Theo tiến sĩ Andrew Fang từ Doctor Anywhere, tắm nước nóng dưới vòi hoa sen giống như gạt công tắc, tắt hệ thống phản ứng của cơ thể và tạo ra trạng thái tinh thần và cơ thể thoải mái hơn. Nhiệt có thể làm cho các mạch máu trên da của bạn giãn ra và cho phép tăng lưu lượng máu đến bề mặt cơ thể, tăng tỷ lệ trao đổi chất.
Theo nhà vật lý trị liệu Cindy Chan, việc lưu thông máu tăng lên giúp làm dịu các cơ bị đau sau khi tập luyện, hỗ trợ quá trình phục hồi bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho cơ bắp. Tiến sĩ Terence Lim, giám đốc y tế của Assure Urology & Robotic Center (Singapore), cho biết về hô hấp, hơi nước từ vòi sen nước nóng cũng có thể giúp làm ẩm và làm dịu đường hô hấp, giúp giảm tắc nghẽn và các vấn đề về hô hấp nhẹ.
Tuy nhiên, tắm nước nóng cũng gây hại. Nước nóng lấy đi lớp dầu tự nhiên tham gia vào việc duy trì hàng rào bảo vệ da. Điều này dẫn đến tình trạng khô, đóng vảy, mẩn đỏ và ngứa. Do vậy, các bác sĩ khuyên bạn nên tắm nước nóng không quá 15 phút.
Theo chuyên gia, bạn cần lưu ý 6 điều về việc tắm nước nóng:
Tắm nước nóng không thể giúp diệt vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng da.
Tiến sĩ Derek Lim cho biết, đôi khi sở thích tắm nước nóng bắt nguồn từ thói quen và quan niệm sai lầm rằng có thể loại bỏ bụi bẩn và vi trùng tốt hơn. Thực tế, nhiệt độ của vòi sen nước nóng thường không đủ để tiêu diệt vi khuẩn và nấm trên da. Bạn sẽ cần tắm với sữa tắm, xà bông hoặc loại chuyên dụng giúp kháng nấm, kết hợp với thuốc kháng sinh hoặc các loại kem khác, để điều trị nấm hay nhiễm trùng da.
Không tắm nước nóng ngay sau khi ăn vì có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Theo bác sĩ Fang, một quá trình được gọi là "siêu nhiệt" được kích thích trong cơ thể khi bạn tắm nước nóng, làm tăng nhiệt độ trong cơ thể lên 1-2 độ. Khi bạn ăn xong, bạn thấy cơ thể nóng lên, đó là cơ thể đang hướng lưu lượng máu đến các cơ quan tiêu hóa.
Nếu bạn tắm nước nóng ngay sau khi ăn, máu vốn dành cho quá trình tiêu hóa sẽ chảy đến các bộ phận khác của cơ thể và làm chậm quá trình tiêu hóa. Tắm nước nóng ngay lập tức cũng có thể làm tăng nhịp tim, gây cảm giác khó chịu khi bụng đầy.
Tắm nước nóng sau khi uống rượu có thể gây hại
Tiến sĩ Fang cho biết cơ quan chủ yếu tham gia vào quá trình xử lý rượu là gan. Do đó, nếu bạn uống rượu và đi tắm ngay sau đó, rượu sẽ tiếp tục được xử lý ở gan với tốc độ bình thường. Tuy nhiên, tắm nước nóng có thể gây ra sự giãn nở của các mạch máu, khiến rượu được hấp thụ nhanh hơn vào máu của bạn, điều này có thể dẫn đến tác dụng của rượu nhanh hơn.
Tiến sĩ Fang cho biết, uống rượu làm mất nước và sự kết hợp giữa rượu và tắm nước nóng có thể khiến một người bị mất nước nhiều hơn do mồ hôi tiết ra khi tắm nước nóng.
Phụ nữ có thể tắm nước nóng để giảm đau bụng kinh
Tiến sĩ Sherry Ross, chuyên gia sức khỏe phụ nữ và là tác giả của cuốn She-ology: The Definitive Guide To Women's Intimate Health, cho biết tử cung của phụ nữ về cơ bản là một hệ cơ lớn và nó co bóp để bong ra lớp niêm mạc mỗi tháng nhằm tạo ra kinh nguyệt. Vì vậy, giống như việc tắm nước nóng có thể làm thư giãn các cơ bị căng, nhiệt cũng có thể làm dịu các mô cơ tử cung để giảm bớt cơn co thắt.
Đàn ông nên tránh tắm nước nóng lâu nếu đang muốn có con
Tiến sĩ Jay Lim, bác sĩ tiết niệu của PanAsia Surgery, cho biết nhiệt độ cao tác động không tốt tới sự hình thành hoặc sinh tinh trùng. Nhiệt độ tối ưu để hình thành tinh trùng là thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 2-4 độ C. Nghiên cứu cho thấy, cứ tăng 1 độ nhiệt độ tinh hoàn sẽ làm giảm 14% quá trình sinh tinh.
Đây là lý do tại sao đàn ông tắm nước nóng lâu không tốt. Nhiệt độ cao có liên quan đến việc giảm các thông số của tinh dịch.
Ý kiến ()