điện. Vùng Hà Nam tiếp tục trở thành vùng đệm cho lưới điện quốc gia chạy qua sang huyện đảo Cát Hải, Cát Bà của thành phố Hải Phòng.
Ánh điện sáng bừng đêm đêm trong các thôn xóm gần xa. Tiếng đài, tiếng ti vi rộn rã, réo rắt dưới những mái nhà. Cuộc sống thôn quê tự dưng sống động hẳn lên. Dòng điện đổi mới cuộc đời, đổi mới cả cách nghĩ, cách làm ăn, thói quen sinh hoạt thường ngày. Người nông dân kéo điện ra sân, ra vườn thắp sáng, sưởi ấm cho dược mạ giống mới gieo ủ, cho đàn tôm sú trong đầm ăn đêm để lột vỏ, cho luống hoa nở kịp dịp Tết. Các cỗ máy xay xát, máy cưa cắt, máy trộn bê tông thay sức người bắt đầu về làng, về các công trình, lán xưởng để phát triển các loại nghề nghiệp. Do sức điện, sản phẩm làm ra hàng loạt của cư dân nơi đây đã đến với bốn phương... Trẻ em học bài múa hát tận nửa đêm. Đám trai gái rủ nhau đi đám cưới, quán vườn hát karaoke. Đứng chải tóc bên cửa sổ dưới ánh đèn nêông, compac, các em, các cháu như đẹp lên gấp bao lần. Cùng các cụ cao tuổi cười vui bên bàn trà, các bà các chị vừa tuốt đai, xảo thóc vừa xem ti vi... Ngồi ở xóm quê mà biết bao nhiêu chuyện đông tây kim cổ, biết bao nhiêu sự kiện trên đất nước và thế giới cùng những bộ phim dã sử và hiện đại.
Không còn cảnh tối đến “ba xoa một đập” đạp chân đi ngủ, không còn cảnh nhà có việc cưới hỏi, lễ tang, lễ hội phải chạy đôn đáo khắp nơi thuê đèn măng sông cháy phập phù. Hiện nay, các xã phường đã hoàn chỉnh hệ thống đèn chiếu sáng trên đường làng cho dân đi lại, sinh hoạt văn hóa và bảo vệ an ninh. Tất cả bừng thức khi công tắc điện bật lên!
Bạn tôi ở phố, ở các nơi về thăm không còn lo thiếu ngụm nước rửa mặt và đọc trang sách phải nhờ ngọn đèn dầu hoả vàng vọt như hạt đỗ. Internet nhanh chóng lan rộng, nối mạng các máy tính dịch vụ công cộng, nơi công sở và các gia đình, các cá nhân.
Đấy là cuộc đổi đời thứ hai!
Khi vùng đất Hà Nam xuất hiện, dòng sông Chanh chia đôi huyện Yên Hưng xưa, thị xã Quảng Yên ngày nay thành hai khu vực Hà Bắc - Hà Nam. Các làng xã ngày thêm trù mật. Dân số gia tăng. Nông sản, hàng hoá dồi dào. Nhu cầu xã hội giữa hai khu vực và các nơi càng thêm mở rộng. Nhưng mạch máu giao thông cho đến tận năm cuối cùng của thế kỷ XX vẫn còn ách tắc, vẫn còn nhờ vào những con đò và phà máy. Bến phà Chanh là nút giao thông quan trọng của cả huyện. Biết bao nỗi niềm chờ đợi trong ngày...
Ký ức dân Hà Nam vẫn còn đó những trận bão lớn, đặc biệt là trận bão năm Ất Mùi 1955 từng dìm đắm vùng đảo, tàn phá bao làng mạc và hàng trăm người thiệt mạng. Ngày nay, vòng đê đã được nâng cấp, tôn tạo, lát mái, xây bờ chắn sóng, hiện đại như bức trường thành. Nhưng ẩn hoạ bão lụt vẫn còn đe doạ xung quanh. Ai dám chắc nơi đây sẽ không còn gặp thiên tai bất ngờ? Nên cây cầu thực sự là một cứu cánh, một sự đổi đời mà chỉ dân vùng “lòng chảo” luôn phải thường trực trước nguy cơ bão lụt mới thấm đẫm sâu sắc ý nghĩa của nó!
Từ một ý tưởng táo bạo, Dự án cầu Sông Chanh đã ra đời.
Sau 900 ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo, cây cầu dài 1.500m bằng bê tông cốt thép đã hiện lên như một áng cầu vồng bắc từ bờ sông phố huyện sang bờ sông Hà Nam.
