Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:15 (GMT +7)
6 điểm nhấn công nghệ thế giới 2022
Thứ 4, 28/12/2022 | 14:16:44 [GMT +7] A A
Năm 2022, ngành công nghệ chứng kiến làn sóng sa thải rộng khắp, thị trường tiền số hỗn loạn, trong khi lĩnh vực sản xuất chip vẫn bất ổn.
Thảm họa tiền số
2022 là năm tồi tệ của thị trường tiền mã hoá khi hàng loạt tên tuổi lớn lần lượt sụp đổ. Thảm hoạ bắt đầu khi token Luna giảm 99,6%, từ đỉnh 86 USD xuống còn 0,005 USD vào sáng 13/5. Trước khi phá sản, vốn hoá của Luna đạt trên 30 tỷ USD. Cú sập đã kéo theo sự sụp đổ của nhiều tên tuổi lớn bậc nhất trên thị trường như quỹ đầu tư Arrows Capital (3AC), sàn giao dịch Voyager Digital, nền tảng cho vay tiền số Celsius Network... Đến nay người dùng và các quỹ đầu tư vẫn chưa có cách nào lấy lại tiền. Nhà sáng lập Do Kwon hiện vẫn bỏ trốn.
Đến tháng 11, thị trường tiền mã hoá tiếp tục chứng kiến một thảm họa khác là FTX - sàn giao dịch tiền mã hoá lớn thứ ba thế giới - bị sập. Ngày 8/11, từ mức giá 22 USD mỗi token, FTT giảm mạnh còn 2,4 USD sau vài giờ. Tài sản của Sam Bankman-Fried mất 94%, từ gần 16 tỷ USD xuống 991,5 triệu USD. Ngày 11/11, FTX nộp đơn phá sản. Tiền của hàng triệu người dùng bị mắc kẹt trên sàn. Ngày 12/12, Sam Bankman-Fried bị bắt và đối mặt mức án lên đến 115 năm. Tương tự Luna, thảm họa FTX gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với thị trường tiền số. BlockFi, một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới, tuyên bố phá sản do liên quan đến vụ sập sàn FTX.
Thảm hoạ tiền số trong năm 2022 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi những ngày cuối tháng 12, hàng loạt tin tức bất lợi nhắm vào Binance - sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới. Những phân tích của Reuters cho thấy cách hoạt động và quản lý dòng tiền của Binance thậm chí mập mờ hơn cả FTX. Người dùng kéo nhau rút tiền khỏi sàn, trong khi nhà sáng lập Changpeng Zhao liên tục lên tiếng trấn an cộng đồng. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra với Binance, thị trường tiền mã hoá có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử.
Elon Musk mua Twitter
Elon Musk trở thành tâm điểm của ngành công nghệ trong suốt nửa năm qua khi thâu tóm mạng xã hội Twitter. Giữa tháng 4, ông thông báo kế hoạch mua lại mạng xã hội nhưng sang tháng 5 lại đổi ý. Hai tháng sau, Twitter kiện Musk, buộc ông phải tiếp tục hợp đồng. Cuối cùng, ông trở thành ông chủ mới của mạng xã hội này từ ngày 27/10.
Không ngoài dự đoán, sau khi tiếp quản Twitter, Musk đã tạo ra một loạt xáo trộn. Bắt đầu với việc sa thải một số nhân vật chủ chốt của công ty, tỷ phú Mỹ tiếp tục mạnh tay cắt giảm hơn một nửa nhân sự. Musk thậm chí gây chiến với Apple nhưng sau đó nhượng bộ.
Tuy nhiên, tỷ phú cũng đang tạo ra nhiều thay đổi mang tính bản lề với Twitter. Sau thời gian ngắn thử nghiệm, Musk khởi động chiến dịch thu phí tài khoản "tích xanh" với giá 8 USD/tháng. Lý giải về những hành động bất thường của mình, Musk nói trên Twitter Space tối 20/12: "Công ty trong tình trạng giống như một máy bay đang lao thẳng xuống mặt đất với tốc độ cao, động cơ bốc cháy và hệ thống điều khiển không hoạt động". Ông thừa nhận những định hướng của mình có phần kỳ quặc nhưng đó là cách ông chuẩn bị sẵn sàng cho "một cuộc diễn tập chữa cháy khẩn khấp" có thể xảy ra trong tương lai.
