Thông tin được TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Pasteur TP HCM, chia sẻ tại hội nghị phòng chống dịch năm 2023 khu vực phía Nam, ngày 22/12. Phía Bắc hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào.
Như vậy, tỷ lệ tử vong liên quan đậu mùa khỉ ở Việt Nam là 5,1%. Giữa tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chủng virus đậu mùa khỉ mới nguy hiểm hơn chủng xuất hiện năm ngoái, triệu chứng nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, khoảng 10%. Năm 2022, WHO cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính toán dựa trên số liệu có vào thời điểm ấy, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ khoảng 0,03%, với 5 ca tử vong trên 16.000 ca bệnh ghi nhận ở toàn cầu. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với SARS (10%) và MERS (34%), trong khi tỷ lệ tử vong do Covid là 1-2%, cúm mùa 0,1-0,2%.
"Đậu mùa khỉ chưa có dấu hiệu chững lại", bác sĩ Thượng nói, thêm rằng bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt trên thế giới, trong đó có vùng châu Á - Thái Bình Dương. Từ tháng 11, số ca tại TP HCM tăng nhanh.
BS.CK2 Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết ba tháng qua, bệnh viện tiếp nhận 49 ca. Trong số này, 6 ca nặng đã tử vong, 40 người xuất viện, 3 bệnh nhân đang điều trị.
"Tỷ lệ tử vong này không đại diện cho cộng đồng", bác sĩ Hoa nói, giải thích do Bệnh Nhiệt đới TP HCM là nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các địa phương ở phía Nam chuyển đến. Nhiều bệnh nhân kèm các biến chứng như sốc nhiễm trùng, viêm mô tế bào, áp xe da, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận...
Những bệnh nhân nặng đều nhiễm HIV giai đoạn AIDS, còn trẻ (28-30 tuổi). Tất cả đều không điều trị bằng thuốc ARV để kiểm soát HIV hoặc chỉ mới bắt đầu trị. Các sang thương da hoại tử, loét sâu rộng, bội nhiễm vi trùng gây viêm mô tế bào, áp xe da cơ nặng. Từ đó, bệnh nhân nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, là bệnh cảnh chính gây tử vong.
Trong số ca đậu mùa khỉ điều trị tại bệnh viện, nam chiếm 97%, nữ 3%. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 88%, phần lớn không dùng bao cao su khi quan hệ, nhiều ca đồng nhiễm giang mai.
Theo bác sĩ Hoa, đậu mùa khỉ có đường lây chính là tiếp xúc gần qua đường tình dục (lây giống HIV), cọ xát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang nhiễm... Hầu hết trường hợp bệnh xảy ra trên nhóm đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình.
BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết phần lớn ca phát hiện tại bệnh viện có triệu chứng toàn thân như sốt, nổi hạch. Một số trường hợp chỉ xuất hiện mụn nước, mụn mủ ở vài nơi trên cơ thể, như mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục... Những dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhiều người đến khám vì nghĩ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dự báo năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân. Trong đó, bệnh đậu mùa khỉ được dự đoán tiếp tục ghi nhận những ca mới trên nhóm nguy cơ cao.
Đậu mùa khỉ được xem là một bệnh truyền nhiễm tái nổi, trước đây chỉ lưu hành tại châu Phi. Từ tháng 4 năm ngoái, bệnh bùng phát ở châu Âu và Mỹ, sau đó được ghi nhận trên toàn thế giới. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các tiếp xúc gần như tiếp xúc da - da (bao gồm sờ trên da có sang thương, quan hệ tình dục đường miệng hoặc hậu môn), tiếp xúc miệng - miệng, tiếp xúc miệng - da (như quan hệ tình dục đường miệng hoặc hôn trên da), nói chuyện gần với người đang phát tán virus qua giọt bắn hô hấp, dùng chung chăn màn, quần áo... với người đang bị đậu mùa khỉ cũng có thể bị lây.
Chuyên gia khuyến cáo không nên lo lắng quá mức bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần, trừ một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ em... bệnh có thể nặng hơn. Vì vậy, người bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc cần được bác sĩ khám, đánh giá tình trạng lâm sàng để có chỉ định điều trị phù hợp.
Người dân cảnh giác chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ. Người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Ý kiến ()