Ngày 24/7/2001, một ngày mùa thu trời trong xanh và mây trắng bay, là một ngày hội lớn chưa từng có của nhân dân đảo Hà Nam. Đêm trước, cả vùng đảo cùng thức. Nên sáng sớm, hàng vạn người dân đã háo hức chờ đợi để bước qua cây cầu thực mà như mơ. Đôi mắt họ đã ứa những giọt lệ vì hạnh phúc. Họ đã đi trên sóng nước và lưng trời để được nhìn thấy trước mặt là phố phường vàng rỡ nắng thu. Dòng sông ngăn cách đôi bờ hàng trăm năm đã được cây cầu nối lại liền mạch giao thông giữa năm đầu thế kỷ 21!
Sau sự kiện cây cầu thế kỷ, người dân không quên cơn bão lớn số 7 năm 2005 hoành hành trên biển Đông bỗng chuyển hướng nhằm đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng. Cả vùng quê náo động trong cuộc sơ tán 3 vạn dân sang phố huyện Quảng Yên tránh bão. Tuy cơn bão tan sau đó, nhưng người dân quê tôi càng thấm thía ý nghĩa của cây cầu.
Rồi dự án cầu Bạch Đằng và đường cao tốc xuyên qua Hà Nam đã thành hiện thực tạo mối giao thông vùng Tam giác kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội là sự kiện tiếp theo vào mạch giao thông, góp phần đổi mới diện mạo tổng thể của thị xã Quảng Yên. Đến cuối năm 2022, trên sông Chanh đã có 5 cây cầu: Cầu Sông Chanh 1, cầu Sông Chanh 2, cầu Hà An, cầu Bạch Đằng, cầu Sông Rút... và công trình cầu Sông Rừng đã hợp long. Đến nay, hệ thống đường giao thông gồm hai đường phía Đông và phía Tây Hà Nam đã phủ thảm nhựa hoàn toàn. Hệ thống xe khách hoạt động thông suốt trên các tuyến ở Hà Nam thay cho toàn bộ hệ thống giao thông sông ngòi nội đồng trước đây.
Đó là cuộc đổi đời thứ ba!
Người nông dân quê tôi có nơi đi để nhìn lên bầu trời, có đất để cấy trồng, có nước ngọt, có điện để công nghệ phát triển và ứng dụng vào đời sống, có giao thông trên sa lộ giao thông cầu đường, viễn thông, internet để hội nhập. Những sự kiện đó đã kích cầu nền kinh tế nông nghiệp đứng vững hai chân: Sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản các loại… phục vụ đời sống cư dân và xuất khẩu. Tất cả lần lượt tăng trưởng, đi vào công cuộc phát triển của những ngôi làng thời đổi mới.
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã là một cách mạng lịch sử thiêng liêng tạo một chân trời mới cho dân tộc, trong đó có vùng quê Hà Nam thoát khỏi xiềng gông nô lệ của phong kiến, thực dân đế quốc, để vươn lên. 60 năm của những kế hoạch sáng suốt hợp ý Đảng lòng dân của Đảng bộ và các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh là một thành quả hiện thực mới trong lịch sử phát triển của đất và người Hà Nam.
Vùng quê giàu truyền thống văn hoá
Từ ngày xưa ở Yên Hưng - Quảng Yên đã lưu truyền truyền thuyết về hai cây bút vẽ trôi từ sông Hồng dạt vào bãi sú vẹt hai bên bờ sông Chanh. Dân đôi bờ nhặt được đem về. Từ đó hai vùng Hà Bắc và Hà Nam cùng phát tích, xuất hiện nhiều người vẽ giỏi nhưng tinh hoa phát tiết nhiều nhất vẫn là vùng quê Hà Nam.
Trong chặng thời gian 60 năm, các đời sau bây giờ đã tạo nên một “Làng tranh Yên Hưng” từng nổi tiếng, trong đó chủ lực là các họa sĩ người Hà Nam: Lê Vân Hải, Lê Chuyền, Lê Na, Lê Thị Minh Khanh, Vũ Tư Khang, Ngô Văn Túc… là những hoạ sĩ quốc gia có nhiều tác phẩm được các Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia và quốc tế lưu giữ.
Trong chu vi 34km đê, với 8 xã phường vùng làng đảo Hà Nam có cả một hệ thống di tích lịch sử, văn hoá: Miếu Tiên công thờ Thập thất Tiên Công "Trúc hải thành điền" và “Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ hội Tiên công” ở xã Cẩm La (lễ hội rước người duy nhất ở Việt Nam), di tích lịch sử - văn hoá Nhị vị Tiên công ở thôn Trung Bản xã Liên Hòa. Trong Lễ hội Tiên công mùng 7 tháng Giêng trên địa bàn xã Cẩm La có hội cờ người - chọn những cô gái xinh đẹp và nết na (tương đương như chọn thi hoa hậu - người đẹp thời nay) trong các làng "tứ xã" vào bàn cờ để chạy cờ và làm tướng cờ.
