Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 21:11 (GMT +7)
6 giờ 'dị thường' trong trận ngập lụt kinh hoàng ở Đà Nẵng
Chủ nhật, 16/10/2022 | 11:43:52 [GMT +7] A A
Mưa liên tục 6 tiếng gây ngập lụt kinh hoàng ở Đà Nẵng đêm 14/10, là "vượt năng lực chịu đựng của cơ sở hạ tầng". Cái thứ mưa 600mm/6 tiếng liên tục, nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện một lần.
Về đợt mưa ngập lịch sử vừa rồi tại Đà Nẵng, TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai, người theo dõi sát diễn biến mưa lũ, bão miền Trung thời gian qua, đã có những nhận định ban đầu. VietNamNet xin đăng tải ý kiến này.
Quan điểm của tôi là mưa lũ "vượt năng lực chịu đựng của cơ sở hạ tầng". Chúng ta khoan vội quy trách nhiệm cho ai vì với trận lụt lịch sử này rất cần thảo luận với nhau bằng các con số khoa học ở các hội nghị chuyên đề và sau đó nên được truyền thông rộng rãi.
Số liệu mưa thực tế mà tôi có được từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy, khoảng thời gian mưa có ý nghĩa gây ra trận ngập lụt kinh hoàng này là từ 3h chiều đến 9h tối (6 tiếng) ngày 14/10 với lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, Sơn Trà là 637mm/ 6hrs.
Năng lực thoát nước ở các đô thị loại 1 ở Việt Nam nói chung đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm/2hrs, nghĩa là với 6 tiếng có thể đáp ứng được lượng mưa tổng là 210mm. Đó là về mặt lý thuyết. Về mặt thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó nhiều do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường,...
Như vậy, trong trường hợp của Đà Nẵng, để đáp ứng thoát được lượng nước mưa liên tục trong 6 tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Để có được hệ thống hạ tầng gấp 3 lần hiện tại, nghĩa là năng lực thoát nước của hệ thống phải giải quyết được lượng mưa 100mm/hr. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền. Với các đô thị của Việt Nam lại càng khó làm vì đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới,...
Ứng xử hài hoà với nước thì nước có lợi với mình
Khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện một lần. Cái thứ mưa 600mm/6 tiếng liên tục thì nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện một lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói riêng và hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung.
Vấn đề ở đây là tần suất mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây xuất hiện nhiều hơn. Các hệ thống sông ngòi ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn báo động 3 mỗi khi có lũ và vì vậy đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện nay. Điều này rất khó làm ở các đô thị cũ ở Việt Nam như tôi nói sơ qua về các lý do tốn tiền như ở trên.
Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước cho đô thị.
Ở nông thôn, chúng ta hạn chế bê tông hoá mảnh vườn hoặc mảng sân nhà mình. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước.
Mềm như nước, uyển chuyển như nước, dịu dàng như nước và cũng dữ dội như nước. Ứng xử hài hoà với nước thì nước có lợi với mình.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()