Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:53 (GMT +7)
6 lầm tưởng thường gặp về tình trạng dị ứng theo mùa
Thứ 5, 16/02/2023 | 10:47:41 [GMT +7] A A
Dị ứng theo mùa (sốt cỏ khô) khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Dị ứng theo mùa có thể phòng ngừa nhưng không hoàn toàn.
Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với một chất lạ, chẳng hạn như phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng hoặc một loại thực phẩm không gây ra phản ứng ở hầu hết mọi người.
Hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các chất được gọi là kháng thể. Khi bạn bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các kháng thể xác định một chất gây dị ứng cụ thể là có hại, mặc dù chất đó không phải là có hại. Khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, phản ứng của hệ thống miễn dịch có thể làm viêm da, viêm xoang, ảnh hưởng đến đường thở hoặc hệ tiêu hóa của bạn.
Thông thường, dị ứng theo mùa thường không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ. Dưới đây là 6 lầm tưởng về tình trạng dị ứng theo mùa:
1. Dị ứng phấn hoa và thực phẩm không chồng chéo lên nhau
Những người bị dị ứng phấn hoa có thể dị ứng với một số loại thực phẩm, đây được gọi là hội chứng thực phẩm phấn hoa.
Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng có trong phấn hoa cũng như trong một số loại trái cây, rau hoặc hạt sống, gây ra triệu chứng ngứa miệng, trường hợp nghiêm trọng có thể gây sưng cổ họng, thậm chí là sốc phản vệ.
Một số loại thực phẩm thường gây ra tình trạng dị ứng này như táo, anh đào, đào, lê, cần tây, hạnh nhân, táo, mơ, anh đào, cà chua, cà rốt, quả óc chó, dưa, cam, dưa hấu, khoai tây, đậu phộng, chuối, dưa đỏ, dưa mật, dưa chuột, bí và bí xanh…
Tuy nhiên, những loại trái cây và rau quả này có thể không gây ra phản ứng dị ứng khi được nấu chín.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nếu đã biết bản thân có những phản ứng dị ứng với những thực phẩm trên, bạn nên tránh ngay từ ban đầu.
2. Khó có thể phân biệt cảm lạnh và dị ứng
Cảm lạnh và dị ứng theo mùa có một số triệu chứng giống nhau như sổ mũi, hắt hơi và nghẹt mũi nhưng hoàn toàn có thể phân biệt.
Khi bị cảm lạnh, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như đau nhức cơ thể, sốt, đau họng… Còn đối với dị ứng, người bệnh gặp tình trạng ngứa mắt hoặc mũi, chảy nước mắt…
Thêm vào đó, cảm lạnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày, còn dị ứng có thể kéo dài dai dẳng hơn.
Ngoài ra, mọi người có thể phân biệt bệnh qua yếu tố thời tiết, nếu đang trong mùa phấn hoa, khả năng cao là bạn mắc tình trạng dị ứng.
3. Cách duy nhất để điều trị dị ứng là tránh các yếu tố kích hoạt
Tránh xa các yếu tố kích hoạt gây ra tình trạng dị ứng là một biện pháp phòng ngừa hoặc hỗ trợ làm giảm các triệu chứng dị ứng.
Để điều trị dị ứng, bên cạnh việc tránh các tác nhân gây dị ứng, người bệnh có thể sử dụng thuốc theo đơn từ bác sĩ, chẳng hạn: thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine, thuốc xịt mũi steroid hoặc nước muối.
Tiêm phòng dị ứng, được gọi là liệu pháp miễn dịch, có thể làm giảm độ nhạy cảm của bạn với một số chất gây dị ứng bằng cách cho cơ thể tiếp xúc với liều lượng nhỏ, sau đó sẽ tăng dần lượng tác nhân gây dị ứng để cơ thể hình thành khả năng dung nạp. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên môn và cần thời gian.
4. Thuốc dị ứng chỉ dùng sau khi bạn có triệu chứng
Thực tế là phản ứng dị ứng có thể được ngăn chặn nếu dùng thuốc trước khi các triệu chứng phát triển. Nhiều người bị dị ứng theo mùa chỉ dùng thuốc khi họ có các triệu chứng. Nhưng điều tốt nhất nên làm là bắt đầu điều trị trước khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào để bảo vệ hệ thống miễn dịch của bạn khỏi sự tấn công của phấn hoa.
Các loại thuốc như steroid mũi hoặc chất ổn định tế bào mast hoạt động bằng cách ngăn chặn việc giải phóng các hóa chất của hệ thống miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng ở đường mũi hoặc mắt. Những loại thuốc này được dùng cho những người bị dị ứng theo mùa bắt đầu khoảng hai tuần trước khi mùa dị ứng bắt đầu.
Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng theo mùa mãn tính, nên tham khảo bác sĩ các loại thuốc phòng ngừa để đảm bảo an toàn.
5. Dị ứng không xảy ra vào mùa đông
Thông thường, dị ứng thường xảy ra vào mùa Thu và mùa Xuân là chủ yếu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dị ứng không xảy ra vào mùa Đông.
Mặc dù vào mùa đông không có phấn hoa nhưng các tác nhân gây kích ứng khác luôn tồn tại như nấm mốc, mạt bụi...
Hơn nữa, mùa Đông ít gây tình trạng dị ứng phấn hoa nhưng mề đay là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người, đây được coi là một chứng dị ứng với cảm lạnh.
6. Dị ứng theo mùa thường chỉ gây phiền toái mà không nguy hiểm
Tình trạng dị ứng theo mùa thường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, mức độ nguy hiểm không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu như không điều trị đúng cách và kịp thời, dị ứng theo mùa có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và tác động đến sức khoẻ tổng thể, khiến bạn dễ bị viêm xoang, nhiễm trùng tai hoặc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.
Nên làm gì để ngăn ngừa dị ứng theo mùa?
Dị ứng theo mùa không thể phòng ngừa hoàn toàn, nhưng bằng một số biện pháp mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ bị dị ứng, cụ thể:
- Tránh xa các tác nhân gây hại như phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi...
- Nếu bạn biết bản thân bị dị ứng với thực phẩm nào đó, hãy tránh xa chúng
- Nếu bị dị ứng mãn tính, bạn có thể dùng thuốc phòng ngừa nhưng cần sự tư vấn, chỉ định từ bác sĩ.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nếu xung quanh nhà nhiều phấn hoa thì bạn không nên mở nhiều cửa, vì phấn hoa sẽ bay vào nhà và gây ra các triệu chứng dị ứng.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài và vệ sinh mũi thường xuyên với nước muối sinh lý
- Khi đi từ bên ngoài về nên tắm rửa và thay quần áo để gạt bỏ phấn hoa, bụi bẩn bám trên người.
Khi bạn gặp tình trạng dị ứng theo mùa, nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo sự tư vấn từ bác sĩ để giúp giảm triệu chứng nhanh chóng và phòng ngừa tái phát.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()