Vùng Hà Nam có Lễ hội Xuống đồng làng Cốc (cấy thi và bơi chải nam nữ bằng dầm và sào đẩy) diễn ra vào đầu tháng sáu hằng năm. Ở đây có tới 11 ngôi đình cổ thờ Thành hoàng là Thần Nông và các vị thánh, danh thần danh tướng như Trần Hưng Đạo, Tứ vị Thánh nương, Phạm Ngũ Lão, Phạm Tử Nghi…
Có thể nói thời đại đất nước đổi mới, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân được phát triển cao. Phật giáo được đặc biệt chú trọng với các công trình: Đình chùa, đền miếu… Các di tích Bãi cọc Bạch Đằng đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, đình Phong Cốc, đình Yên Đông, miếu Tiên Công... hàng năm đón nhiều lượt du khách các nơi đến tham quan và trải nghiệm du lịch. Năm 1963, xã Phong Cốc tách thành 2 xã: Phong Cốc và Phong Hải, sau là phường Phong Cốc và phường Phong Hải.
Năm 1968, Huyện ủy Yên Hưng phát động phong trào, mở chiến dịch đắp đê lấn biển Cái Dâu. Năm 1970, thành lập xã kinh tế mới Hà An phía Đông Bắc sông Chanh. Năm 1996, thành lập thêm xã mới Tiền Phong ở phía Nam, tách ra từ một phần dân số xã Liên Vị. Đưa vùng Hà Nam từ 7 xã thành 8 xã phường. Phường Nam Hòa được Nhà nước phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Phường Hà An hai lần được Nhà nước phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng Lao động”…
Từ những năm 1960-1970, Trường cấp 1 Liên Hòa từng là đơn vị “Lá cờ đầu ngành Giáo dục Quảng Ninh”, được Bộ Giáo dục công nhận danh hiệu "Trường Tiên tiến miền Bắc", được tặng thưởng hai “Huân chương Lao động hạng Ba” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.
Vùng Hà Nam vẫn lưu giữ các phong tục tập quán tốt đẹp và hệ thống các nhà thờ họ cùng những ngôi nhà gỗ cổ hàng trăm năm. Những phong tục tập quán đó qua các thế hệ đời người, ngày nay được kế thừa và phát huy trong đời sống văn hóa văn nghệ của nhân dân. Hầu như các phường xã hiện nay đều thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, dưỡng sinh, dân vũ, văn nghệ, các đội tế nam tế nữ phù hợp với hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng Hà Nam được Nhà nước vinh danh 6 anh hùng: Đỗ Thị Minh Hà, Anh hùng liệt sĩ chống Pháp; Tống Thị Vít (xã Liên Hòa), Anh hùng Lao động Nông nghiệp; Nguyễn Hữu Nghi (xã Phong Hải), Anh hùng Lao động Lâm nghiệp; Bùi ĐứcTy (xã Phong Cốc), Anh hùng Lực lượng vũ trang bắt gián điệp Mỹ ngụy); Vũ Văn Thành (xã Liên Hòa), Anh hùng Lực lượng công an vũ trang); Nguyễn Công Bao (xã Cẩm La), liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - tên anh đã được đặt tên cho một con đường ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và con đường phía Đông làng đảo Hà Nam).
Tháng 8/1969, Hội nghị tỉnh họp tại đình Trung Bản, xã Liên Hòa về Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Tháng 5/1970, thành lập Hội Văn học nghệ thuật huyện Yên Hưng (thị xã Quảng Yên ngày nay).
Vùng làng đảo Hà Nam có tới 55 văn nghệ sĩ là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Có 21 người khác làm công tác văn hóa thông tin ở các xã phường... Ngoài ra còn có một đội ngũ đông đảo các tác giả sáng tác văn học nghệ thuật trong Câu lạc bộ Thơ Bạch Đằng Giang thị xã Quảng Yên, các họa sĩ trong Câu lạc bộ Hội họa “Làng tranh Yên Hưng” và trong dân gian các xã, phường.
Đó là những tinh hoa, những thành tựu đã được làm nên từ chặng đường 60 năm một vùng làng quê trong cơ thể một tỉnh Quảng Ninh nơi đáng sống đáng đến và sẽ tiếp tục vươn lên những tầm cao mới!
Dương Phượng Toại
Liên kết website
Ý kiến ()