Aliya Capital Partners, công ty quản lý tài sản đã đầu tư 360 triệu USD vào thương vụ của Musk, tin những rủi ro hiện tại chỉ là ngắn hạn, còn trong vài năm tới, Twitter có thể tạo ra lợi nhuận gấp 4-5 lần.
Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ
Khi Musk tuyên bố sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên, mũi dùi dư luận đã hướng về ông. Nhưng thực tế, sóng ngầm đã âm ỉ từ trước đó. Từ tháng 7, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, đã nhắc nhở nhân viên về việc tăng cường hiệu suất làm việc hoặc rời đi. Đến tháng 11, ông thông báo sa thải 13% số nhân viên, tương đương 11.000 người. Tuy nhiên, CEO Meta cảnh báo việc cắt giảm vẫn chưa dừng lại.
Tương tự, từ giữa năm, CEO Google Sundar Pichai, đã yêu cầu nhân viên phải tăng năng suất làm việc thêm 20% nếu không muốn bị mất việc. Các quản lý nhóm tại Google đã được yêu cầu đánh giá hiệu suất và xếp hạng nhân viên để giảm bớt 10.000 nhân sự làm việc kém hiệu quả. Con số này tương đương 6% trong tổng số gần 187.000 nhân viên.
Nhân viên ở Amazon cũng đối mặt đợt sa thải lịch sử. Từ tháng 10, CEO Andy Jassy thúc giục các quản lý thực hành "tiết kiệm gấp đôi". Một tháng sau, công ty đóng băng tuyển dụng, giảm hàng loạt chi phí vận hành, thu hẹp hoạt động các bộ phận không có lãi.
Các công ty công nghệ khác như Amazon, HP, Microsoft, Salesforce, Lyft... cũng xác nhận kế hoạch điều chỉnh nhân sự. Thống kê từ Layoffs.fyi đến cuối tháng 11 cho thấy, tổng số lao động công nghệ bị sa thải ở Thung lũng Silicon đã vượt 100.000 người, đa số từ các công ty công nghệ lớn. Điều này không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của các kỹ sư mà còn đe dọa nghiêm trọng đến việc phân bổ, thu hút tài năng công nghệ của những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như Thung lũng Silicon.
Meta lao dốc
2022 là một năm thất bại của Meta. Sau khi đổi tên từ Facebook sang Meta vào tháng 10/2021 để theo đuổi tham vọng vũ trụ ảo, công ty của Mark Zuckerberg liên tục đi xuống. Ngoài ra, động thái của Apple trong việc thay đổi chính sách quyền riêng tư trên iOS cũng tác động nghiêm trọng đến doanh thu quảng cáo của nền tảng.
Theo các chuyên gia, công ty đang gặp vấn đề lớn với tham vọng của mình khi chi phí cho nền tảng này tăng cao, khiến các nhà đầu tư kém tin tưởng. Ván cược của Meta vào vũ trụ ảo đã tiêu tốn 9,4 tỷ USD năm nay và hơn 10 tỷ USD năm ngoái. Công ty thậm chí dự đoán khoản lỗ "sẽ còn tăng đáng kể qua từng năm".
Bản thân Zuckerberg cũng thừa nhận nhiều người không đồng tình với ông về việc đầu tư vào vũ trụ ảo. Tuy nhiên, ông cho rằng tương lai của công ty nằm ở thế giới metaverse và những nhà đầu tư kiên nhẫn sẽ được sự đền đáp xứng đáng.
Theo thống kê, doanh thu quý III/2022 của Meta giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Meta cũng bị văng khỏi danh sách 20 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới. Năm ngoái, họ từng là một trong năm công ty trị giá hơn 1.000 tỷ USD tại Mỹ cùng với Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon. Hiện giá trị công ty còn khoảng 270 tỷ USD, thấp hơn cả các công ty như Home Depot, Pfizer và Coca-Cola.
