Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:27 (GMT +7)
6 dấu hiệu trẻ mắc COVID-19 chuyển nặng cần đưa tới bệnh viện
Chủ nhật, 14/11/2021 | 09:47:11 [GMT +7] A A
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em. Trong đó, chỉ ra 6 dấu hiệu trẻ mắc COVID-19 nặng, cần khẩn trương đưa tới bệnh viện.
6 dấu hiệu bao gồm:
- Thở nhanh
- Khó thở, cánh mũi phập phồng
- Rút lõm lồng ngực
- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống
- Tím tái môi đầu chi
- Chỉ số SpO2 < 95%
Ngoài ra với các triệu chứng như sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho, tiêu chảy, ăn/bú kém… cha mẹ cũng cần liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn.
Theo thống kê, chỉ có khoảng 4% trẻ mắc COVID-19 có diễn biến nặng, còn hầu hết là không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, đối với trẻ mắc COVID-19 nặng, bệnh thường diễn biến nhanh, bất thường, vì thế, gia đình cần theo dõi trẻ sát sao, không bỏ qua những biểu hiện bệnh dù nhỏ nhất.
Hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị COVID-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc COVID-19 là: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân; Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi..);
Bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).
Ngoài ra, các đối tượng trẻ có các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng khi mắc COVID-19 là trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan - đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống...
TS.BS Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện Việt Nam chưa có có chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ nhưng người lớn tiêm vaccine giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em.
Ngoài ra, gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()