Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:28 (GMT +7)
6 thực phẩm người tăng huyết áp cần tránh
Thứ 6, 08/09/2023 | 14:06:21 [GMT +7] A A
Đối với người bệnh tăng huyết áp, chế độ ăn uống và tập luyện rất quan trọng. Người bệnh tăng huyết áp cần tránh hoặc hạn chế ăn một số loại thực phẩm để duy trì huyết áp trong ngưỡng an toàn.
Tăng huyết áp thường được coi là một căn bệnh “giết người thầm lặng” bởi tăng huyết áp có thể diễn tiến âm thầm tới 15-20 năm mà nhiều người không hề gặp bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo nào.
ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Người bệnh tăng huyết áp ngoài việc tuân thủ uống thuốc hạ áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, thay đổi lối sống cũng góp phần quan trọng giúp huyết áp ổn định, tránh được những biến chứng của bệnh.
Để kiểm soát tốt huyết áp và duy trì cuộc sống khỏe mạnh, người bệnh tăng huyết áp cần có chế độ ăn và lựa chọn thực phẩm phù hợp, nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ 6 loại thực phẩm dưới đây.
1. Thực phẩm chế biến sẵn dễ gây tăng huyết áp
Với người bệnh tăng huyết áp, việc ăn mặn hay chế độ ăn chứa nhiều natri có tác động xấu tới sức khỏe. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), khoảng 70% lượng natri tiêu thụ đến từ thực phẩm đóng gói, đồ ăn chế biến sẵn hoặc thức ăn tại nhà hàng. Do đó, người bệnh tăng huyết áp nên hạn chế các món ăn nhanh, chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt muối, jambon, lạp xưởng, xúc xích, giò chả vì chúng thường chứa nhiều muối và chất bảo quản. Tốt nhất là hạn chế đi ăn ở ngoài càng ít càng tốt. Trong khi đi ăn tại nhà hàng, lúc gọi món nên yêu cầu nêm nhạt hoặc tìm các món hấp, luộc được chế biến theo cách chứa ít natri hơn.
2. Phô mai chứa nhiều muối không tốt cho huyết áp
Mặc dù phô mai thường được biết đến như một món ăn nhẹ lành mạnh vì chứa nhiều canxi và là một nguồn protein tuyệt vời nhưng một số loại phô mai cũng chứa nhiều muối và chất béo bão hòa. Nếu tiêu thụ nhiều phô mai loại này có thể gây tăng huyết áp và tăng cholesterol dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Khi ăn phô mai, nên chọn loại phô mai chứa ít muối. Tuy nhiên, người tăng huyết áp nếu thỉnh thoảng thưởng thức một chút phô mai cũng không quá lo lắng đối với mức huyết áp.
3. Hạn chế các loại gia vị để giảm huyết áp
Nước sốt cà chua, nước tương, nước sốt salad đóng chai, các loại mắm và mù tạt đều có thể chứa nhiều natri. Nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh, giảm hấp thu muối sẽ giúp giảm huyết áp, giảm việc tích nước trong cơ thể.
Người bệnh tăng huyết áp nên giảm lượng hấp thu muối ăn hàng ngày <3g hoặc nước tương, nước mắm <5ml. Trong khi chế biến chỉ nên nêm mắm muối 1 lần để kiểm soát được lượng muối, hạn chế nêm thêm các loại gia vị trong bữa ăn bằng cách không đặt các lọ gia vị sẵn như nước tương, sốt cà chua, sốt mayonaise trên bàn ăn.
4. Các loại đậu đóng hộp
Các loại đậu thông thường chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho tim mạch và giúp giảm huyết áp. Nhưng hãy cẩn thận với đậu đóng hộp vì loại đậu này thường chứa rất nhiều muối. Nếu không có thời gian chế biến đậu tươi (hoặc khô), khi sử dụng đậu đóng hộp cần đỏ bỏ nước ngâm đậu, rửa đậu dưới vòi nước sạch hoặc ngâm đậu vào tô nước lọc và để ráo rồi mới nấu. Làm theo cách này, bạn sẽ cắt giảm được tới 40% lượng natri mà vẫn giữ được các chất dinh dưỡng khác tốt cho tim.
5. Ăn nhiều đồ nướng gây tăng huyết áp
Khi bị tăng huyết áp cần tránh ăn đồ nướng càng nhiều càng tốt. Thịt nướng làm tăng nồng độ chất béo xấu, tăng mức cholesterol trong máu và theo thời gian làm cho động mạch bị xơ cứng, ảnh hưởng xấu tới huyết áp và tim mạch.
Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ báo cáo năm 2018 cho thấy có mối liên hệ giữa thịt nướng ở nhiệt độ cao và tăng huyết áp. Dữ liệu từ nghiên cứu đã chứng minh, ăn thịt nướng có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng tăng huyết áp. Những người tiêu thụ thịt nướng ít nhất 15 lần mỗi tháng có hơn 17% nguy cơ bị tăng huyết áp.
6. Người tăng huyết áp cần kiêng uống rượu bia
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ với hơn 17.000 người Mỹ trưởng thành cho thấy, tiêu thụ rượu vừa phải (được định nghĩa là 7-13 ly mỗi tuần) cũng làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp.
Các chất kích thích như cà phê, rượu bia sẽ làm hưng phấn thần kinh, có thể gây rối loạn nhịp tim từ đó đẫn đến tăng huyết áp. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, rượu gây độc cho tim và có thể làm suy yếu cơ tim, nó cũng có thể gây tăng huyết áp tới mức nguy hiểm.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, việc lạm dụng rượu bia vô cùng có hại cho sức khỏe. Đặc biệt có nguy cơ gây ra vỡ mạch máu ở người bệnh tăng huyết áp mà ngay cả khi uống thuốc cũng không kiểm soát được.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()