Đạo luật chip 53 tỷ USD của Mỹ
Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật CHIPS & Science, trong đó dành gần 53 tỷ USD cho các ưu đãi trong sản xuất chất bán dẫn và 200 tỷ USD cho nghiên cứu AI, điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác. Đạo luật được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ sở sản xuất nước ngoài về Mỹ. Thực tế, nhiều nhà sản xuất chip lớn tuyên bố mở rộng hoạt động tại quốc gia này. TSMC cho biết sẽ đầu tư ít nhất 12 tỷ USD vào Arizona. Samsung cam kết đầu tư 17 tỷ USD vào Texas. SK Hynix tiết lộ kế hoạch chi 15 tỷ USD cho Intel và Micron.
Đầu tháng 12, ông Biden đã đến thăm nhà máy chip đang xây dựng của TSMC ở Phoenix, Arizona. Hãng bán dẫn Đài Loan dự kiến xây thêm một nhà máy khác vào năm 2026 với mục tiêu sản xuất chip 3 nm với vốn đầu tư ước tính 40 tỷ USD. Đây được xem là chiến thắng của ông Biden sau các chính sách thu hút mảng công nghệ
Với luật mới, các công ty được trợ cấp sẽ nhận chính sách ưu đãi để mở rộng sản xuất tại Mỹ, nhưng bị hạn chế thực hiện các "giao dịch lớn" ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào trong vòng 10 năm. Nikkei Asia nhận định, quy định của gói trợ cấp như một vũng lầy, buộc nhà sản xuất phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo VLSI Research, sau cơn khát chip trong hai năm đại dịch, hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng chip đang tăng lên từ đầu năm nay. Fortune đánh giá, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm và chip tồn kho chất đống, việc Mỹ rót tiền tấn vào lĩnh vực "chưa cần sự hỗ trợ một cách cần thiết" có thể sẽ là sai lầm.
Kỳ World Cup công nghệ nhất lịch sử
World Cup Qatar 2022 được giới chuyên gia đánh giá là kỳ World Cup áp dụng nhiều công nghệ nhất từ trước đến nay. Trong số đó, đáng chú ý là Công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT), dựa trên 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái các sân vận động và được đồng bộ hóa. Dữ liệu theo dõi quang học xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí của bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần mỗi giây. Để công nghệ SAOT được chính xác, trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022, Al Rihla, có bộ cảm biến để truyền dữ liệu 500 lần mỗi giây đến phòng VAR.
Ở lượt cuối vòng loại bảng E, cảm biến trong Al Rihla đã định đoạt số phận của cả bảng đấu khi công nhận bàn thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha. Sau đó, trong trận Bồ Đào Nha và Uruguay, cũng chính cảm biến này cho thấy không có bất kỳ rung động nào khi bóng đi qua vị trí của Ronaldo, tức siêu sao Bồ Đào Nha không ghi bàn.
Một hệ thống xác định bàn thắng tự động khác là Goal-line. Công nghệ này bắt đầu được áp dụng tại World Cup 2014 và liên tục được nâng cấp qua các năm tổ chức. Tại Qatar năm nay, mỗi hệ thống trên 8 sân vận động sử dụng dữ liệu từ 14 camera tốc độ cao gắn dưới sân hoặc dưới mái che.
Nhiều ứng dụng cũng được sử dụng tại kỳ World Cup này. Trong đó, Ứng dụng thông tin hiệu suất cầu thủ FIFA Player cung cấp dữ liệu chi tiết về hiệu suất của từng người chơi sau mỗi trận đấu và lần đầu được áp dụng tại World Cup. Ứng dụng FIFA+ dùng công nghệ AR hiển thị chi tiết thông số cầu thủ trên sân, bản đồ nhiệt, phát lại VAR... trong các trận đấu World Cup 2022. Người xem trận đấu trực tiếp trên sân vận động tại Qatar có thể sử dụng smartphone cài ứng dụng FIFA+. Khi hướng camera về cầu thủ bất kỳ, một "lớp phủ" AR gồm các thông tin như tên, số áo, tốc độ, quãng đường di chuyển, bản đồ nhiệt... sẽ hiển thị chi tiết trên màn hình theo thời gian thực.
Theo Vnexpress
Liên kết website
Ý kiến ()